Mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và suy giảm khối lượng xương
Danh mục nội dung
1. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ gãy xương cao
Gãy xương ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh. Ngay cả một người từng rất khỏe mạnh, nếu bị gãy xương chân và hông thì cũng sẽ không thể đi lại nhanh chóng như bình thường được. Những người chưa từng trải qua việc bị gãy xương có thể không dễ dàng biết được sự bất tiện do tình trạng này gây ra cho đến khi vết gãy được chữa lành.
Gãy xương ở người trẻ thường dễ hồi phục hơn so với người già. Người cao tuổi thường mất nhiều thời gian để chữa khỏi và việc không thể di chuyển cơ thể khi về già trong thời gian dài sẽ làm cho xương và cơ bắp ngày càng yếu đi, cuối cùng có thể dẫn đến nằm liệt giường. Trong thực tế, gãy xương, cùng với đột quỵ, là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nằm liệt giường.
Người mắc bệnh tiểu đường dễ bị gãy xương và tần suất cao gấp 2~4 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Có nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến tình trạng dễ gãy xương ở người tiểu đường, trong đó gồm cả việc thiếu tác dụng của insulin.
Bài viết hữu ích liên quan:
2. Bệnh loãng xương
Loãng xương là tình trạng suy giảm khối lượng xương, xương trở nên giòn hơn và thậm chí một tác động nhẹ cũng có thể dễ dàng làm gãy xương. Bất cứ ai đã có tuổi thì xương đều giòn và yếu, nhưng ở những người mắc bệnh tiểu đường, tình trạng này sẽ xuất hiện sớm hơn và có trường hợp bệnh nhân tiểu đường đã có khối lượng xương tối đa từ khi còn trẻ.
2.1 Xương cũng là một tế bào sống cần sự chuyển hóa
Thoạt nhìn nhiều người có cảm giác xương trông cứng như đá, nhưng bên trong xương là các tế bào sống tập trung và các tế bào này liên tục lặp lại quá trình chuyển hóa.
Có 3 loại tế bào xương là tạo cốt bào sinh xương mới, cốt bào giữ xương và hủy cốt bào chỉnh sửa xương. Xương cũ bị phá hủy (hấp thụ) bởi các hủy cốt bào và thành phần của xương là canxi, collagen (một loại protein) sẽ hòa tan vào máu. Sau đó, các tạo cốt bào tập hợp lại và tiết ra collagen. Các khoáng chất xương với thành phần chính là canxi tích tụ trong collagen này để tạo xương mới và duy trì sức mạnh của xương. Chu kỳ này được gọi là chu kỳ chuyển hóa xương.
Ngoài ra, xương đóng vai trò duy trì tư thế và nâng đỡ, bảo vệ các bộ phận bên trong cơ thể, nhưng đồng thời xương cũng là một kho lưu trữ canxi. 99% canxi trong cơ thể có trong xương, và 1% canxi còn lại có trong máu và cơ bắp ngoài xương. Tuy nhiên, canxi rất cần thiết giúp các tế bào trong toàn cơ thể hoạt động bình thường, do đó mọi người cần phải cố duy trì một lượng canxi không đổi trong máu.
Khi nồng độ canxi trong máu giảm do thiếu lượng hấp thụ canxi, các hủy cốt bào sẽ phá vỡ (hấp thu) xương để bổ sung lượng canxi thiếu và hòa tan lượng canxi này vào trong máu. Do đó, nồng độ canxi trong máu được duy trì ở mức ổn định, nhưng do phần xương bị phá hủy sẽ thiếu canxi, nên xương không thể tái tạo hoàn thiện.
Loãng xương là một bệnh trong đó sự cân bằng chuyển hóa xương bị phá vỡ do lão hóa hoặc không đủ canxi. Quá trình phá hủy xương diễn ra với tốc độ cao hơn tốc độ hình thành xương khiến bên trong xương có nhiều những khoảng trống.
2.2 Triệu chứng của bệnh loãng xương
Khi bị bệnh loãng xương, tất cả các xương trong cơ thể rất dễ bị gãy, nhưng nguy hiểm nhất là gãy phần cổ xương đùi. Đây là bộ phận dễ gãy nhất khi bị ngã hoặc vận động mạnh. Khi bị gãy phần cổ xương đùi, bệnh nhân không thể đi bộ cũng như không thể rời khỏi giường trong nhiều tháng cho đến khi được chữa khỏi. Trong trường hợp của người cao tuổi, chứng suy giảm trí nhớ có thể tiến triển trong thời gian này.
Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương bao gồm tuổi già, phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh), thiếu lượng hấp thụ canxi, thiếu vận động khi còn trẻ hoặc hiện tại, người gầy, đường tiêu hóa kém, bệnh tiểu đường, cường giáp…Đặc biệt, khối lượng xương ở phụ nữ thường ít hơn nam giới và sau khi mãn kinh, nội tiết tố phụ nữ ức chế sự tái hấp thu xương sẽ giảm nhanh chóng và khối lượng xương sẽ suy giảm nhanh chóng.
2.3 Mục đích điều trị và sự cần thiết của kiểm tra bệnh loãng xương
Mục đích của điều trị loãng xương là ngăn ngừa gãy xương. Để kiểm tra độ bền, chắc khỏe thực sự của xương, người ta thực hiện kiểm tra bằng tia X để đo khối lượng xương.
Loãng xương thường tiến triển mà không có triệu chứng và ngay cả khi cảm thấy đau lưng và đau hông, mọi người thường có xu hướng bỏ qua vì nghĩ rằng đó là do tuổi tác. Tuy nhiên, khi bị gãy xương mới phát hiện mắc bệnh loãng xương là đã quá muộn, do đó điều quan trọng đối với những người có yếu tố nguy cơ loãng xương là nên đi kiểm tra để biết tình trạng của xương.
3. Mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và suy giảm khối lượng xương
Bệnh loãng xương xảy ra bởi các bệnh gây suy giảm khối lượng xương hoặc việc sử dụng thuốc steroid trong thời gian dài được gọi là bệnh “loãng xương thứ phát”. Đây là tình trạng khác với bệnh “loãng xương nguyên phát” có thể xảy ra ở bất kỳ ai khi cao tuổi hoặc phụ nữ mãn kinh. Suy giảm khối lượng xương do bệnh tiểu đường là bệnh loãng xương thứ phát. Với chứng loãng xương thứ phát, tình trạng suy giảm khối lượng xương do bệnh tiểu đường không thể dừng lại nếu không điều trị bệnh là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
3.1 Insulin rất cần thiết để duy trì khối lượng xương
Vai trò của insulin không chỉ là tăng sử dụng glucose để làm giảm lượng đường trong máu. Thiếu tác dụng của insulin sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa xương theo nhiều cách khác nhau và gây suy giảm khối lượng xương.
3.2 Ảnh hưởng của sự thiếu tác dụng insulin đối với chuyển hóa xương
(1) Suy giảm của các tạo cốt bào sinh xương
Trong các tạo cốt bào sinh xương mới có các thụ thể nhận insulin và nó có tác dụng tăng sinh các tạo cốt bào.Thiếu insulin, các tạo cốt bào sẽ không tăng sinh và sự hình thành xương bị suy giảm. Trên thực tế, ở những người mắc bệnh tiểu đường, sự sụt giảm của Osteocalcin- một chỉ số chuyển hóa xương sẽ được xác nhận thông qua kiểm tra và tình trạng suy giảm khối lượng xương với chu kỳ chuyển hóa thấp※ sẽ xảy ra.
※ Suy giảm khối lượng xương với chu kỳ chuyển hóa thấp
Có hai mô hình như trong hình trên đây biểu thị sự mất cân bằng giữa hình thành xương và phá hủy xương. Hình bên phải phía trên cho thấy tình trạng cả sự hình thành và phá hủy xương đều giảm, nhưng sự giảm mạnh hơn của hình thành xương cho thấy mức độ “chu kỳ chuyển hóa thấp” cao hơn. Tình trạng này tương đương với sự suy giảm khối lượng xương do lão hóa và bệnh tiểu đường. Mặt khác, hình bên phải phía dưới cho thấy “chu kỳ chuyển hóa cao” trong đó sự hình thành xương gần như bình thường nhưng sự phá hủy xương tăng mạnh và tình trạng này tương đương với sự suy giảm khối lượng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
(2) Tăng canxi và magie trong nước tiểu
Nếu bệnh nhân tiểu đường bị tăng đường huyết do thiếu tác dụng của insulin, lượng nước tiểu sẽ tăng lên theo. Kết quả là lượng canxi bài tiết qua nước tiểu cũng tăng lên dẫn tới việc cơ thể bị thiếu canxi.
Tương tự với lý do trên, cơ thể thiếu magie sẽ làm giảm sự bài tiết hormone tuyến cận giáp và làm cho thận có khả năng bài tiết canxi nhiều hơn, bên cạnh đó chu kỳ chuyển hóa sẽ thấp hơn nữa.
(3) Thiếu vitamin D loại hoạt tính
Canxi không được đưa vào cơ thể ngay cả khi chỉ bổ sung một mình canxi và vitamin D loại hoạt tính rất cần thiết để giúp hấp thụ canxi từ ruột. Vitamin D loại hoạt tính được tạo ra ở thận nhờ tác dụng của insulin với vitamin D làm nguyên liệu. Ở những người mắc bệnh tiểu đường thiếu hoạt động của insulin, vitamin D loại hoạt tính không đủ nên rất khó để canxi được hấp thụ từ ruột.
Ngoài ra vitamin D loại hoạt tính cũng có tác dụng tăng cường chức năng của các tạo cốt bào sinh xương, nhưng tác dụng của chúng bị giảm trong tình trạng tăng đường huyết.
(4) Giảm collagen bình thường
Collagen là thành phần protein trong xương và đóng vai trò giữ cho xương linh hoạt. Ở trạng thái tăng đường huyết, một hiện tượng gọi là glycation protein xảy ra và làm giảm collagen bình thường, khiến xương dễ gãy hơn.
3.3 Bệnh thận tiểu đường cũng khiến xương dễ gãy hơn
Khi bệnh thận – một biến chứng của bệnh tiểu đường tiến triển, các bệnh về xương do tăng chức năng tuyến cận giáp, giảm vitamin D loại hoạt tính,…sẽ xảy ra. Các bệnh này sẽ khác với bệnh loãng xương, nhưng cũng là những bệnh khiến xương dễ gãy.
3.4 Sự khác biệt ở các bệnh về xương giữa bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2
Mặc dù phần lớn biến chứng của bệnh tiểu đường bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát đường huyết tốt hay xấu hơn là sự khác biệt giữa bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, nhưng tình trạng suy giảm khối lượng xương do bệnh tiểu đường sẽ khác nhau giữa những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.
Trước hết, vì những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 bị thiếu hụt insulin hoàn toàn, ảnh hưởng đối với sự chuyển hóa xương thông qua các thụ thể insulin của tạo cốt bào sinh xương là rất rõ ràng. Ngoài ra, sự khởi phát bệnh tiểu đường ở trẻ em và thanh thiếu niên thường dẫn đến sự phát triển xương không đủ do thiếu insulin trong giai đoạn tăng trưởng và khối lượng xương tối đa sau khi trưởng thành giảm. Do đó việc suy giảm khối lượng xương do lão hóa trở nên lớn hơn.
Mặt khác, ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, do khả năng tiết insulin khác nhau tùy theo tình trạng bệnh nhân nên mức độ ảnh hưởng đến chuyển hóa xương cũng thay đổi tùy theo từng người. Ngoài ra, vì bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra ở những người sau tuổi trưởng thành nên khối lượng xương tối đa ở bệnh nhân tiểu đường vẫn giống như người không mắc bệnh tiểu đường. Cũng có trường hợp ảnh hưởng của lão hóa và mãn kinh đến xương có thể lớn hơn bệnh tiểu đường và một số bệnh nhân bị tăng insulin máu (phổ biến hơn ở những người béo phì mắc bệnh tiểu đường) nên dù lượng đường trong máu cao nhưng khối lượng xương không bị suy giảm.
Lý do dễ bị gãy xương trong bệnh tiểu đường
4. Để giữ cho xương chắc khỏe
Mục tiêu của điều trị loãng xương là duy trì khối lượng xương và ngăn ngừa gãy xương. Khi kiểm tra sức khỏe, nếu một người được chỉ ra rằng khối lượng xương đang giảm thì hãy cố gắng ngăn chặn sự suy giảm khối lượng xương càng nhiều càng tốt.
Nếu khối xương giảm xuống dưới 70% so với mức trung bình ở những người độ tuổi từ 20~ 44 tuổi, người đó sẽ được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương và cần được điều trị. Tuy nhiên trường hợp có các yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, dù khối lượng xương chỉ giảm 70~80% và thuộc “nhóm tiền loãng xương” thì việc điều trị cũng được khuyến khích thực hiện.
