Tiểu đường thai kỳ
Danh mục nội dung
- 1. Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
- 2. Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ – Tại sao lượng đường huyết lại dễ tăng trong khi mang thai?
- 3. Các triệu chứng của tiểu đường thai kỳ – Những ảnh hưởng tới mẹ và bé
- 4. Những người có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ
- 5. Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ
- 6. Điều trị tiểu đường thai kỳ – Không sử dụng thuốc uống
- 7. Có phải tiểu đường thai kỳ sẽ khỏi sau khi sinh em bé không?
1. Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là trước khi mang thai người phụ nữ chưa hề được chẩn đoán mắc tiểu đường, nhưng trong khi mang thai lượng đường huyết tăng cao. Điều này nghĩa là sau khi mang thai, nếu thai phụ có các dấu hiệu của tăng đường huyết thì sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh.
Ngoài ra, một trường hợp khác nữa là thai phụ được chẩn đoán mắc tiểu đường từ trước khi mang thai thì được gọi là “Mang thai khi đã bị tiểu đường “, 2 loại này khác nhau nên mọi người cần phân biệt rõ để không bị nhầm lẫn. Ngoài ra cũng cần dựa trên thể trạng mẹ và tình trạng bé để có thể đưa ra những đánh giá chính xác nhất, chính vì thế người ta cũng đã thiết lập hệ thống tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn so với tiểu đường thông thường.
2. Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ – Tại sao lượng đường huyết lại dễ tăng trong khi mang thai?
Bình thường sau khi ăn uống, thức ăn sẽ được tiêu hóa, hấp thu, chuyển thành đường đi vào trong máu. Thế nhưng đường này sẽ ở trong máu mà chưa thể chuyển thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động được, vì thế tuyến tụy sẽ tiết ra một loại hormone tên là insulin đi khắp cơ thể có nhiệm vụ chuyển hóa đường thành năng lượng.
Thế nhưng khi mang thai, một loại hormone được tiết ra từ nhau thai làm giảm khả năng tiết insulin (kháng insulin), vì thế mà lượng đường trong máu dễ tăng lên hơn.
Ở phụ nữ mang thai bình thường, có thể điều chỉnh việc tiết ra nhiều insulin từ tuyến tụy để không làm tăng lượng đường trong máu, nhưng nếu thai phụ có thể trạng insulin tiết ra ít hoặc tính kháng insulin mạnh, lượng đường trong máu sẽ tăng cao.
3. Các triệu chứng của tiểu đường thai kỳ – Những ảnh hưởng tới mẹ và bé
Triệu chứng
Thực tế bệnh không có triệu chứng cơ năng điển hình mà có thể tự nhận biết được. Hơn nữa các triệu chứng sẽ biến đổi tùy theo cơ thể người mẹ lúc mang thai, kể cả những triệu chứng như đi tiểu nhiều cũng khó có thể nhận biết. Chính vì vậy để chính xác và an toàn cho cả mẹ và bé, hãy đi xét nghiệm máu và nước tiểu càng sớm càng tốt.
Biến chứng
Điều đáng sợ đối với tiểu đường thai kỳ là các biến chứng có thể xảy ra với cả mẹ và bé. Vì cơ thể mẹ và bé kết nối với nhau, khi đường huyết của mẹ cao thì glucose trong máu cũng sẽ được truyền qua cho bé bằng nhau thai. Bản thân bé sẽ tự tiết insulin để giảm lượng glucose này xuống, nhưng insulin cũng là một hormone tăng trưởng và nếu insulin quá nhiều sẽ làm cho bé bị tăng trưởng quá mức, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau đây là 1 vài biến chứng có thể xảy ra ở mẹ và bé:
– Biến chứng ở mẹ
+ Sinh non
+ Hội chứng tăng huyết áp ở thai phụ
+ Quá nhiều nước ối
+ Nhiễm trùng đường tiết niệu
– Biến chứng ở thai nhi
+ Thai phát triển to quá mức ( thai khổng lồ )
+ Có những dị tật bẩm sinh
– Những tác động lên trẻ sơ sinh
+ Khó thở
+ Hạ đường huyết
Tuy nhiên tiểu đường thai kỳ không giống với mang thai khi bị tiểu đường, vì tiểu đường thai kỳ có thể dễ kiểm soát lượng đường huyết một cách tương đối, nếu có thể kiểm soát glucose trong máu phù hợp thì các mẹ đã có thể phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm nêu trên.
