Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch

Cỡ chữ:
A A
Bệnh tiểu đường là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm trong đó có biến chứng xơ vữa động mạch. Bài viết nêu ra những thông tin chi tiết về bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch mà bạn nên biết.

1. Xơ vữa động mạch là một biến chứng của bệnh tiểu đường

Khi nói về các biến chứng của bệnh tiểu đường, người ta thường nhắc đến ba biến chứng lớn là bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh thần kinh. Nguyên nhân chính của những biến chứng này là do các mạch máu bị tổn thương bởi tình trạng tăng đường huyết. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tăng đường huyết không chỉ xuất hiện trong các mạch máu nhỏ mà còn ở các mạch máu lớn ở dạng xơ vữa động mạch.

Bên cạnh tăng đường huyết, nguyên nhân của xơ vữa động mạch còn là do huyết áp cao và rối loạn lipid máu (tăng lipid máu), những người mắc bệnh tiểu đường thường bị các triệu chứng này nên xơ vữa động mạch trở nên dễ xảy ra hơn ở bệnh nhân tiểu đường. Xơ vữa động mạch là một biến chứng khác của bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng)
Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng)

2. Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là bệnh trong đó thành mạch máu bị xơ cứng, mạch máu bị thu hẹp và máu khó lưu thông. Khi máu không lưu thông được, oxy và chất dinh dưỡng không đi đến các tế bào, các tế bào không thể được nuôi dưỡng cuối cùng dẫn đến bị hoại thư. Các bệnh liên quan đến hệ tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và bệnh nhồi máu não tiến triển do xơ vữa động mạch khiến các tế bào của tim và não không hoạt động.

Ở Nhật Bản, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là ung thư, tuy nhiên bệnh tim và bệnh mạch máu não lại chiếm vị trí thứ hai và thứ tư trong số các nguyên nhân. Có thể thấy rằng xơ vữa động mạch là một căn bệnh rất nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Ngoài ra, hoại thư chân là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường nhưng xơ vữa động mạch cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

Xem ngay tổng hợp các biến chứng bệnh tiểu đường đáng sợ cùng các lời khuyên hữu ích để phòng ngừa biến chứng.

3. Yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch

Các yếu tố gây xơ vữa động mạch được gọi là yếu tố nguy cơ. Yếu tố nguy cơ ngoài bệnh tiểu đường còn là cao huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì, hút thuốc, căng thẳng, giới tính (nam giới) và sự lão hóa. Trong số đó, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu liên quan đến nhau và làm tiến triển xơ vữa động mạch. Đây là những bệnh tiến triển mà không có triệu chứng cơ năng và bệnh nhân thường không phát hiện ra để điều trị kịp thời. Đôi khi bệnh được coi là một kẻ giết người thầm lặng vì bệnh có thể đột nhiên chuyển biến xấu đe dọa tính mạng trước khi người bệnh nhận thấy nó.

Từ kết quả nghiên cứu khảo sát về mức độ ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì đến sự tiến triển của xơ vữa động mạch đã cho thấy khi chỉ bị một bệnh trong số 4 bệnh trên, tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch tăng 5-6 lần và khi mắc cả 4 bệnh trên, tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch tăng 35 lần. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người bị bệnh tiểu đường nếu không chú ý đến huyết áp cao và rối loạn lipid máu, bệnh xơ vữa động mạch có thể tiến triển với tốc độ chóng mặt.

Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng) 1
Cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ tiến triển xơ vữa động mạch

4. Chất béo nội tạng là kẻ thù lớn

“Multiple risk factors (nhiều yếu tố nguy cơ)” khiến xơ vữa động mạch tiến triển trong đó bệnh tiểu đường và cao huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì có liên quan đến nhau từng được gọi là “bộ tứ của cái chết”, “hội chứng X”, tuy nhiên hiện nay đã được thống nhất với tên gọi “hội chứng chuyển hóa” (xem bảng bên dưới).

Yếu tố chủ chốt của hội chứng này là phản ứng của cơ thể với insulin trở nên xấu đi, hay nói cách khác tính kháng insulin trở nên mạnh mẽ, tuy nhiên hiện nay vấn đề trọng tâm là sự tích tụ chất béo nội tạng khởi đầu tính kháng insulin và còn được gọi là “hội chứng chất béo nội tạng”.

Vậy chất béo nội tạng là gì?

Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa:

(1) Kích thước vòng eo là ≥85 cm ở nam và ≥90 cm ở nữ

 ↓↓

(2) Nếu đúng với 2 hoặc nhiều hơn 2 mục sau:

A. Chất béo trung tính (triglyceride) ≥150 mg/dL; HDL-cholesterol <40 mg/dL

B. Huyết áp tâm thu ≥130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥85 mmHg

C. Lượng đường trong máu lúc đói ≥110 mg/dL

 ↓↓

Hội chứng chuyển hóa

5. Hai loại béo phì

Chất béo trong cơ thể có vai trò quan trọng để lưu trữ năng lượng cho hoạt động thể chất. Tuy nhiên, quá nhiều chất béo = béo phì sẽ gây những tác dụng phụ khác nhau trên cơ thể.

Béo phì phần lớn được chia thành hai loại tùy thuộc vào phần cơ thể có lượng chất béo tích tụ. Một loại được gọi là béo phì loại mỡ dưới da, là tình trạng chất béo tích tụ quá mức dưới da của toàn bộ cơ thể. Loại còn lại được gọi là béo phì loại mỡ nội tạng, là tình trạng nhiều chất béo tích lũy xung quanh các cơ quan bên trong vùng bụng.

Béo phì loại mỡ nội tạng có liên quan chặt chẽ đến các bệnh về lối sống như tiểu đường. Người béo phì loại này thường không có vẻ quá béo nên cần đặc biệt chú ý.

Hãy xem xét mối quan hệ giữa chất béo nội tạng với bệnh tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu và xơ vữa động mạch từ các mục sau đây.

Liên kết giữa các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch

Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng) 3
Liên kết giữa các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch

5.1 Béo phì loại mỡ nội tạng

Nếu chất béo nội tạng quá nhiều

Nếu có quá nhiều chất béo nội tạng, axit béo tự do (một loại chất béo trong cơ thể) được giải phóng từ đó, hàm lượng chất béo trong máu cao gây rối loạn lipid máu hoặc gây “tính kháng insulin” _ phản ứng của cơ thể với insulin bị giảm. Ngoài ra các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng sự tích tụ chất béo nội tạng gây ra những bất thường trong hoạt động ở cấp độ tế bào và gây xơ vữa động mạch.

Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng) 2
Nam giới béo bụng tiềm ẩn nhiều chất béo nội tạng có nguy cơ cao xơ vữa động mạch

Để xác định chất béo tích tụ trong nội tạng

Có một cách để dễ dàng phân biệt được các loại béo phì là phân chia béo phì nửa thân trên và béo phì nửa thân dưới. Béo phì nửa thân trên là loại béo phì với chất béo tập trung ở vùng bụng, loại này thường gặp ở nam giới và béo phì nửa thân là loại béo phì với chất béo tập trung ở mông và chân, lợi này thường gặp ở nữ giới. Ngoài ra, nếu thoáng nhìn qua, béo phì nửa thân trên giống như quả táo, béo phì nửa thân dưới giống như quả lê. Béo phì loại mỡ nội tạng giống với loại béo phì nửa thân trên, và đây là loại béo phì thường thấy ở nam giới.

Mức độ béo phì nửa thân trên lấy tiêu chuẩn là đo kích thước vòng eo, nếu kích thước vòng eo là ≥85 cm ở nam và ≥90cm ở nữ, có thể có nguy cơ béo phì.

Để nắm bắt chính xác chất béo tích tụ trong nội tạng, chụp CT bụng (chẩn đoán bằng hình ảnh máy tính) được thực hiện.

Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng) 4
Chẩn đoán chất béo nội tạng chuẩn xác nhất bằng cách chụp CT bụng

5.2 Tính kháng insulin

Insulin là loại hormon duy nhất giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng và làm giảm lượng đường trong máu. Chất béo nội tạng tích tụ sẽ gây tính kháng insulin, lượng đường trong máu tăng và bệnh tiểu đường khởi phát.

Ngoài ra, tính kháng insulin còn dẫn đến hiện tượng “tăng insulin huyết” trong đó insulin được tiết ra một lượng quá lớn. Điều này là do chức năng của tuyến tụy cố gắng bù đắp cho hiệu quả không tốt của insulin bằng “số lượng”.

Tuy nhiên, nếu lượng insulin là quá lớn sẽ gây ra các hiện tượng như natri (muối) ít có khả năng được đào thải qua thận, chất béo trong gan được tạo ra quá nhiều, tế bào cấu tạo thành mạch máu nhiều lên, đường kính mạch máu hẹp lại. Các hiện tượng này có thể dẫn đến cao huyết áp, rối loạn lipid máu và xơ vữa động mạch. Ngoài ra, trong hiện tượng “tăng insulin huyết”, tính kháng insulin ngày càng mạnh thì sẽ khởi phát bệnh tiểu đường.

Tính kháng insulin có thể được xác nhận bằng cách kiểm tra nồng độ insulin trong máu và các xét nghiệm khác.

5.3 Rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu và xơ vữa động mạch

Vì chất béo không hòa tan trong nước nên trong máu chất béo được bọc trong protein và trở thành “lipoprotein”, lipoprotein đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển chất béo trong cơ thể. Tình trạng gây những bất thường về chất và lượng lipoprotein như tăng LDL cholesterol và giảm HDL cholesterol do ăn quá nhiều, thiếu vận động hoặc các lý do khác là rối loạn lipid máu, đây là một yếu tố nguy cơ đặc biệt quan trọng của xơ vữa động mạch.

LDL cholesterol: Được sử dụng trong sự hình thành màng tế bào, mặt khác, chất này đi vào thành mạch máu gây ra xơ vữa động mạch.

HDL cholesterol: lấy cholesterol trong thành mạch máu ra và đưa trở lại gan.

Chất béo nội tạng tích lũy và rối loạn lipid máu

Khi chất béo nội tạng tích lũy, các axit béo tự do được giải phóng từ đó đi vào gan với lượng lớn và tăng cường sự tổng hợp chất béo trung tính và cholesterol. Tiêu chuẩn kiểm soát khi có bệnh tiểu đường là chất béo trung tính <150 mg/dL, LDL cholesterol <120 mg/dL, HDL cholesterol tốt ≥40 mg/dL, Non-HDL Cholesterol (tổng cholesterol trừ HDL cholesterol) <150 mg/dL.

5.4 Adipokine và bệnh tiểu đường/xơ vữa động mạch

Gần đây, vai trò của Adipokine (hormon và cytokine) được tiết ra từ tế bào mỡ đã được biết đến như một cơ chế tích tụ chất béo nội tạng mới gây khởi phát bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch.

Ví dụ, khi chất béo nội tạng tích lũy, một lượng lớn yếu tố hoại tử khối u (TNF-α) được tiết ra từ tế bào mỡ làm suy giảm chức năng của insulin, dẫn đến sự khởi phát của bệnh tiểu đường và chất PAI-1 được tiết ra nhiều gây tắc nghẽn, là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim.

Adipokine ngăn ngừa bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch Adiponectin được tiết ra từ tế bào mỡ, lượng tiết sẽ giảm khi chất béo nội tạng tích lũy và chất này đã được chứng minh rằng là nguyên nhân gây ra xơ vữa động mạch ở người tiểu đường, dẫn đến hội chứng chuyển hóa.

5.5 Cao huyết áp

Cao huyết áp và xơ vữa động mạch

Huyết áp là áp lực tác động lên thành trong của mạch máu khi máu lưu thông từ tim chảy qua động mạch. Nếu đường kính trong của mạch máu hẹp và lượng máu tăng lên, huyết áp sẽ tăng.

Đương nhiên trong tình trạng huyết áp cao, áp lực của mạch máu trở nên lớn, gây xơ vữa động mạch.

Huyết áp được biểu thị dưới dạng giá trị khi máu được truyền từ tim (huyết áp tâm thu hoặc huyết áp cao nhất) và giá trị khi tim giãn ra (huyết áp tâm trương hoặc huyết áp thấp nhất). Tiêu chuẩn kiểm soát khi có bệnh tiểu đường là huyết áp tâm thu <130 mmHg, huyết áp tâm trương <80 mmHg.

Bệnh tiểu đường và cao huyết áp

Những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị cao huyết áp do tính kháng insulin, và tỷ lệ bị cao huyết áp được cho là cao hơn gấp đôi so với những người không mắc bệnh tiểu đường.

Và huyết áp cao có tác động tiêu cực đến bệnh thận và bệnh võng mạc trong ba biến chứng lớn của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, khi bệnh thận khởi phát, “cao huyết áp do bệnh thận”- tăng huyết áp để giữ lưu lượng máu trong thận sẽ xuất hiện và sự tuần hoàn máu sẽ không tốt.

Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng) 5
Bệnh cao huyết áp là bệnh nguy hiểm tới tính mạng

5.6 Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường gây tiến triển xơ vữa động mạch người tiểu đường trong mối tương quan với cao huyết áp và rối loạn lipid máu, cùng với đó lượng đường trong máu cao cũng gây glycosyl hóa protein, giảm HDL, gây tổn thương thành mạch máu làm tiến triển xơ vữa động mạch.

Xem thêm các Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường gây tử vong

6. Để ngăn ngừa xơ vữa động mạch

Như chúng ta đã thấy, bệnh tiểu đường làm cho các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch trở nên nguy hiểm hơn. Một khi xơ vữa động mạch tiến triển, rất khó để đưa mạch máu trở lại trạng thái ban đầu, nên việc trì hoãn sự tiến triển là mục đích chính của điều trị.

Tuy nhiên, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu là những bệnh có thể được kiểm soát tốt bằng cách điều trị thích hợp. Để ngăn ngừa xơ vữa động mạch, điều quan trọng là giảm dù chỉ một yếu tố nguy cơ và giảm sự tắc nghẽn tuần hoàn máu.

7. Hãy giảm càng nhiều yếu tố nguy cơ càng tốt

Đầu tiên, hãy kiểm soát lượng đường trong máu tốt. Nếu duy trì kiểm soát tốt thì điều này cũng giống như đã loại bỏ được một trong những yếu tố nguy cơ. Đồng thời, nên kiểm soát huyết áp, chất béo trung tính, cholesterol. Tất nhiên, những người béo phì loại mỡ nội tạng về cơ bản sẽ loại bỏ mỡ tập trung ở vòng eo. Và việc loại bỏ này không quá khó bởi chất béo nội tạng dù dễ tích tụ hơn mỡ dưới da, nhưng cũng rất dễ loại bỏ bằng việc tiêu thụ năng lượng (vận động).

8. Cách thực hiện liệu pháp ăn uống

Liệu pháp ăn uống về cơ bản sẽ tuân theo “Bảng trao đổi thực phẩm cho liệu pháp ăn uống điều trị bệnh tiểu đường“. Chú ý các điểm sau đây sau khi tuân theo lượng năng lượng được chỉ định.

8.1 Trong trường hợp huyết áp cao

Chú ý không hấp thụ lượng muối quá nhiều. Lưu ý các dấu hiệu cho thấy thực phẩm có hàm lượng muối cao trong bảng trao đổi thực phẩm. Ngoài ra, nên sử dụng điều độ các gia vị như nước tương, miso và sử dụng vị chua như giấm, chanh. Loại dưa chua thường chứa nhiều muối nên hãy hạn chế sử dụng.

Nói chung, người Nhật có xu hướng hấp thụ quá nhiều muối, với lượng muối trung bình là 11g/ ngày. Nên hạn chế lượng muối dưới 10g/ ngày, nhưng nếu huyết áp không giảm, cần tiếp tục giảm xuống dưới 6g/ ngày. Hãy tạo thói quen ăn món ăn với gia vị nhạt và thưởng thức hương vị tự nhiên của nguyên liệu.

8.2 Trong trường hợp rối loạn lipid máu

Chú ý đến cách hấp thụ có trong bảng trao đổi thực phẩm. Và lưu ý các dấu hiệu cho thấy thực phẩm chứa nhiều chất béo. Cùng một loại thịt nhưng hãy chọn phần có ít mỡ hơn. Với những thực phẩm có chất béo bão hòa cao như thịt bò, thịt lợn, giăm bông và xúc xích, trứng có nhiều cholesterol, nên điều độ khi sử dụng.

Nên dùng dầu thực vật để chế biến món ăn. Ngoài ra, vì chất xơ ăn giúp hạn chế sự tăng chỉ số đường huyết và cholesterol, hãy cố gắng ăn nhiều chất xơ. Hạn chế cholesterol dưới 200 mg mỗi ngày. Trứng gà vàng (20g) chứa 280 mg cholesterol nên cần chú ý.

Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng) 7
Người bệnh cần có một liệu pháp ăn uống khoa học

9. Nên vận động cơ thể

Vận động là điều cần thiết cho việc điều trị bệnh tiểu đường. Đồng thời, vận động cũng có hiệu quả trong việc hạ huyết áp, cải thiện lưu thông máu, làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa béo phì và cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch. Người ta đã chỉ ra rằng vận động giúp giảm chất béo nội tạng, mặc dù trọng lượng cơ thể không giảm quá nhiều. Nên tạo thói quen thường xuyên vận động cơ thể.

Tuy nhiên, nếu một người tiểu đường xơ vữa động mạch vận động với cường độ cao, có thể khiến bệnh chuyển biến xấu hơn và ở những người béo phì sẽ gây áp lực cho các khớp xương. Nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ và tiến hành liệu pháp vận động thích hợp.

Ngoài ra, khi vẫn duy trì tốt liệu pháp ăn uống và liệu pháp vận động nhưng hiệu quả không đáng kể, hãy điều trị bằng thuốc.

10. Thuốc lá và rượu

Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ nghiêm trọng làm cho các mạch máu co lại, gây tăng huyết áp hoặc làm tổn thương thành mạch máu và gây xơ vữa động mạch. Do thuốc lá cũng gây ảnh hưởng xấu đến ba biến chứng lớn của bệnh tiểu đường nên hãy bỏ thuốc lá.

Uống rượu được cho là tốt cho bệnh huyết áp cao và xơ vữa động mạch nếu uống với liều lượng thích hợp. Tuy nhiên, rượu sẽ ảnh hưởng xấu đến bệnh tiểu đường và rối loạn lipid máu, vì vậy sẽ là sai lầm nếu người bị bệnh tiểu đường uống rượu để ngăn ngừa biến chứng xơ vữa động mạch ở người tiểu đường.

Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch. Hội chứng chuyển hóa (chất béo nội tạng) 8
Bỏ thuốc lá để kiểm soát bệnh tốt hơn

11. Đừng quên kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Các bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch hầu như tiến triển mà không xuất hiện trong các triệu chứng cơ năng, vì vậy việc khám sức khỏe thường xuyên là rất cần thiết. Trong kiểm tra sức khỏe, việc đo huyết áp và mỡ máu là đương nhiên, ngoài ra còn có nhiều phương pháp khác nhau như điện tâm đồ để kiểm tra khả năng của tim, kiểm tra soi đáy mắt để trực tiếp xác nhận tình trạng mạch máu, xác nhận mức độ xơ vữa động mạch bằng siêu âm,…

Những người mắc bệnh tiểu đường nên hiểu ý nghĩa của những kiểm tra này và cố gắng duy trì sự kiểm soát tốt hơn với chỉ số đường huyết.

https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)

Chia sẻ
Bài viết liên quan
Nhóm thuốc Glinide
Nhóm thuốc Glinide là một loại thuốc uống làm tăng tiết insulin từ tuyến...
Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường cần trao đổi với bác sĩ nếu bị béo phì
Hiệp hội các nhà giáo dục tiểu đường Hoa Kỳ (ADDE) đưa ra cảnh...
10 giải pháp chống say nắng dành cho người tiểu đường
Khi bắt đầu vào hè, rất nhiều người bị say nắng, trong trường hợp...
Nhiễm toan ceton do tiểu đường (đái tháo đường) là gì?
Tình trạng tử vong của nhiễm toan ceton do đái tháo đường (tiểu đường)...
Phương pháp chữa bệnh tiểu đường thông qua giảm tích lũy chất béo dư thừa
Bệnh tiểu đường type 2 là “kẻ giết người thầm lặng”, căn bệnh này...
Điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân tiểu đường ngăn ngừa bệnh tim mạch
Tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 58 của Hiệp hội tiểu...
Nhóm thuốc Glinide
Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường cần trao đổi với bác sĩ nếu bị béo phì
10 giải pháp chống say nắng dành cho người tiểu đường
Nhiễm toan ceton do tiểu đường (đái tháo đường) là gì?
Phương pháp chữa bệnh tiểu đường thông qua giảm tích lũy chất béo dư thừa
Điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân tiểu đường ngăn ngừa bệnh tim mạch
Xem nhiều nhất
Mới nhất
Bệnh nhân tiểu đường cần “Vitamin D” – Quan trọng cho việc xây dựng xương khỏe mạnh – 98% người Nhật thiếu “Vitamin D”
Hoạt động thể dục như đi bộ vào buổi chiều giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu – Những người mắc bệnh tiểu đường cần quan tâm đến lối sống hàng ngày
Chất xơ trong thực phẩm giúp giảm nguy cơ tiểu đường và béo phì bằng cách tạo ra axit béo ngắn, tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột
9 biện pháp phòng ngừa và cải thiện với “nấm chân” ở người bị tiểu đường – Vượt qua mùa hè nóng ẩm
Yoga giúp cải thiện tiểu đường và huyết áp cao, có tác động tích cực đến tâm lý và thích nghi với thay đổi trong thời đại sau dịch COVID
Người bị tiểu đường có sự lão hóa nhanh của não? Giảm đường huyết giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức đáng kể – “Bảy lối sống phòng ngừa”
Những lối sống chung của những người thành công trong “giảm cân” – Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
WHO thiết lập 5 mục tiêu toàn cầu cho bệnh tiểu đường nhằm Bảo vệ cuộc sống của những người mắc bệnh tiểu đường – Phản ứng chống lại sự gia tăng nhanh chóng của tiểu đường trên toàn thế giới
Chỉ 2 phút đi bộ sau bữa ăn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ngủ trưa dài làm tăng nguy cơ béo phì, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường