Tiểu đường và stress

Cỡ chữ:
A A
Mối liên hệ giữa tiểu đường và stress như thế nào? Khi cơ thể và tâm trí luôn căng thẳng, các hormon làm tăng lượng đường trong máu được tiết ra và tính kháng insulin (*) được đẩy mạnh dẫn tới lượng đường trong máu tăng lên. Cảm giác đau khổ khi phải kiềm chế nhu cầu bản thân trong điều trị bệnh tiểu đường (dù muốn ăn nhưng không được ăn) được gọi là sự rối loạn QOL.

1. Xã hội hiện nay là một xã hội đầy rẫy căng thẳng

Nhật Bản là một đất nước luôn biến đổi nhanh chóng về cấu trúc xã hội. Hiện tượng những gì còn đang phổ biến ngày hôm nay thì ngay hôm sau đã trở thành quá khứ không phải là một điều quá lạ lẫm ở Nhật Bản. Do đó mọi người luôn luôn phải nhạy bén để bắt kịp với những sự thay đổi của xã hội. Chính việc này sẽ gây căng thẳng tâm lý mạnh mẽ (stress) .

Tình trạng stress này gần như ai cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường cần hiểu rõ hơn về stress bởi stress có ảnh hưởng khá lớn đến bệnh. Ngoài ra có nhiều bệnh nhân tiểu đường bị trầm cảm do liên tục bị stress.

Tiểu đường và stress 1
Xã hội hiện nay là một xã hội với nhiều căng thẳng – bài viết về “Tiểu đường và stress”

[Lời khuyên] Suy nghĩ trong ngày

Những suy nghĩ vào chiều và tối thường không được tích cực. Do đó khi cần suy nghĩ và đưa ra ý tưởng, nên suy nghĩ vào thời điểm ban ngày, những lúc tâm trạng tốt.

cta kiến thức tiểu đườngBạn có biết: Buồn ngủ sau khi ăn là dấu hiệu của bệnh tiểu đường?

2. Ảnh hưởng của stress đối với bệnh tiểu đường

2.1 Lượng đường trong máu tăng do stress

Khi cơ thể và tâm trí luôn căng thẳng, các hormon làm tăng lượng đường trong máu được tiết ra và bên cạnh đó tính kháng insulin (*) được đẩy mạnh. Do đó, lượng đường trong máu tăng lên.

(*) Tính kháng insulin: là tình trạng độ nhạy với insulin (hormon làm giảm lượng đường trong máu) bị suy giảm. Mặc dù insulin được tiết ra rất nhiều, nhưng lượng đường trong máu không giảm.

2.2 Việc ăn quá nhiều để giải tỏa stress gây rối loạn kiểm soát đường huyết

Một phương pháp giúp giải tỏa stress phổ biến là ăn uống nhiều. Lượng rượu uống khi căng thẳng cũng sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, khi bị kích thích hoặc tinh thần không ổn định, dù không đói, mọi người sẽ thường có xu hướng ăn những thứ ngay trước mặt. Điều này gây những ảnh hưởng xấu đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Tiểu đường và stress 2
Ăn uống giúp giải tỏa căng thẳng nhưng có thể là nguyên nhân dẫn đến tiểu đường

2.3 Stress có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Mọi người sẽ cảm thấy chán nản vì tình trạng stress kéo dài. Khi stress kéo dài quá lâu, cơ thể và tâm trí kiệt quệ sẽ dẫn đến “trầm cảm”.

Phần lớn bệnh nhân tiểu đường ở độ tuổi phải chịu nhiều căng thẳng của cuộc sống (từ cả phía gia đình và xã hội) nên dễ bị trầm cảm hơn. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường còn có rất nhiều nỗi lo lắng và bất an do bệnh tiểu đường (như lo lắng về một tương lai mơ hồ, rối loạn QOL (*) do việc điều trị bệnh tiểu đường và các biến chứng).

Người ta nói rằng 20~30% người mắc bệnh tiểu đường bị trầm cảm và tần suất mắc bệnh trầm cảm ở bệnh tiểu đường cao hơn so với người bình thường (khoảng 10%) .

(*) QOL: Quality of life – Chất lượng cuộc sống. Là chất lượng của cuộc sống, sự hài lòng về cuộc sống và mức độ hạnh phúc.

2.4 Trong trạng thái trầm cảm, tâm trí và cơ thể ảnh hưởng lẫn nhau, khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn

Trầm cảm ảnh hưởng đến sự tiết hormon và sự cân bằng của các dây thần kinh tự trị (khác với biến chứng bệnh thần kinh tiểu đường). Các triệu chứng thường được gọi là “rối loạn thần kinh tự trị”. Các triệu chứng này trở thành những stress mới và khiến tình trạng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn, cứ thế gây ra vòng luẩn quẩn giữa stress và trầm cảm.