4.1 Chú ý về chế độ ăn uống
Hấp thụ đủ canxi
Lượng canxi hấp thụ trung bình của người Nhật Bản là khoảng 500 miligam mỗi ngày, chưa đáp ứng đủ lượng cần thiết là 600 miligam mỗi ngày. Những người đang bị suy giảm khối lượng xương thì không chỉ 600 miligam mà hãy bổ sung càng nhiều càng tốt. Vì canxi không được hấp thụ nhiều hơn một lượng nhất định, nên việc bổ sung quá nhiều không phải là vấn đề đáng lo.
Phần lớn mọi người đều biết rằng trong sữa và cá nhỏ,…có chứa rất nhiều canxi.
Tên thực phẩm | Lượng nên ăn trong 1 lần (g) | Lượng tiêu chuẩn | Lượng canxi | |
Sữa và các chế phẩm từ sữa | Sữa bò bình thường | 200 | 1 chai | 220 |
Sữa chua (béo không đường | 100 | 1 chai | 240 | |
Sữa tách kem | 20 | 2 và ½ muỗng canh | 220 | |
Kem (chất béo bình thường) | 100 | 1 cái | 140 | |
Phô mai chế biến | 20 | 1 miếng | 126 | |
Các loại cá nhỏ | Cá phơi khô toàn bộ | 40 | 2 con | 176 |
Cá tẩm ướt phơi khô | 20 | 1 con | 160 | |
Cá mòi khô | 10 | 5 con | 220 | |
Cá cơm trắng khô | 15 | 3 muỗng canh | 78 | |
Cá mòi tẩm dầu đóng hộp | 55 | ½ hộp | 193 | |
Tôm khô | 5 | 1/5 | 355 | |
Các loại rau lá xanh | Cải bó xôi | 80 | ½ bó | 120 |
Cải Mizuna | 80 | 1 cây nhỏ | 160 | |
Lá cải củ | 50 | ½ cây | 110 | |
Lá củ cải turnip | 80 | 2 cây | 152 | |
Đậu tương và chế phẩm từ đậu | Đậu phụ | 150 | ½ miếng | 129 |
Đậu rán tái | 120 | 1 miếng | 288 | |
Đậu chiên | 25 | 1 miếng | 75 | |
Đậu phụ đông lạnh | 20 | 1 miếng nhỏ | 126 | |
Natto (đậu nành lên men) | 50 | ½ gói | 45 | |
Rong biển, đồ khô | Tảo bẹ | 10 | Miếng 10cm | 76 |
Rong biển khô | 10 | ⅕ cup | 100 | |
Tảo biển khô | 5 | ¼ cup | 48 | |
Củ cải xắt khô | 10 | ⅕ cup | 50 |
Vitamin D và K cũng rất cần thiết
Bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung nhiều vitamin D, nguồn tạo nên vitamin D loại hoạt tính làm tăng sự hấp thụ canxi từ ruột. Việc bổ sung vitamin K cũng rất cần thiết để thúc đẩy sự hình thành xương. Vitamin D có nhiều trong cá (các loại cá giàu chất béo) và vitamin K đặc biệt có nhiều trong Natto (đậu nành lên men), ngoài các loại rau lá xanh như cải bó xôi.
Đáp ứng lượng năng lượng được chỉ định
Nếu bệnh nhân tiểu đường không ăn quá nhiều để kiểm soát lượng đường trong máu, giảm khẩu phần ăn nhiều hơn mức cần thiết hoặc kéo dài chế độ ăn uống kém cân bằng, thì sẽ dễ bị tình trạng thiếu canxi. Nếu bệnh nhân có chế độ ăn uống vượt quá lượng năng lượng hấp thụ cần thiết được chỉ định bởi bác sĩ điều trị thì tất nhiên sẽ không tốt, nhưng nếu không bổ sung đủ năng lượng thì càng không tốt hơn. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường cần tiếp tục duy trì chế độ ăn uống chính xác trong khi chú ý không chỉ đến lượng năng lượng mà còn cả các chất dinh dưỡng.
Chú ý khác về chế độ ăn uống
Bổ sung một lượng lớn chất xơ có tác dụng tích cực đối với bệnh tiểu đường và rối loạn lipid máu (tăng lipid máu), nhưng việc ăn quá nhiều sẽ cản trở sự hấp thụ canxi và có tác động tiêu cực đến việc duy trì khối lượng xương. Nếu bệnh nhân muốn hấp thụ một lượng lớn chất xơ thì nên chú ý bổ sung một lượng lớn canxi. Ngoài ra, việc hấp thụ quá nhiều natri (muối) cũng làm tăng áp suất thẩm thấu trong cơ thể và làm tăng lượng canxi bài tiết qua nước tiểu, vì vậy nên hạn chế dùng muối.
4.2 Chú ý về chế độ tập thể dục
Tập thể dục vừa phải sẽ giúp kích thích xương, cải thiện lưu thông máu bên trong xương và thúc đẩy quá trình hình thành xương. Sử dụng các bài tập tạ gây áp lực cho cơ bắp là một loại bài tập tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tập thể dục với cường độ quá mạnh thì có thể gây nguy cơ gãy xương, tổn thương khớp và cũng có ảnh hưởng đối với việc điều trị bệnh tiểu đường, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện phù hợp.
Ngoài ra, 80% vitamin D được tạo ra trong da từ việc tiếp nhận tia cực tím. Không có vấn đề gì với những người có cơ hội ra ngoài mỗi ngày, vì mọi người chỉ cần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 30 phút mỗi ngày để tạo vitamin D cần thiết. Tuy nhiên đối với những người cao tuổi thường xuyên ở nhà, nên tập thể dục ngoài trời nhiều nhất có thể.
4.3 Thuốc điều trị loãng xương
Các chế phẩm canxi và các chế phẩm vitamin như vitamin D loại hoạt tính và vitamin K sẽ được chỉ định cho bệnh nhân để bổ sung vào chế độ ăn uống. Hormone cải thiện chuyển hóa xương cũng được sử dụng làm thuốc, chẳng hạn như chế phẩm calcitonin và chế phẩm estrogen. Ngoài ra, chế phẩm Ipriflavone giúp thúc đẩy bài tiết calcitonin, estrogen và chế phẩm Bisphosphonate giúp ức chế chức năng của các hủy cốt bào xương,…cũng được sử dụng để điều trị.
Các loại thuốc này cũng sẽ tác động lên quá trình chuyển hóa glucose và có tác dụng tăng cường đông máu. Do đó các loại thuốc này sẽ không được chỉ định cho những bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường huyết kém hoặc những bệnh nhân bị biến chứng tiểu đường.
4.4 Điều trị bệnh tiểu đường
Việc điều trị bệnh tiểu đường là rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng suy giảm khối lượng xương. Bệnh nhân càng kiểm soát đường huyết kém, nguy cơ gãy xương càng cao. Ngoài ra, nếu bệnh tiểu đường tuýp 1 khởi phát ở trẻ em và người trẻ tuổi, biện pháp điều trị bằng insulin thích hợp là rất quan trọng để xương của trẻ có thể phát triển đầy đủ.
5. Chú ý không để bị ngã
Để ngăn ngừa gãy xương, điều quan trọng không chỉ là củng cố xương chắc khỏe mà còn tránh nguy cơ gây gãy xương trực tiếp. Tất nhiên, mọi người cần lưu ý không giữ hành lý nặng quá lâu, không đứng hoặc giữ tư thế cúi người nửa chừng trong thời gian dài, đặc biệt cần phòng ngừa việc bị ngã, đây là nguyên nhân lớn nhất gây ra gãy xương.
Bất cứ ai khi có tuổi thì đều bị suy giảm sức mạnh cơ bắp và phản xạ nên dễ bị ngã hơn. Tuy nhiên những người mắc bệnh tiểu đường bị giảm thị lực do bệnh võng mạc hoặc đục thủy tinh thể, bị chứng đau cách hồi (cứ đi là chân đau) do xơ vữa động mạch, chân bị biến dạng do bệnh thần kinh tiểu đường,…là những người luôn ở trong tình trạng rất dễ bị ngã. Do đó người ta cho rằng đây là những nguyên nhân khiến những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị gãy xương.
Có nhiều biện pháp khác nhau có thể được thực hiện để phòng ngừa việc té ngã như thiết kế tay vịn và sàn chống trượt ở cầu thang và phòng tắm, sắp xếp đồ đạc trong phòng gọn gàng để không bị vấp ngã, bật đèn và gắn công tắc đèn ở ngay lối vào phòng, đứng lên một cách từ từ, đi giày vừa chân, hạn chế ra ngoài vào ngày tuyết rơi,…Bên cạnh việc giữ xương chắc khỏe, mọi người cũng cần chú ý phòng ngừa việc té ngã.
Bạn đang xem bài viết: “Mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và suy giảm khối lượng xương” tại Chuyên mục: “Sống cùng bệnh“.
Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)