4. Những người có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ
Những bà mẹ có một hoặc nhiều yếu tố sau thì khả năng mắc tiểu đường thai kỳ cũng sẽ cao hơn, cho nên hãy chú ý đi khám sớm để dễ dàng kiểm soát, điều trị nhé.
+ Trong gia đình ( đặc biệt là ông bà, bố mẹ ) có người mắc tiểu đường
+ Mang thai khi 35 tuổi trở lên
+ Béo phì
+ Xét nghiệm đường trong nước tiểu dương tính
+ Đã sinh con dị dạng hoặc to quá mức
+ Đã từng sinh non hoặc bị sảy thai
5. Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ
Nếu thai phụ bị tiểu đường thai kỳ không kiểm soát tốt đường huyết khi mang thai, bệnh tiến triển có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Mặt khác, nếu thai phụ được chẩn đoán và điều trị thích hợp, tiểu đường thai kỳ sẽ không phải là một căn bệnh đáng sợ.
Để có thể chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, ở giai đoạn đầu thai kỳ (lần khám đầu tiên hoặc trước sau 10 tuần mang thai) và giữa thai kỳ (mang thai 24-28 tuần), thai phụ nên được xét nghiệm sàng lọc đường huyết và nếu có kết quả dương tính, thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose 75g (OGTT) .
Xét nghiệm dung nạp glucose 75g là xét nghiệm cho thai phụ trong trạng thái đói uống 75g glucose hòa tan trong nước, sau đó lấy mẫu máu và đo đường huyết.
+ Đường huyết lúc đói (trước khi uống glucose) ≥92 mg/dl
+ Giá trị 1 giờ (1 giờ sau khi uống glucose) ≥180 mg/dl
+ Giá trị 2 giờ (2 giờ sau khi uống glucose) ≥153 mg/dl
Nếu thai phụ có các giá trị trùng với 1 trong 3 mục trên sẽ được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường thai kỳ.
6. Điều trị tiểu đường thai kỳ – Không sử dụng thuốc uống
Điều trị tiểu đường thai kỳ chủ yếu sẽ là phương pháp ăn uống. Cụ thể phương pháp ăn uống sẽ thay đổi tùy thuộc vào số tuần thai, thể trạng mẹ và bé để có thể điều chỉnh phù hợp. Khi mang thai, lượng năng lượng cần thiết nhiều hơn khi không mang thai, và cũng được chia ra theo tuần tuổi của thai nhi. Ngoài ra để tránh lượng đường trong máu bị tăng một cách quá đột ngột thì các sản phụ cũng được khuyến khích chia một ngày ra 5-6 bữa ăn.
Nếu đã thực hiện các phương pháp ăn uống cụ thể được đưa ra nhưng đường huyết vẫn ở mức cao thì cần phải sử dụng liệu pháp tiêm insulin.
7. Có phải tiểu đường thai kỳ sẽ khỏi sau khi sinh em bé không?
Vì sau khi sinh thì nhau thai cũng sẽ không còn, và theo đó hormone ức chế hoạt động của insulin cũng biến mất, đường huyết sẽ giảm xuống và cơ thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, về lâu dài, theo như một báo cáo gần đây, hơn nửa số lượng những người mẹ đã từng mắc tiểu đường thai kỳ sau 20-30 năm lại bị mắc tiểu đường, chính vì vậy hãy quản lý đường huyết thật tốt nhé.