Cách điều trị bệnh tiểu đường

Cỡ chữ:
A A
Các cách điều trị bệnh tiểu đường đều nhằm mục đích giảm lượng đường trong máu. Tiểu đường là một loại bệnh liên quan đến lối sống, bệnh không chỉ được điều trị bằng thuốc mà quan trọng phải kết hợp điều trị bằng “liệu pháp ăn uống” và “liệu pháp vận động” hàng ngày. Có 2 loại bệnh tiểu đường là “bệnh tiểu đường tuýp 1” và “bệnh tiểu đường tuýp 2”, trong đó bệnh tiểu đường tuýp 1 không phải là bệnh liên quan đến lối sống mà nguyên nhân của bệnh là sự bất thường của tính tự miễn dịch.

Bài viết này sẽ giải thích chi tiết cách điều trị bệnh tiểu đường theo từng loại, bệnh tiểu đường tuýp 1, bệnh tiểu đường tuýp 2triệu chứng của bệnh tiểu đường dựa trên các hướng dẫn.

1. Cách điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 chiếm tỉ lệ ≤5% trong các loại bệnh tiểu đường. Trên thực tế, bệnh tiểu đường được gọi là bệnh lối sống, nhưng bệnh tiểu đường tuýp 1 là một căn bệnh khởi phát không liên quan đến lối sống. Phần này sẽ giải thích cơ chế khởi phát và cách điều trị “bệnh tiểu đường tuýp 1“.

Cách điều trị bệnh tiểu đường 1
Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 (ảnh: Internet)

1.1 Bệnh tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là tình trạng các tế bào trong tuyến tụy tiết ra “insulin” để giảm lượng đường trong máu bị phá hủy vì một lý do nào đó và insulin không được tiết ra. Bệnh tiểu đường tuýp 1 không phải là bệnh liên quan đến lối sống như bệnh tiểu đường tuýp 2. Do đó, đối tượng mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thường là những người gầy và giới trẻ.

Vì insulin không được tiết ra, nên không thể sử dụng đường như năng lượng của cơ thể, đường sẽ tăng lên trong mạch máu dẫn đến tình trạng “tăng đường huyết“. Nếu tình trạng tăng đường huyết tiếp diễn, mạch máu sẽ bị tổn thương, gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, “Nhiễm toan ceton do đái tháo đường” là một biến chứng cấp tính thường xuất hiện ở bệnh nhân bị bệnh tiểu đường tuýp 1. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là tình trạng thiếu insulin và năng lượng cần thiết cho cơ thể không được tạo ra trong tế bào, trong trường hợp nặng, có thể khiến bệnh nhân hôn mê và mất ý thức.

So sánh bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 1 Bệnh tiểu đường tuýp 2
Tỷ lệ ≤ 5% ≥ 90%
Độ tuổi chính bệnh khởi phát Thường là những người trẻ Thường là những người trung niên, người già
Nguyên nhân chính Tự kháng thể do bất thường miễn dịch Di truyền, ăn quá nhiều, béo phì, thiếu vận động, stress
Đặc trưng Insulin không được tiết ra Insulin tiết ra ít, hoạt động kém
Triệu chứng Khô cổ, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, cân nặng giảm, rối loạn ý thức do tăng đường huyết,… Không có triệu chứng cơ năng và bản thân người bệnh khó nhận biết bệnh
Dáng người Thường là những người gầy Thường là những người béo phì
Phương pháp điều trị Cần thiết tiêm insulin Cơ bản là liệu pháp ăn uống và liệu pháp vận động. Trường hợp kiểm soát kém, nên sử dụng kết hợp thuốc uống và tiêm insulin

1.2 Cần tiêm insulin để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1

“Insulin” là một loại hormon có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Trong trường hợp bệnh tiểu đường tuýp 1, các tế bào sản sinh insulin của tuyến tụy bị phá hủy và insulin không thể tự tiết ra được, vì vậy cần phải bổ sung insulin vào cơ thể. Việc tạm dừng điều trị bằng insulin làm cho cơ thể bị rối loạn ý thức do tăng đường huyết và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, điều trị bằng tiêm insulin là điều cần thiết cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.

Cách điều trị bệnh tiểu đường 2
Cách điều trị bệnh tiểu đường (ảnh: Internet)

1.3 Điều trị bằng thuốc uống

Thuốc uống được sử dụng trong “bệnh tiểu đường tuýp 2” bao gồm những loại thuốc “thúc đẩy sự tiết insulin”, “tăng hiệu quả của insulin”, “điều chỉnh sự hấp thu-bài tiết đường”. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh tiểu đường tuýp 1, vì nguyên nhân do insulin hầu như không được tiết ra, nên cần phải thường xuyên tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể.

1.4 Cần chú ý hạ đường huyết

Những người mắc bệnh tiểu đường nên lưu ý có thể bị “hạ đường huyết” do thuốc. Vì nguồn năng lượng của não là glucose, sự thiếu hụt trầm trọng chất này có thể gây rối loạn ý thức.

Hạ đường huyết xảy ra khi insulin hoạt động quá hiệu quả, khi lượng thức ăn hấp thụ ít và khi vận động quá nhiều. Điều quan trọng là nên đo lường và kiểm tra mức đường huyết của bản thân dù không bị hạ đường huyết. Khi nhận thấy các triệu chứng hạ đường huyết như mệt mỏi, ra mồ hôi lạnh, tim đập nhanh, run rẩy, xanh xao cần bổ sung ngay nước trái cây, kẹo có chứa glucose.

cta kiến thức tiểu đường Tìm hiểu thêm về “Các triệu chứng hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường đang điều trị insulin” TẠI ĐÂY

2. Cách điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh do “lối sống” như yếu tố di truyền, ăn quá nhiều, béo phì, thiếu vận động. Phần này sẽ giải thích cách điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2.

2.1 Liệu pháp ăn uống

Do đường được hấp thụ vào cơ thể nhờ việc ăn uống, “liệu pháp ăn uống” là liệu pháp cơ bản trong điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. “Liệu pháp ăn uống” của bệnh tiểu đường không chỉ có nghĩa là “hạn chế ăn uống” mà còn có mục tiêu duy trì “lượng ăn uống thích hợp”. Để hạn chế lượng đường trong máu tăng quá cao và duy trì trạng thái bình thường, đầu tiên bệnh nhân tiểu đường nên xác định mức độ phù hợp với bản thân như lượng năng lượng cần thiết mỗi ngày.

Lượng năng lượng hợp lý có thể được tính bằng “lượng năng lượng hấp thụ = cân nặng tiêu chuẩn x lượng hoạt động thể chất”.

Cân nặng tiêu chuẩn có thể được tính bằng “cân nặng tiêu chuẩn (kg) = chiều cao (m) x chiều cao (m) x 22”, Có 3 tiêu chuẩn về lượng hoạt động thể chất như sau:

– Lao động nhẹ (phần lớn là những người làm văn phòng) 25~30 kcal/kg cân nặng tiêu chuẩn.

– Lao động phổ thông (phần lớn là những người làm các công việc phải đứng) 30~35 kcal/kg cân nặng tiêu chuẩn.

– Lao động nặng (phần lớn là những người làm các công việc chân tay) 35~ kcal/kg cân nặng tiêu chuẩn.

Tùy vào giới tính, độ tuổi và các biến chứng của bệnh mà lượng năng lượng hợp lý lấy làm mục tiêu sẽ khác nhau.

Ví dụ trường hợp 1 người làm các công việc phải đứng cao 160cm, tiêu chuẩn về lượng năng lượng hấp thụ cụ thể được tính như sau:

Cân nặng tiêu chuẩn với chiều cao 160cm: 1,6m x 1,6m x 22 = 56,32 kg

Tiêu chuẩn lượng calo là 30 ~ 35 kcal/kg, lượng năng lượng hấp thụ là: 35 kcal x 56,32 kg = 1971 kcal /1 ngày.

Việc bệnh nhân ăn uống quá nhiều sẽ gây áp lực lên tuyến tụy. Điều quan trọng là bệnh nhân cần biết lượng năng lượng cần thiết cho cơ thể, và không hấp thụ dư thừa năng lượng.

Cách điều trị bệnh tiểu đường 3
Người tiểu đường nên có chế độ ăn bổ sung nhiều chất xơ (ảnh: Internet)

cta kiến thức tiểu đườngNgười đọc có thể tìm hiểu thêm bài viết: “Cơ bản về chế độ ăn uống cho người tiểu đường

2.2 Liệu pháp vận động

“Tập aerobic” và “tập sức bền” có hiệu quả trong việc làm giảm lượng đường trong máu và được mô tả trong các hướng dẫn y tế cho bệnh tiểu đường. Bệnh nhân nên tập thể dục ít nhất 3~5 lần một tuần, khoảng 20~60 phút mỗi ngày.

“Tập aerobic” là các vận động như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đi xe đạp,…”Tập sức bền” là một bài tập lặp lại động tác tăng cường cơ bắp như cơ bụng, squat, chống đẩy, bài tập tạ…Các liệu pháp vận động này đã được chứng minh có hiệu quả cải thiện tính kháng insulin và làm giảm lượng đường trong máu.

Để cải thiện bệnh tiểu đường, các bài vận động vừa phải sẽ mang lại hiệu quả, và điều quan trọng là cần “duy trì” ở một mức độ hợp lý. Vì bệnh tiểu đường tuýp 2 thường đi kèm với các bệnh như “béo phì”, “cao huyết áp”, “rối loạn mỡ máu”, “liệu pháp vận động” cũng có hiệu quả trong điều trị các bệnh này.

Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân vận động quá sức để giảm lượng đường trong máu. Điều quan trọng là điều chỉnh lượng bài tập phù hợp với thể chất, tuổi tác, cân nặng, tình trạng sức khỏe của bản thân.

Người cao tuổi và những người có biến chứng của bệnh tiểu đường nên hạn chế những bài vận động khó. Bên cạnh đó, những người đang điều trị bằng thuốc cần chú ý khi thực hiện liệu pháp vận động bởi tác dụng của thuốc có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên sau khi vận động và ngược lại có thể gây hạ đường huyết.

Bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về tiêu chuẩn mức độ vận động phù hợp với bản thân.

2.3 Điều trị bằng thuốc

Trong bệnh tiểu đường tuýp 2, phương pháp “điều trị bằng thuốc” sẽ được bắt đầu tiến hành nếu bệnh nhân không thể đạt được kiểm soát đường huyết mục tiêu ngay cả khi đã duy trì liệu pháp ăn uống và liệu pháp vận động khoảng 2~3 tháng. Giá trị mục tiêu kiểm soát đường huyết khác nhau phụ thuộc vào tình trạng của bệnh tiểu đường, nhưng thường nếu HbA1c luôn ≥7.0% (HbA1c là giá trị trung bình của chỉ số đường huyết trong 1-2 tháng qua) thì nên xem xét việc điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp đường huyết tăng mạnh, nên bắt đầu điều trị bằng thuốc từ giai đoạn đầu.

Có hai loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 là “thuốc uống” và “thuốc tiêm”.

Thuốc uống

Có ba loại thuốc uống tiểu đường với các cơ chế khác nhau để làm giảm lượng đường trong máu.

Thuốc thúc đẩy sự tiết insulin

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là tình trạng insulin tiết ra không đủ, insulin hoạt động kém.

Đây là thuốc kích thích chức năng tiết của tuyến tụy, thúc đẩy sự tiết insulin.

– Thuốc cải thiện tính kháng insulin

Đây là thuốc cải thiện phản ứng với insulin, giúp insulin tiết ra từ tuyến tụy được hấp thụ trong từng cơ quan của cơ thể và dễ phát huy hiệu quả của insulin.

– Thuốc điều chỉnh sự hấp thụ-bài tiết đường

Đây là thuốc có tác dụng hạ đường huyết bằng cách làm chậm tốc độ hấp thụ – tiêu hóa đường trong cơ thể và thúc đẩy sự bài tiết đường từ nước tiểu.

Cách điều trị bệnh tiểu đường 4
Điều trị tiểu đường bằng thuốc (ảnh: Internet)

Thuốc tiêm

Nếu uống thuốc không thể kiểm soát hoàn toàn lượng đường trong máu, “điều trị bằng insulin”- tiêm insulin trực tiếp vào cơ thể được tiến hành.

Trong tiêm insulin, có các loại insulin sau:

– Insulin tác dụng cực nhanh

Sử dụng ngay trước bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn, hiệu quả xuất hiện trong khoảng 10~20 phút, kéo dài trong khoảng 3~5 giờ.

– Insulin tác dụng nhanh

Sử dụng 30 phút trước bữa ăn, hiệu quả xuất hiện trong khoảng 30 phút, kéo dài khoảng 5~8 giờ.

– Insulin tác dụng trung hạn

Thường sử dụng 2 lần 1 ngày, hiệu quả xuất hiện trong 30 phút ~3 giờ, kéo dài khoảng 18~24 giờ.

– Insulin hỗn hợp

Thường sử dụng 1 lần vào buổi sáng hoặc 2 lần ngay trước bữa ăn vào buổi sáng và buổi tối, hiệu quả xuất hiện trong khoảng 30 phút~1 giờ và kéo dài khoảng 18~24 giờ.

– Insulin tác dụng dài hạn

Thường sử dụng 1 lần 1 ngày, hiệu quả xuất hiện trong khoảng 1~2 giờ và kéo dài trong khoảng 24~42 giờ.

– Insulin hòa tan hỗn hợp

Thường sử dụng 1 lần 1 ngày, hiệu quả xuất hiện trong 10~20 phút và kéo dài trong 42 giờ hoặc hơn.

Có sự khác biệt về hiệu quả của thuốc và tình trạng bệnh cũng khác nhau nên cần dùng thuốc phù hợp được kê đơn theo chỉ định của bác sĩ. Nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh bị hạ đường huyết khi điều trị bệnh tiểu đường.

3. Mục tiêu và mục đích điều trị bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hầu như không có triệu chứng cơ năng ở giai đoạn đầu khởi phát nên bệnh nhân dường như không biết và để bệnh tiến triển. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu duy trì ở mức cao, mạch máu sẽ bị hư hỏng và dẫn đến các biến chứng như “bệnh thần kinh do tiểu đường“, “bệnh võng mạc do tiểu đường“, “bệnh thận do tiểu đường“. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao khiến tình trạng “xơ vữa động mạch” tiến triển và làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh như nhồi máu cơ tim và nhồi máu não.

Tình trạng đường trong máu cao kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ gây biến chứng, do đó việc phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh tiểu đường là rất quan trọng.

Giá trị mục tiêu kiểm soát đường huyết làm tiêu chuẩn cho việc phòng ngừa biến chứng được ghi trong hướng dẫn y tế cho bệnh tiểu đường là “HlA1c<7.0%”. Tuy nhiên, bệnh nhân không phải chỉ cần chú ý đến HbA1c. Các giá trị làm tiêu chuẩn cho điều trị khác được tóm tắt dưới đây.

Giá trị mục tiêu khác

– Duy trì cân nặng tiêu chuẩn BMI trên dưới 22

(BMI là giá trị số biểu thị mức độ béo phì tính theo công thức [cân nặng (kg)] ÷ [bình phương chiều cao (m)])

– Huyết áp dưới 130/80 mmHg (huyết áp khi ở nhà dưới 125/75 mmHg)

– LDL cholesterol dưới 120 mg/dL (dưới 100 mg/dL khi có bệnh động mạch vành)

– HDL cholesterol 40 mg/dL hoặc cao hơn

– Chất béo trung tính (khi bụng đói vào buổi sáng sớm) dưới 150 mg/dL

– Non-HDL cholesterol dưới 150 mg/dL (dưới 130 mg/dL khi có bệnh động mạch vành)

Trong điều trị bệnh tiểu đường, để đảm bảo không xuất hiện biến chứng gây tử vong, bệnh nhân nên duy trì các giá trị mục tiêu, chú ý kiểm soát đường huyết.

cta kiến thức tiểu đườngMục tiêu kiểm soát đường huyết để phòng ngừa biến chứng là HbA1c < 7%

4. Nếu không điều trị bệnh tiểu đường điều gì sẽ xảy ra?

Nếu bệnh nhân để tình trạng lượng đường trong máu cao kéo dài, sẽ xuất hiện nhiều biến chứng trong toàn bộ cơ thể. Không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống (QOL: Quality of life) mà còn tăng nguy cơ gây “bệnh xơ vữa động mạch” và nếu bệnh chuyển biến xấu hơn có thể xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như “bệnh thần kinh tiểu đường “, “bệnh võng mạc tiểu đường”, “bệnh thận tiểu đường”.

Như đã nêu ở trên, bệnh tiểu đường tuýp 1 là tình trạng insulin không được tiết ra nên điều trị tiêm insulin là điều cần thiết. Nếu bệnh nhân không tiêm insulin, đường huyết tăng cao trong cơ thể gây rối loạn ý thức và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, ngay cả khi bị bệnh tiểu đường, nếu bệnh nhân duy trì “liệu pháp ăn uống”, “liệu pháp vận động”, “cách điều trị bệnh tiểu đường bằng thuốc” để kiểm soát lượng đường trong máu đúng cách, phòng ngừa các biến chứng, bệnh nhân có thể sống một cuộc sống bình thường không khác với một người khỏe mạnh. Vì vậy, điều quan trọng là phải chú ý phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường ở giai đoạn sớm. Do ở giai đoạn đầu, bệnh tiểu đường thường không xuất hiện các triệu chứng cơ năng nên hãy đi khám sức khỏe mỗi năm một lần.

Cách điều trị bệnh tiểu đường 5
Bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng đến các bộ phận quan trọng trong cơ thể (ảnh: Internet)

Các cách điều trị bệnh tiểu đường có mục đích là làm giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến tính mạng. Trong bệnh tiểu đường tuýp 1, “liệu pháp insulin” là cần thiết vì hầu như không có insulin được tiết ra. Mặt khác, bệnh tiểu đường tuýp 2 là một trong những bệnh lối sống, ở giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng “liệu pháp ăn uống” và “liệu pháp vận động”, tuy nhiên, trường hợp không thể cải thiện chỉ số đường huyết dù đã duy trì việc cải thiện lối sống, bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc uống hoặc insulin. Bệnh tiểu đường là bệnh khó chữa khỏi, người bị bệnh tiểu đường cần duy trì việc điều trị. Tuy nhiên, nếu kiểm soát đường huyết tốt, bệnh nhân có thể sống một cuộc sống không khác gì những người bình thường. Vì vậy điều quan trọng là bệnh nhân phải bình tĩnh đối mặt với căn bệnh này.

Bạn đang xem bài viết:Cách điều trị bệnh tiểu đường” tại Chuyên mục:Sống cùng bệnh

https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)

Chia sẻ
Bài viết liên quan
Người mắc bệnh gout và bệnh tiểu đường đồng thời cần chú ý gì?
Bệnh gút và bệnh tiểu đường là hai loại bệnh phổ biến đều liên...
Lựa chọn điều trị tiểu đường bằng phương pháp tiêm
Bệnh tiểu đường tại Việt Nam đang trở nên phổ biến. Số bệnh nhân...
Tác dụng phụ của insulin
Insulin là loại thuốc đặc hiệu giúp giảm lượng đường trong máu. Có thể...
Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day”
Bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day” thường có chỉ số đường...
Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch
Bệnh tiểu đường là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn tới...
10 giải pháp chống say nắng dành cho người tiểu đường
Khi bắt đầu vào hè, rất nhiều người bị say nắng, trong trường hợp...
Người mắc bệnh gout và bệnh tiểu đường đồng thời cần chú ý gì?
Lựa chọn điều trị tiểu đường bằng phương pháp tiêm
Tác dụng phụ của insulin
Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day”
Bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch
10 giải pháp chống say nắng dành cho người tiểu đường
Xem nhiều nhất
Mới nhất
Bệnh nhân tiểu đường cần “Vitamin D” – Quan trọng cho việc xây dựng xương khỏe mạnh – 98% người Nhật thiếu “Vitamin D”
Hoạt động thể dục như đi bộ vào buổi chiều giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu – Những người mắc bệnh tiểu đường cần quan tâm đến lối sống hàng ngày
Chất xơ trong thực phẩm giúp giảm nguy cơ tiểu đường và béo phì bằng cách tạo ra axit béo ngắn, tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột
9 biện pháp phòng ngừa và cải thiện với “nấm chân” ở người bị tiểu đường – Vượt qua mùa hè nóng ẩm
Yoga giúp cải thiện tiểu đường và huyết áp cao, có tác động tích cực đến tâm lý và thích nghi với thay đổi trong thời đại sau dịch COVID
Người bị tiểu đường có sự lão hóa nhanh của não? Giảm đường huyết giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức đáng kể – “Bảy lối sống phòng ngừa”
Những lối sống chung của những người thành công trong “giảm cân” – Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
WHO thiết lập 5 mục tiêu toàn cầu cho bệnh tiểu đường nhằm Bảo vệ cuộc sống của những người mắc bệnh tiểu đường – Phản ứng chống lại sự gia tăng nhanh chóng của tiểu đường trên toàn thế giới
Chỉ 2 phút đi bộ sau bữa ăn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ngủ trưa dài làm tăng nguy cơ béo phì, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường