“Axit béo Omega 3” làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chú ý đến cholesterol xấu
Danh mục nội dung
- 1. Chất béo động vật làm tăng cholesterol xấu
- 2. Ăn uống và tập luyện để giảm cholesterol xấu
- 3. “Axit béo Omega 3” giúp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim và nhồi máu não
- 4. Chú ý đến tình trạng “tăng lipid máu sau ăn”
- 5. Axit béo omega-3 làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
- 6. Đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim bằng axit béo omega-3
1. Chất béo động vật làm tăng cholesterol xấu
“Rối loạn mỡ máu” là sự gia tăng quá mức lượng chất béo như cholesterol và chất béo trung tính có trong máu. Nếu rối loạn này không được điều trị, tình trạng xơ vữa động mạch có xu hướng tiến triển và gây ra nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Nếu có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tình trạng xơ vữa động mạch cũng dễ phát triển hơn.
Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch là do thói quen ăn uống không lành mạnh và thiếu tập luyện. Đặc biệt là trong chế độ ăn uống, tình trạng xơ vữa động mạch có xu hướng dễ tiến triển hơn nếu có nhiều cholesterol LDL xấu trong máu. Điều quan trọng là cần chú ý đến lượng chất béo hấp thụ để không làm tăng cholesterol LDL.
Đối với chế độ ăn uống, điều quan trọng là không ăn thịt động vật. Chất béo động vật có trong thịt chứa nhiều axit béo bão hòa, làm tăng cholesterol xấu LDL. Các axit béo bão hòa phổ biến nhất thường có trong thịt gia súc và thịt lợn, da gà, thịt chế biến,…

Mục tiêu là duy trì lượng axit béo bão hòa ở mức 7% hoặc ít hơn tổng năng lượng hấp thụ. Đối với những người hấp thụ 2.000 kcal mỗi ngày, hãy cố gắng hạn chế lượng axit béo bão hòa dưới 140 kcal mỗi ngày. Nếu tính theo thịt ba chỉ bò thì giới hạn trên là 100 gram mỗi ngày.
Tin tức nổi bật: Phát triển loại thuốc điều trị tăng tế bào β. Hy vọng về phương pháp điều trị mới của bệnh tiểu đường
2. Ăn uống và tập luyện để giảm cholesterol xấu
Nên tích cực bổ sung các loại rau, nấm, rong biển, trái cây, rau câu,…có chứa nhiều chất xơ. Chất xơ làm giúp làm giảm cholesterol LDL bằng cách ức chế sự hấp thụ cholesterol có trong bữa ăn.
Đậu nành cũng chứa nhiều chất xơ và nhiều axit béo không bão hòa có tác dụng làm giảm cholesterol xấu LDL.

Các bài tập thể dục nhịp điệu như đi bộ cũng có hiệu quả trong việc giảm cholesterol LDL và chống rối loạn mỡ máu. Tập thể dục có nhiều tác dụng như giảm chất béo trung tính, tăng cholesterol HDL tốt, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Mục tiêu là nên dành 30 phút mỗi ngày để tập luyện như đi bộ,…với cường độ vừa phải để cảm thấy thoải mái. Khi không thực hiện tập luyện đủ 30 phút mỗi lần, việc chia nhỏ thành nhiều lần và điều chỉnh thời gian tập thể dục trong một ngày thành 30 phút cũng mang lại những hiệu quả đáng kể.
3. “Axit béo Omega 3” giúp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim và nhồi máu não
Một loại chất béo khác đang phổ biến hiện nay là “axit béo omega-3”. Axit béo omega 3 có tác dụng làm giảm chất béo trung tính mà không làm tăng cholesterol LDL trong máu. Loại chất béo này cũng có tác dụng hạ huyết áp.
Các axit béo omega-3 tiêu biểu là “EPA” (eicosapentaenoic acid) và “DHA” (docosahexaenoic acid) thường có nhiều trong các loại cá lưng xanh như cá mòi, cá thu và cá thu đao. Ngoài các loại cá, “α-Linolenic acid” có trong các loại hạt như quả óc chó cũng là một loại axit béo omega-3.

EPA và DHA,…là những axit béo thiết yếu không thể tổng hợp trong cơ thể mà phải được hấp thụ từ thực phẩm. Đặc biệt, EPA có tác dụng ngăn ngừa đông máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.
Kết quả trong các nghiên cứu với đối tượng tham gia là người dân Nhật Bản cho thấy những người có tỷ lệ EPA trong máu cao hơn ít có khả năng bị nhồi máu cơ tim và nhồi máu não.
4. Chú ý đến tình trạng “tăng lipid máu sau ăn”
“Tăng lipid máu sau ăn” là tình trạng chất béo trung tính trong máu tăng bất thường sau bữa ăn. Nếu có một chế độ ăn giàu chất béo thì ngay cả ở những người khỏe mạnh, chất béo trung tính cũng sẽ tăng ở một mức độ nào đó, tuy nhiên ở người có tình trạng tăng lipid máu sau ăn, lượng tăng của chất béo trung tính là rất lớn và sẽ không giảm khi thời gian trôi qua.

Chất béo trung tính được hấp thụ từ chế độ ăn uống, ban đầu sẽ tạo thành một khối lớn bao gồm một lượng nhỏ cholesterol, nhưng sau đó nó nhanh chóng bị phân hủy thành một chất nhỏ hơn gọi là axit béo. Các axit béo được hấp thụ bởi các tế bào và được sử dụng làm năng lượng.
Trong tình trạng tăng lipid máu sau ăn, sự phân giải của chất béo trung tính này không diễn ra suôn sẻ, và một khối lượng chất béo trung tính dư thừa trong quá trình phân hủy gọi là “remnant” sẽ tồn tại trong máu trong một thời gian dài. Khi lượng dư thừa chất béo trung tính này tồn tại trong máu trong một thời gian dài, nó có xu hướng xâm nhập vào thành mạch máu, do đó cholesterol tích tụ gây ra chứng xơ vữa động mạch.
Axit béo omega 3 cũng đang ngày càng được biết đến rộng rãi hơn vì chúng có hiệu quả để cải thiện tình trạng tăng lipid máu sau ăn.
5. Axit béo omega-3 làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng axit béo omega-3 có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Kết quả của việc điều tra mối quan hệ giữa sự khởi phát bệnh tiểu đường và lượng cá hấp thụ trong “nghiên cứu JPHC” với đối tượng là 52.680 người Nhật Bản đã chứng minh rằng ở người ăn nhiều cá và động vật có vỏ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng thấp và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở nhóm ăn nhiều cá giảm khoảng 30% so với nhóm ăn ít các loại cá.
Phân tích kết quả khảo sát cho từng loại cá đã chỉ ra rằng các loại cá vừa và nhỏ như cá sòng, cá mòi, cá thu, cá thu đao, lươn,…có liên quan mật thiết đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, khi chia các loại cá theo lượng chất béo, người ta chỉ ra rằng các loại cá như cá hồi, cá hồi chấm, cá sòng, cá mòi cơm, cá thu đao, cá thu, lươn, các loại tảo,…có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Nhóm nghiên cứu cho biết, “Axit béo Omega-3 và vitamin D, thường được tìm thấy trong cá có tác dụng cải thiện độ nhạy insulin và bài tiết insulin.”

So với thế giới, người Nhật là những người thường ăn nhiều cá, tuy nhiên ở Châu Âu và Hoa Kỳ- những khu vực ưa thích các loại cá chiên (thực phẩm chiên), lượng cá hấp thụ và tác dụng phòng ngừa bệnh tiểu đường không liên quan đến nhau.
6. Đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim bằng axit béo omega-3
Đại học Stanford đã công bố một nghiên cứu cho rằng nồng độ axit béo omega-3 trong máu có thể là một phương tiện chính xác hơn để dự đoán nguy cơ tử vong so với mức cholesterol. Những người có lượng axit béo omega-3 cao được chứng minh là có nguy cơ tử vong thấp hơn 33% so với những người có lượng axit béo omega-3 thấp.
Nghiên cứu này tiến hành theo dõi 2.500 con cháu của những người tham gia ban đầu của “Nghiên cứu về tim Framingham” bắt đầu vào năm 1948. Trong nghiên cứu này, tuổi của những người tham gia là 66 tuổi khi bắt đầu nghiên cứu và duy trì theo dõi, điều tra cho đến khi họ khoảng 73 tuổi.
Kết quả đã chứng minh rằng ở những người có nồng độ axit béo omega 3 càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ càng thấp. Đặc biệt, tất cả các nguyên nhân gây tử vong khác ngoài bệnh tim mạch và ung thư đều liên quan chặt chẽ đến nồng độ axit béo omega 3.
Ngay cả trong ba nghiên cứu trước đây, người ta đã chứng minh rằng mức độ axit béo omega-3 cao có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng axit béo omega-3 có hiệu quả hơn trong việc đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim so với mức cholesterol trong máu.
Axit béo omega-3 có hiệu quả hơn trong việc đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim so với mức cholesterol trong máu (ảnh: Internet)
“Trong 5 kết quả đánh giá của lần nghiên cứu này, mặc dù mức cholesterol không cho thấy mối liên quan đáng kể với bất kỳ kết quả nào, nhưng các axit béo omega-3 có liên quan đến bốn kết quả”, William Harris thuộc Ngành Nội tiết Khoa y, Đại học Stanford cho biết.
Bạn đang xem bài viết: “Axit béo Omega 3” làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chú ý đến cholesterol xấu! tại Chuyên mục Ăn uống và vận động
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)