Tiểu đường và stress 3
Mối quan hệ giữa tiểu đường và stress: Stress có thể dẫn đến trầm cảm

Ngoài ra, khi bệnh nhân gặp các triệu chứng về thể chất như vậy và nghĩ rằng mình bị bệnh nhưng khi đi kiểm tra thì thường không tìm thấy nguyên nhân tương ứng. Vì lý do này, bệnh nhân thường bị người xung quanh cho là thích “tưởng tượng”, “phóng đại”, “lười biếng” và sự hiểu lầm này càng khiến bệnh nhân trở nên chán nản.

Kết quả là, kiểm soát đường huyết có thể trở nên tồi tệ hơn do bệnh nhân mất động lực để điều trị bệnh tiểu đường và tính kháng insulin vẫn tiếp diễn.

Lượng đường trong máu tăng do stress là do yếu tố xa xưa?

Người ta cho rằng trước đây, việc lượng đường trong máu tăng lên khi bị stress là để phù hợp với cuộc sống sinh tồn của con người.

Trong lịch sử lâu dài của loài người, phần lớn là cuộc sống nguy hiểm với săn bắn, bị tấn công và chiến đấu với thú dữ. Trong bối cảnh cuộc sống như vậy, một lượng lớn glucose chuyển hóa thành nguồn năng lượng là cần thiết để tối đa hóa hoạt động của cơ bắp và hệ thần kinh. Do đó cơ thể tiết ra hormon làm tăng lượng đường trong máu.

Ngoài lượng đường trong máu, huyết áp được nâng lên để tập trung máu vào cơ và máu có cấu trúc dễ đông để giảm chảy máu trong trường hợp bị thương. Nhờ phản ứng này, loài người đã sống sót và tồn tại qua nhiều năm.

Cuộc sống hiện nay con người hiếm khi gặp phải những nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ngược lại, phải đối mặt với những stress về tinh thần. Người ta cho rằng những dấu vết của yếu tố xa xưa được kết hợp trong cơ thể con người là yếu tố dẫn đến các bệnh hiện đại khác nhau.

[Lời khuyên] Việc bản thân cảm thấy lo lắng là điều bình thường.

Lo lắng là biểu hiện một phản ứng phòng thủ của bản thân khỏi những thay đổi hoàn cảnh. Khi sự lo lắng kéo dài, cần thiết có các biện pháp thích hợp để chữa trị, sẽ không tốt nếu che giấu sự lo lắng của bản thân.

3. Stress gây ra bởi rối loạn QOL và cách suy nghĩ về điều này

Bệnh tiểu đường khởi phát và tiến triển lâu dài. Bệnh nhân được yêu cầu phải duy trì điều trị bằng liệu pháp ăn uống, liệu pháp vận động hoặc điều trị bằng thuốc thường xuyên mỗi ngày. Việc này rất khó khăn nếu bản thân bệnh nhân không chấp nhận “là mình bị tiểu đường”, và việc điều trị bệnh tiểu đường gây stress đối với bệnh nhân. Để duy trì kiểm soát đường huyết tốt và giảm stress liên quan đến điều trị, điều quan trọng đầu tiên là bệnh nhân cần chấp nhận việc bị bệnh tiểu đường.

Tiểu đường và stress 4
Chất lượng cuộc sống thay đổi do stress

Khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường và được giải thích về phương pháp điều trị, thật tốt nếu người bệnh có thể hiểu và thực hiện ngay lập tức. Thực tế, có những người bị suy sụp “tại sao mình bị bệnh tiểu đường chứ”, trở nên giận dữ “không thể nào bị bệnh được”, cố gắng chối bỏ sự thực bị bệnh với suy nghĩ rằng “bác sĩ chẩn đoán sai”. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, người bệnh sẽ bình tĩnh lại và sớm bắt đầu chấp nhận việc bị bệnh tiểu đường và tiến hành điều trị.

Có một sự khác biệt ở mỗi bệnh nhân trong thời gian cần thiết để chấp nhận bệnh, nhưng có thể nói rằng bệnh nhân tiểu đường nào cũng cần thời gian để chấp nhận bệnh.

“Chấp nhận” bệnh tiểu đường có nghĩa là “từ bỏ” và coi bệnh tiểu đường là một phần trong cuộc sống

Cảm giác đau khổ khi phải kiềm chế nhu cầu bản thân (giảm QOL) trong điều trị bệnh tiểu đường như dù muốn ăn nhưng không được ăn được gọi là sự rối loạn QOL. Ngoài chế độ ăn uống, bệnh nhân cần chú ý về sự cần thiết của việc đến bệnh viện khám định kỳ, hiện tượng hạ đường huyết khi dùng thuốc, các triệu chứng thể chất khi có biến chứng,…

“Chấp nhận bệnh tiểu đường” là người bệnh sau một khoảng thời gian tức giận và phủ nhận việc phải giảm QOL, đã từ bỏ với suy nghĩ rằng “chẳng còn cách nào khác”. Tất nhiên, từ bỏ không có nghĩa là bỏ mặc bệnh không làm gì mà từ bỏ có nghĩa là suy nghĩ “nếu đã bị bệnh rồi thì phải làm gì để điều trị bệnh tốt”.

Hạnh phúc của một người không được xác định chỉ dựa trên liệu người đó có bị tiểu đường hay không. Mọi người ai cũng đều có những vấn đề của riêng họ.

Đúng là bệnh tiểu đường sẽ làm giảm QOL của người bệnh, nhưng không nên coi bệnh là một “trở ngại” mà nên nghĩ về bệnh như là một yếu tố giúp hình thành một cuộc sống mới khác với cuộc sống trước kia của bản thân. Bởi bệnh nhân có thể nhận ra và học được những điều mà trước đây bản thân không hề biết. Điều này tương tự với câu “biến đau khổ thành niềm vui”. Những phần bị ảnh hưởng và mất đi do bệnh tiểu đường sẽ trở nên rất nhỏ bé nếu bệnh nhân có suy nghĩ lạc quan về cuộc sống và khả năng của bản thân.

Trong bệnh tiểu đường do trầm cảm, việc điều trị trầm cảm là quan trọng

Các nghiên cứu gần đây cho thấy khi ở trạng thái trầm cảm, dù là người có chỉ số đường huyết lúc đói bình thường cũng có xu hướng dễ bị tăng đường huyết sau bữa ăn và dù là người có sự biến động khá ổn định về đường huyết cũng có nồng độ insulin trong máu cao. Vì những lý do này, chúng ta có thể thấy rằng nguyên nhân gây tăng lượng đường trong máu khi bị trầm cảm là do tính kháng insulin.

Khi tính kháng insulin trở nên mạnh hơn do trầm cảm, vì insulin tiết ra rất nhiều ngay từ đầu nên lượng đường trong máu không thay đổi, tuy nhiên khi tính kháng insulin tiếp tục mạnh hơn, dù insulin được tiết ra nhưng cũng không thể giảm lượng đường trong máu và sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Thực tế, có nhiều bệnh nhân bị tiểu đường do trầm cảm ở trong tình trạng có nồng độ insulin trong máu cao “tăng insulin huyết”.

Do tình trạng của những bệnh nhân này là tình trạng có đủ lượng insulin nên việc điều trị tiểu đường thường không hiệu quả, cần điều trị trầm cảm đầu tiên. Và một khi bệnh trầm cảm đã được chữa trị, lượng đường trong máu thường trở lại mức bình thường.

[Lời khuyên] Khuyến khích ghi chép sự điều chỉnh cảm xúc của bản thân.

Viết nhật ký giúp bệnh nhân có thể bình tĩnh điều chỉnh những suy nghĩ về những nỗi bất an không rõ nguyên nhân trong đầu. Đây là một phương pháp tốt để lưu giữ cảm xúc và đôi khi có thể đọc lại.

4. Nhận thức được bệnh trầm cảm

Trong xã hội hiện đại, mọi người ai cũng phải chịu rất nhiều áp lực, nhiều stress. Dù đã chấp nhận bản thân bị bệnh tiểu đường nhưng những stress bệnh nhân phải đối mặt trong tương lai là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là phải nhận thức được stress và giải tỏa chúng.

Nếu cảm thấy khó khăn hoặc lo lắng, hãy nói chuyện và chia sẻ với những người xung quanh càng nhiều càng tốt. Đó có thể gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp, người cũng bị bệnh tiểu đường, bác sĩ, y tá hoặc bất kỳ ai. Ngay cả khi nội dung câu chuyện không liên quan đến stress và việc nói chuyện không trực tiếp giải quyết vấn đề bản thân gặp phải, nhưng chắc chắn việc chia sẻ sẽ làm cho tâm trạng thoải mái hơn.

Ngoài ra, hãy tự tạo những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của bản thân như về sở thích, thể thao. Và việc tham gia vào các hoạt động tình nguyện cũng có hiệu quả rất tốt. Hãy dành thời gian tận hưởng và làm những gì bản thân thích. Ví dụ như việc đi dạo bộ hay hát karaoke cũng khiến tâm trạng trở nên tốt hơn.

Dấu hiệu trầm cảm ở bệnh nhân tiểu đường

Dù nói rằng “đã giải tỏa được stress” nhưng thực tế có rất nhiều vấn đề không thể giải quyết dễ dàng như vậy. Tùy thuộc vào mối quan hệ của con người và mức độ stress gặp phải, mà có trường hợp bệnh nhân không thể giải tỏa và dẫn đến bị trầm cảm.

Trầm cảm không phải là tình trạng có thể được giải quyết dễ dàng như một vấn đề của cảm xúc mà cần có biện pháp thích hợp. Điều quan trọng là bản thân bệnh nhân (hoặc người xung quanh như gia đình) cần phải nhận thức sớm người đó “có bị trầm cảm không”?

Khi nhắc đến bệnh trầm cảm, người ta thường liên tưởng hình ảnh những người u uất và chán nản, nhưng trong giai đoạn đầu bệnh trầm cảm, không quá nhiều người bị như vậy. Có rất nhiều trường hợp người bị trầm cảm nhưng nhìn thoáng qua vẫn rất bình thường và chỉ có một chút bất ổn trong cơ thể. Đặc biệt trường hợp này thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, do đó rất khó nhận biết bệnh trầm cảm.

[Lời khuyên] Có nên tiếp tục hướng đến những việc ngoài khả năng của bản thân không?

Trong cuộc sống điều quan trọng là phải có mục tiêu cao. Nhưng khi cảm thấy mệt mỏi, hãy nhìn vào góc độ khác của bản thân và nhìn lại mục tiêu đã đặt ra và những nỗ lực đã đạt được.

Khi có những dấu hiệu sau:

+ Không có cảm giác thèm ăn

+ Dễ chán nản

+ Không có tinh thần tích cực (đặc biệt là về chiều tối)

+ Tình trạng đau đầu, tiêu chảy, táo bón kéo dài

+ Hay buồn ngủ

+ Luôn duy trì điều trị nhưng kiểm soát đường huyết vẫn không tốt.

Những dấu hiệu trên có thể là do trầm cảm. Hãy cho bác sĩ biết về các triệu chứng một cách chi tiết hoặc đi khám tâm lý học và tâm thần càng sớm càng tốt. Đôi khi mọi người cũng cần phải nhìn lại bản thân một cách khách quan. Những người sau đây được cho là dễ bị trầm cảm:

Người không thể từ chối yêu cầu của người khác/Người quá cẩn thận/Người có vai trò quan trọng trong công ty và tổ chức/Người quá cứng nhắc

5. Cần phải cải thiện tình trạng trầm cảm

Trong bài viết ngắn này sẽ không thể giải thích chi tiết về điều trị trầm cảm nhưng sẽ đưa ra những điểm quan trọng trong điều trị bệnh.

5.1. Điều trị trầm cảm giúp cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường

Bệnh trầm cảm cần có cách điều trị thích hợp. Khi bị chán nản, mọi người có thể nghĩ rằng “tôi không quan tâm”, “dù sống cũng chẳng làm được gì”, tuy nhiên nếu được điều trị trầm cảm, tình trạng này có thể được khôi phục.

Và nếu chữa khỏi trầm cảm, tình trạng của bệnh tiểu đường cũng được cải thiện và các triệu chứng khó chịu của cơ thể cũng biến mất. Đó là sự đảo ngược vòng luẩn quẩn giữa bệnh tiểu đường gây trầm cảm và trầm cảm lại gây bệnh tiểu đường thành sự tương tác hiệu quả của hai bệnh.

Một điều cần lưu ý là nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ cố gắng tự sát trong thời gian điều trị trầm cảm. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Do đó việc cho bệnh nhân biết thực tế này (thực tế rất nhiều trường hợp tự tử trong thời gian điều trị trầm cảm) có thể là một trong những biện pháp phòng ngừa.

[Lời khuyên] Sự chán nản, khó khăn không phải chỉ là do bệnh tiểu đường.

Ai cũng từng có khoảng thời gian cảm thấy chán nản, khó khăn về cả thể chất và tinh thần. Tuy nhiên không được cho rằng tất cả những chán nản, khó khăn này đều liên quan đến bệnh tiểu đường.

Tiểu đường và stress 5

Tiểu đường và stress 6
Vòng luẩn quẩn giữa tiểu đường và stress

5.2. Chú ý dành cho gia đình và những người xung quanh

+ Không khuyến khích bệnh nhân: Khi nhìn thấy bệnh nhân có tình trạng chán nản, khó khăn, nhiều người thường có xu hướng động viên rằng “Cố gắng lên!”, tuy nhiên họ không biết rằng việc cố quá sức cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Bởi vì dù bản thân bệnh nhân muốn làm tốt nhất nhưng hiện tại lại không thể làm được, sự khuyến khích sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ.

+ Không buộc hoặc khuyến khích bệnh nhân đi ra ngoài và hỏi bệnh nhân quá nhiều: việc khuyến khích bệnh nhân đi ra ngoài để thay đổi tâm trạng hoặc lặp lại việc hỏi nguyên nhân sự lo lắng của bệnh nhân khi họ chưa sẵn sàng để nói chuyện với người khác sẽ khiến cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi hơn.

+ Dành nhiều thời gian bên cạnh bệnh nhân với một khoảng cách hợp lý: dù bệnh nhân đang làm một công việc không cần phải nói chuyện nhiều nhưng nếu có sự chia sẻ, trò chuyện từ những người gần gũi trong cùng một không gian, sẽ cảm thấy an tâm hơn. Nếu bệnh nhân bắt đầu nói về vấn đề nào đó, hãy cố gắng lắng nghe từ đầu cho đến khi kết thúc câu chuyện.

[Lời khuyên] Bạn đang nghiêm túc tìm kiếm hạnh phúc?

Luôn luôn có những hạnh phúc, niềm vui mà bạn chưa nhận ra. Đừng quá cố gắng tìm kiếm, nhưng cũng đừng bỏ cuộc.

Bạn đang xem bài viết: Tiểu đường và stress tại Chuyên mục Biến chứng thần kinh

https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)

Chia sẻ
Bài viết liên quan
Kiểm soát lượng đường trong máu mà không làm hạ đường huyết ở người cao tuổi
Như chúng ta vẫn biết, người cao tuổi dễ bị hạ đường huyết. Bởi...
Nhóm thuốc ức chế DPP-4
Nhóm thuốc ức chế DPP-4 là một loại thuốc uống điều chỉnh sự tiết...
Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ
Người bệnh tiểu đường có hệ miễn dịch suy giảm, vì thế việc tiêm...
Những lối sống chung của những người thành công trong “giảm cân” – Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Những người giảm cân và duy trì cân nặng thành công đã có những...
Bệnh tiểu đường và nhồi máu não, nhồi máu cơ tim
Nhồi máu não và nhồi máu cơ tim là những bệnh nguy hiểm thường...
10 giải pháp chống say nắng dành cho người tiểu đường
Khi bắt đầu vào hè, rất nhiều người bị say nắng, trong trường hợp...
Kiểm soát lượng đường trong máu mà không làm hạ đường huyết ở người cao tuổi
Nhóm thuốc ức chế DPP-4
Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ
Những lối sống chung của những người thành công trong “giảm cân” – Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường và nhồi máu não, nhồi máu cơ tim
10 giải pháp chống say nắng dành cho người tiểu đường
Xem nhiều nhất
Mới nhất
Bệnh nhân tiểu đường cần “Vitamin D” – Quan trọng cho việc xây dựng xương khỏe mạnh – 98% người Nhật thiếu “Vitamin D”
Hoạt động thể dục như đi bộ vào buổi chiều giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu – Những người mắc bệnh tiểu đường cần quan tâm đến lối sống hàng ngày
Chất xơ trong thực phẩm giúp giảm nguy cơ tiểu đường và béo phì bằng cách tạo ra axit béo ngắn, tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột
9 biện pháp phòng ngừa và cải thiện với “nấm chân” ở người bị tiểu đường – Vượt qua mùa hè nóng ẩm
Yoga giúp cải thiện tiểu đường và huyết áp cao, có tác động tích cực đến tâm lý và thích nghi với thay đổi trong thời đại sau dịch COVID
Người bị tiểu đường có sự lão hóa nhanh của não? Giảm đường huyết giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức đáng kể – “Bảy lối sống phòng ngừa”
Những lối sống chung của những người thành công trong “giảm cân” – Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
WHO thiết lập 5 mục tiêu toàn cầu cho bệnh tiểu đường nhằm Bảo vệ cuộc sống của những người mắc bệnh tiểu đường – Phản ứng chống lại sự gia tăng nhanh chóng của tiểu đường trên toàn thế giới
Chỉ 2 phút đi bộ sau bữa ăn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ngủ trưa dài làm tăng nguy cơ béo phì, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường