Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường?
Sinh bệnh học hay còn gọi là các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường có liên quan đến di truyền, các bệnh lý về gen hoặc do môi trường. Tùy theo loại bệnh đái tháo đường mà phân ra các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau. Ví dụ, bệnh nhân đái tháo đường loại 1 thường xuất hiện ở người trẻ nhiều hơn, do tuyến tụy bị phá hủy dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối, phải sử dụng đến insulin ngoại sinh. Khi tuyến tụy bị phá hủy từ 75-80% thì bệnh sẽ xuất hiện trên lâm sàng và người bệnh thường đến bệnh viện với tình trạng cạn kiệt insulin hoàn toàn.
Bình thường, tuyến tụy có chức năng nội tiết và ngoại tiết. Về chức năng nội tiết, tế bào beta tiết ra hoóc-môn gọi là insulin, có tác dụng làm hạ mức đường trong máu xuống, điều hòa và ổn định, để không bị mất cân bằng lượng đường huyết. Ở người bình thường, khi ăn vào, lượng đường trong máu sẽ tăng lên, kích thích tế bào beta sản sinh ra insulin, đưa lượng đường huyết trở về mức bình thường. Khi tụy không tiết ra insulin nữa, sẽ khiến chúng ta mắc bệnh đái tháo đường.
Nếu bệnh nhân bị nhiễm đái tháo đường thể đặc biệt, thì có liên quan đến các bệnh lý về gen, làm giảm chức năng hoạt động của tế bào beta (tế bào tiết ra insulin). Có thể do bệnh nhân tiếp xúc các loại thuốc như thuốc diệt chuột, thuốc corticoid điều trị viêm khớp, hóa chất… hoặc bị nhiễm trùng, nhiễm virus, chấn thương tụy (ung thư tụy, cắt bỏ tụy).
Ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2 hay đái tháo đường thai kỳ, các nguyên nhân cũng tương tự nhau: do di truyền (trong gia đình có người thân mắc bệnh); do môi trường, xã hội ngày càng phát triển, khiến chúng ta có một lối sống lười vận động, thường xuyên dùng ôtô/xe máy mà ít khi đi bộ hay đi xe đạp; chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, quá dư thừa năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì.