Hạ đường huyết

Cỡ chữ:
A A
Bệnh tiểu đường là một bệnh mà lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Tuy nhiên bệnh nhân tiểu đường không phải chỉ cần chú ý đến tình trạng đường huyết tăng cao mà còn cần chú ý đến hạ đường huyết đặc biệt là ở những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc và insulin.

1. Tại sao bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết?

Bệnh tiểu đường là bệnh mà tình trạng đường huyết tăng cao tiếp tục kéo dài do lượng insulin không đủ hoặc insulin không hoạt động hiệu quả. Vì vậy việc điều trị tình trạng đường huyết tăng cao này chính là điều trị bệnh tiểu đường và có nhiều bệnh nhân tiểu đường sử dụng thuốc uống hoặc insulin để hạ đường huyết. Tình trạng đường huyết giảm quá nhiều do hoạt động quá hiệu quả của các loại thuốc và insulin chính là hạ đường huyết. Trong bệnh tiểu đường, bệnh nhân phải chú ý đến tình trạng hạ đường huyết.

Cần chú ý khi điều trị bằng thuốc

Có hai phương pháp khi điều trị bệnh tiểu đường bằng thuốc là thuốc uống và thuốc tiêm như insulin. Trong các loại thuốc uống, thuốc Sulfonylurea làm giảm lượng đường trong máu có hiệu quả tăng cường khả năng tiết insulin của tuyến tụy và trong các loại thuốc tiêm, thuốc tiêm insulin hỗ trợ kiểm soát bệnh bằng cách bổ sung lượng insulin còn thiếu từ bên ngoài cơ thể.

Tuy nhiên, lượng insulin cần thiết cho cơ thể con người không phải lúc nào cũng cố định. Nó sẽ biến đổi phụ thuộc vào số lượng bữa ăn, khoảng thời gian của bữa ăn, lượng vận động,…Và việc điều trị bằng uống thuốc hoặc tiêm insulin cũng khó có thể đáp ứng với những thay đổi nhỏ trong các nhịp sống này.

Do đó, đôi khi việc uống thuốc hoặc insulin quá hiệu quả và lượng đường trong máu có thể giảm xuống một cách không cần thiết. Điều này được gọi là hạ đường huyết . Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường bằng thuốc, đặc biệt là tiêm insulin, cần đặc biệt chú ý đến tình trạng hạ đường huyết.

Hạ đường huyết 1
Sự biến động chỉ số đường huyết trong kiểm soát đường huyết 

Khả năng tiết hormon làm tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường suy giảm

Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường tuýp 1 là do suy giảm khả năng tiết hormon đối kháng (glucagon, adrenaline,…) có tác dụng làm tăng chỉ số đường huyết.

Trong trường hợp của người khỏe mạnh, khi chỉ số đường huyết giảm, các hormon đối kháng như glucagon được tiết ra và giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường (70 mg/ dL trở lên). Tuy nhiên, trong bệnh tiểu đường, cũng giống như khả năng tiết insulin, khả năng tiết hormon đối kháng cũng bị suy giảm nên lượng đường trong máu không được duy trì ở mức bình thường.

Những trường hợp dễ bị hạ đường huyết

Tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi lượng insulin được bổ sung bằng thuốc uống hoặc thuốc tiêm vượt quá nhu cầu insulin của cơ thể.

Cụ thể, các trường hợp tình trạng hạ đường huyết dễ xảy ra là khi khoảng thời gian của các bữa ăn quá dài, khi lượng ăn uống ít, khi vận động nhiều hơn bình thường, khi tập thể dục trước bữa sáng, khi nhầm lẫn về lượng thuốc uống hoặc insulin, khi dùng kết hợp thuốc tác dụng mạnh, khi vận động ngay sau khi tiêm insulin,…Ngoài ra, vào những ngày mà sự dao động đường huyết có xu hướng tăng như những ngày bị bệnh khác ngoài bệnh tiểu đường (sick day), tình trạng hạ đường huyết cũng dễ xảy ra.

cta kiến thức tiểu đườngXem ngay bài viết tìm hiểu về insulin để hiểu rõ tác dụng, hay cơ chế của liệu pháp insulin

2. Nếu tình trạng hạ đường huyết xảy ra

Cũng như oxy, glucose là chất dinh dưỡng không thể thiếu để duy trì sự sống của con người và được vận chuyển khắp cơ thể thông qua máu. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu thiếu glucose do tình trạng hạ đường huyết?

Gần đây, đã có những nghiên cứu điều tra phản ứng của cơ thể khi dùng tuyến tụy nhân tạo để giảm dần lượng đường trong máu. Kết quả đã cho thấy rằng có mối quan hệ giữa chỉ số đường huyết và các triệu chứng hạ đường huyết.

Mối quan hệ giữa chỉ số đường huyết ở người khỏe mạnh và việc tiết hormon đối kháng, triệu chứng hạ đường huyết

Đầu tiên, khi chỉ số đường huyết trung bình giảm xuống 68 mg/dL, các hormon đối kháng như glucagon bắt đầu được tiết ra. Khi chỉ số đường huyết này giảm xuống còn 53 mg/dL, các triệu chứng sẽ xuất hiện cụ thể như đổ mồ hôi, run chân tay, cơ thể cảm thấy nóng, đánh trống ngực, lo lắng và nôn mửa. Đây là những triệu chứng của dây thần kinh tự trị xuất hiện do đường huyết giảm quá mức và đó là một tín hiệu cảnh báo mà cơ thể đưa ra đối với tình trạng lượng đường trong máu giảm.

Nếu chỉ số đường huyết giảm xuống dưới 48 mg/dL thì ngoài tín hiệu cảnh báo này, còn xuất hiện những triệu chứng như suy giảm khả năng tập trung, hoảng loạn, kiệt sức, buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, run rẩy, hoa mắt,…Đây là những triệu chứng của hệ thần kinh trung ương, cho thấy các tế bào não đang trở nên không hoạt động do thiếu glucose.

Nếu bệnh nhân không uống đường trong trường hợp hạ đường huyết, tình trạng này sẽ tiếp tục tiến triển và hiện tượng rối loạn ý thức sẽ xảy ra, bản thân người bệnh sẽ không biết mình đang ở đâu và đang làm gì, bệnh nhân cũng không thể tự mình làm gì. Nếu tình trạng này tiến triển hơn nữa, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hôn mê do hạ đường huyếttrong trường hợp xấu nhất bệnh nhân có thể bị chết.

Nếu chỉ số đường huyết giảm quá mức

68 mg/ dL (giá trị trung bình)

Các hormon đối kháng như glucagon và adrenaline bắt đầu được tiết ra.

Hormon đối kháng có tác dụng làm tăng chỉ số đường huyết, nhưng bệnh tiểu đường làm giảm khả năng tiết hormon đối kháng này.

53 mg/ dL (giá trị trung bình)

Các triệu chứng sẽ xuất hiện cụ thể như đổ mồ hôi, run chân tay, cơ thể cảm thấy nóng, đánh trống ngực, lo lắng và nôn mửa.

Triệu chứng của hệ thần kinh tự trị (tín hiệu cảnh báo đối với tình trạng hạ đường huyết)

48 mg/ dL (giá trị trung bình)

Xuất hiện những triệu chứng như suy giảm khả năng tập trung, hoảng loạn, kiệt sức, buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, run rẩy, hoa mắt,…

Triệu chứng của hệ thần kinh trung ương (tế bào não sắp không chống chọi được)

Rối loạn ý thức

Chú ý tình trạng hạ đường huyết không nhận thức!

Nếu bệnh nhân có chỉ số đường huyết thấp trong vòng 1-2 tháng qua hoặc bị biến chứng thần kinh tiểu đường, sẽ không có triệu chứng hạ đường huyết và rối loạn ý thức đột ngột xảy ra.

Hôn mê do hạ đường huyết

Nếu tình trạng hạ đường huyết tiếp tục tiến triển, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hôn mê.

Hãy ghi nhớ các triệu chứng hạ đường huyết của bản thân

Có rất nhiều triệu chứng hạ đường huyết khác nhau, nhưng không phải ai cũng sẽ có các triệu chứng hạ đường huyết với trình tự xuất hiện giống nhau. Thay vào đó, sự xuất hiện các triệu chứng khác nhau tùy từng cá nhân người bệnh. Ví dụ, một người có thể có các triệu chứng xuất hiện ban đầu là run tay nhưng một người khác là cảm thấy đói bất thường.

Hạ đường huyết 2
Nên ghi nhớ các triệu chứng hạ đường huyết của bản thân (Ảnh: Internet)

Vì vậy, nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết, hãy nhớ kỹ các triệu chứng và hiểu rõ về đặc điểm các triệu chứng hạ đường huyết của bản thân. Sau đó, bệnh nhân có thể phản ứng nhanh chóng khi tình trạng hạ đường huyết xảy ra vào một thời điểm khác.

Đột nhiên xuất hiện rối loạn ý thức

Các mức độ (giá trị ngưỡng) đường huyết mà tại đó các triệu chứng của hệ thần kinh tự trị, triệu chứng của hệ thần kinh trung ương, rối loạn ý thức xuất hiện thường không phổ biến đối với tất cả mọi người. Ví dụ, ở những người kiểm soát đường huyết kém, các triệu chứng hạ đường huyết có thể xuất hiện ngay cả ở mức 80 mg/ dL trở lên.

Điều quan trọng hơn, một khi tình trạng hạ đường huyết xảy ra, giá trị ngưỡng mà tại đó xuất hiện các triệu chứng của hệ thần kinh tự trị và các triệu chứng của hệ thần kinh trung ương sẽ giảm và triệu chứng rối loạn ý thức sẽ xảy ra trước. Nói cách khác, bệnh nhân có nguy cơ bị “hạ đường huyết không nhận thức”- tình trạng dù bị hạ đường huyết nhưng không xuất hiện triệu chứng nào và bệnh nhân đột nhiên không thể tự mình làm bất cứ điều gì. Tuy nhiên, nếu tình trạng hạ đường huyết không xảy ra từ 1~2 tháng sau đó, giá trị ngưỡng của các triệu chứng hệ thần kinh tự trị và các triệu chứng hệ thần kinh trung ương sẽ trở về giá trị ban đầu.

Ngay cả khi hệ thần kinh tự trị bị tổn thương do biến chứng của bệnh tiểu đường, tình trạng hạ đường huyết không nhận thức sẽ xảy ra nên bệnh nhân cần luôn chú ý đến tình trạng này.

cta kiến thức tiểu đườngXem ngay bài viết ‎Điều trị hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường

3. Phương pháp đối phó với tình trạng hạ đường huyết

Vậy khi xuất hiện các triệu chứng hạ đường huyết thì phải làm như thế nào?

Những trường hợp mà bản thân bệnh nhân có thể tự xử lý

Nếu các triệu chứng hạ đường huyết xuất hiện, điều đầu tiên phải bổ sung glucose (đường). Tại thời điểm này, nếu có thời gian rảnh, bệnh nhân hãy tự đo đường huyết để xác nhận đó có phải là hạ đường huyết không.

Sau khi ăn hoặc uống 10~15g glucose, hãy nghỉ ngơi một lúc. Trường hợp tình trạng hạ đường huyết không hồi phục sau 15 phút nghỉ ngơi, hãy bổ sung thêm glucose với cùng một lượng như vậy. Nếu bệnh nhân trì hoãn việc hấp thụ thêm glucose vì nghĩ rằng vừa mới dùng xong thì có thể dẫn đến những tình trạng nguy hiểm hơn. Và dù khi bệnh nhân bổ sung thêm đường và tạm thời bị tăng đường huyết thì vẫn an toàn hơn nhiều so với việc bị hạ đường huyết.

Nếu có cảm giác bị hạ đường huyết trong khi lái xe, hãy quan sát, kiểm tra sự an toàn của đoạn đường xung quanh và ngay lập tức dừng xe bên lề đường. Nếu cố tình lái xe trong tình trạng này có thể gây ra tai nạn bởi sự tập trung khi lái xe bị giảm, phản ứng khi cần phanh xe gấp bị chậm hoặc do tay chân không thể di chuyển. Ngoài ra, tốt hơn là không nên lái xe nếu cảm thấy bản thân có thể bị hạ đường huyết.

Hạ đường huyết 3
Không nên lái xe khi có dấu hiệu hạ đường huyết (Ảnh: Internet)

– Luôn mang theo glucose bên người

Phần lớn mọi người thường không biết tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi nào và ở đâu. Những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị nên luôn luôn mang theo glucose bên mình.

Có nhiều người khi được bác sĩ yêu cầu cho xem glucose trả lời rằng “đang để ở trong xe hơi” hoặc “để trong ngăn kéo bàn làm việc” nhưng điều đó cũng có nghĩa là không đem glucose bên người. Để có thể luôn sẵn dùng trong trường hợp khẩn cấp, mọi người nên chuẩn bị glucose và để trong túi xách nếu là phụ nữ, để trong túi quần áo thường mặc nếu là nam giới.

Dù kẹo và đường phèn cũng có thể làm tăng mức đường trong máu, nhưng người ta thường khuyến khích dùng glucose vì glucose dễ hòa tan hơn và hấp thụ nhanh hơn. Ngoài ra, không nên dùng chất làm ngọt nhân tạo không chứa đường. Trường hợp không có glucose trong tay, người bệnh có thể uống nước ép bán trên thị trường. Những sản phẩm có chứa glucose (xem bảng dưới) đang được bày bán trên thị trường, vì vậy bệnh nhân có thể uống 100~150 mL.

Hạ đường huyết 4
Biến động đường huyết khi bệnh nhân tiểu đường uống 20g đường ăn (đường cong màu xanh bên dưới) và khi uống 20g glucose (đường cong màu hồng bên trên)

Lượng glucose chứa trong các loại nước giải khát trên thị trường

Tên sản phẩm Lượng glucose trong 1 chai (g) Thể tích một chai (ml)
Nước ngọt Fanta Nho 20 350
Nước ngọt Fanta Cam 18.9 350
Coca Cola 13 350

– Đường cũng có thể làm trì hoãn sự phục hồi

Đường ăn có thể được sử dụng khi không có glucose, nhưng nếu bệnh nhân đang dùng nhóm thuốc ức chế α-glucosidase (glucobay, basen, seibule), việc uống glucose là cần thiết. Thuốc ức chế α-glucosidase là một loại thuốc ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng chỉ số đường huyết sau bữa ăn bằng cách phân giải dần dần tinh bột theo thời gian. Do đó, dù khi đã ăn đường thì cũng cần có thời gian để phân giải thành glucose và mất thời gian để cải thiện tình trạng hạ đường huyết.

Nếu chỉ dùng thuốc ức chế α-glucosidase sẽ không dẫn đến hạ đường huyết, nhưng trường hợp bệnh nhân dùng kết hợp với thuốc SU hoặc tiêm insulin thì nên mang theo glucose bên mình thay vì đường. Glucose có sẵn tại bệnh viện, và nó cũng được bày bán trên thị trường. Ngoài ra, glucose cũng có nhiều trong đồ uống giải khát trong bảng trên.

Trường hợp cần sự hỗ trợ từ gia đình và những người quen thuộc của bệnh nhân

Khi bệnh nhân bị rối loạn ý thức do tình trạng hạ đường huyết, bản thân người bệnh sẽ không thể tự mình làm bất cứ điều gì. Trong những trường hợp như vậy, bệnh nhân cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Khi bệnh nhân tiểu đường bắt đầu điều trị bằng thuốc, hãy nhờ gia đình và những đồng nghiệp ở nơi làm việc giúp đỡ khi bị hạ đường huyết.

Những gia đình có người thân bị bệnh tiểu đường hoặc người ở nơi làm việc, nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện khác với bình thường, nhìn chằm chằm vào một điểm mà không chớp mắt, nói chuyện nhưng không có phản hồi,…thì có thể đó là triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết. Cách tốt nhất để xác nhận tình trạng hạ đường huyết là kiểm tra mức độ nhận thức của bệnh nhân bằng cách hỏi họ rằng “Bạn đang ở đâu và đang làm gì?”.

Hạ đường huyết 5
Gia đình bệnh nhân cần chú ý đến những bất thường của bệnh nhân để xử lý kịp thời (Ảnh: Internet)

Khi xác nhận người đó bị hạ đường huyết, hãy cho bệnh nhân uống glucose được hoàn tan trong một nửa cốc nước. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh không hồi phục, không nuốt glucose và rơi vào tình trạng hôn mê, tiêm 1 liều glucagon theo chỉ định của bác sĩ trước. Hãy chắc chắn chuẩn bị glucagon và ống tiêm trong nhà và gia đình bệnh nhân nên nhớ cách tiêm. Nếu tiêm glucagon mà bệnh nhân vẫn không hồi phục trong vòng 5 phút, hãy nhanh chóng gọi xe cứu thương để đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Nếu ý thức của bệnh nhân trở lại, hãy cho bệnh nhân uống một hoặc hai đơn vị đường hoặc carbohydrate (Bảng 1 trong bảng trao đổi thực phẩm). Đó là do thuốc gây hạ đường huyết vẫn còn trong cơ thể và một khi bệnh nhân phục hồi, lượng thuốc còn dư này có thể gây hạ đường huyết một lần nữa.

Lời khuyên: “Đừng quên mang theo giấy tờ tùy thân”

Khi đi ra ngoài, nơi mà không có ai ở xung quanh biết rằng bệnh nhân bị tiểu đường, tình trạng hạ đường huyết có thể gây rối loạn ý thức của bệnh nhân. Để phòng bị cho trường hợp như vậy, bệnh nhân nên mang theo giấy tờ có các thông tin về bệnh tiểu đường, họ tên và địa chỉ liên lạc của nhà/ bệnh viện đang điều trị. Ngoài ra bệnh nhân tiểu đường còn có một thẻ ID chuyên dụng vì vậy hãy hỏi bác sĩ điều trị để biết thêm chi tiết.

4. Những điều bệnh nhân hạ đường huyết cần chú ý trong cuộc sống hàng ngày

Làm thế nào để bệnh nhân tiểu đường có thể ngăn chặn tình trạng hạ đường huyết? Đó là giữ cân bằng giữa lượng insulin cần thiết trong cơ thể và lượng insulin được bổ sung bằng thuốc hoặc thuốc tiêm.

Do đó, bệnh nhân cần cố gắng tạo một lối sống lành mạnh nhất có thể. Nếu bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống theo lượng calo chỉ định, uống (hoặc tiêm) thuốc vào thời gian được chỉ định và có một bài tập nhất định, sự cân bằng của insulin sẽ không bị thay đổi. Nên tránh tập thể dục khi đói và vào sáng sớm. Ngoài ra, khi khoảng thời gian giữa các bữa ăn không ổn định, hãy thực hiện một chế độ ăn uống như hấp thụ carbohydrate khoảng 1 đơn vị trong thời gian ăn bình thường và giảm lượng của bữa ăn tiếp theo.

5. Về bữa ăn bổ sung

Nếu bệnh nhân có lượng vận động cao hơn bình thường như những người chơi thể thao, hãy bổ sung thêm các bữa ăn ngoài lượng calo được chỉ định trước để ngăn ngừa hạ đường huyết. Thông thường bệnh nhân nên ăn thực phẩm chứa carbohydrate với sự phân giải chậm như bánh mì với khoảng 1 đơn vị. Nếu vận động trong một thời gian dài, bệnh nhân có thể cần phải ăn bổ sung cứ sau vài giờ.

6. Cân bằng giữa phòng ngừa hạ đường huyết và kiểm soát đường huyết

Việc kiểm soát chặt chẽ mức đường huyết có thể ngăn chặn đáng kể nguy cơ biến chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường (bệnh võng mạc, bệnh thận do tiểu đường, bệnh thần kinh tiểu đường), nhưng mặt khác việc kiểm soát đường huyết có thể gây hạ đường huyết. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng hạ đường huyết làm tăng các bệnh về mạch máu như tim và ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của bệnh nhân. Vì vậy, hiện nay, đối với trường hợp bệnh nhân liên tục bị hạ đường huyết hoặc người cao tuổi thì nên kiểm soát lượng đường trong máu ở mức độ vừa phải.

Hạ đường huyết 6
Nên cân bằng giữa việc kiểm soát đường huyết và phòng ngừa hạ đường huyết (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, may mắn thay, gần đây, các loại thuốc uống và các chế phẩm insulin ngày càng đa dạng và không gây hạ đường huyết, ngoài ra còn có các yếu tố hướng đến mục đích giúp bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt hơn. Bản thân bệnh nhân nên biết kiến thức về các biện pháp đối phó với tình trạng hạ đường huyết, hướng đến một cuộc sống lành mạnh và nhằm mục đích cân bằng phòng ngừa hạ đường huyết và kiểm soát đường huyết.

Bạn đang xem bài viết Hạ đường huyết tại chuyên mục Kiểm soát bệnh

https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)

Chia sẻ
Bài viết liên quan
Hơn một nửa số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 mắc bệnh thận mãn tính do chẩn đoán muộn
Theo báo cáo của Hội thảo nghiên cứu học thuật tổ chức tại vào...
Kiểm soát 5 yếu tố nguy cơ giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường
“Bệnh nhân có thể ngăn ngừa biến chứng tiểu đường như nhồi máu cơ...
Tiểu đường tuýp 2 là ”bệnh có thể chữa trị” nhờ kiểm soát cân nặng?
Ở Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Châu Âu (EASD) lần thứ 53,...
Nhóm thuốc Biguanide
Nhóm thuốc Biguanide là một loại thuốc uống giúp cải thiện kiểm soát đường...
Bệnh tiểu đường có lây không – tiểu đường lây qua đường nào?
Hiện nay, ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường ngày càng...
Những điều người bị tiểu đường cần lưu ý để kiểm soát bệnh vào mùa lạnh
Bên cạnh các yếu tố về ăn uống, sinh hoạt thì yếu tố thời...
Hơn một nửa số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 mắc bệnh thận mãn tính do chẩn đoán muộn
Kiểm soát 5 yếu tố nguy cơ giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường
Tiểu đường tuýp 2 là ”bệnh có thể chữa trị” nhờ kiểm soát cân nặng?
Nhóm thuốc Biguanide
Bệnh tiểu đường có lây không – tiểu đường lây qua đường nào?
Những điều người bị tiểu đường cần lưu ý để kiểm soát bệnh vào mùa lạnh
Xem nhiều nhất
Mới nhất
Bệnh nhân tiểu đường cần “Vitamin D” – Quan trọng cho việc xây dựng xương khỏe mạnh – 98% người Nhật thiếu “Vitamin D”
Hoạt động thể dục như đi bộ vào buổi chiều giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu – Những người mắc bệnh tiểu đường cần quan tâm đến lối sống hàng ngày
Chất xơ trong thực phẩm giúp giảm nguy cơ tiểu đường và béo phì bằng cách tạo ra axit béo ngắn, tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột
9 biện pháp phòng ngừa và cải thiện với “nấm chân” ở người bị tiểu đường – Vượt qua mùa hè nóng ẩm
Yoga giúp cải thiện tiểu đường và huyết áp cao, có tác động tích cực đến tâm lý và thích nghi với thay đổi trong thời đại sau dịch COVID
Người bị tiểu đường có sự lão hóa nhanh của não? Giảm đường huyết giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức đáng kể – “Bảy lối sống phòng ngừa”
Những lối sống chung của những người thành công trong “giảm cân” – Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
WHO thiết lập 5 mục tiêu toàn cầu cho bệnh tiểu đường nhằm Bảo vệ cuộc sống của những người mắc bệnh tiểu đường – Phản ứng chống lại sự gia tăng nhanh chóng của tiểu đường trên toàn thế giới
Chỉ 2 phút đi bộ sau bữa ăn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ngủ trưa dài làm tăng nguy cơ béo phì, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường