Tỷ lệ cắt chi dưới ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại Hoa Kỳ đã suy giảm
Bác sỹ Chang đã thu thập 3.700.902 dữ liệu từ các cơ quan đăng ký bệnh nhân ESRD đang thực hiện thẩm phân máu (1) hoặc thẩm phân phúc mạc (2) trên khắp Hoa Kỳ và kiểm tra sự biến động tỷ lệ cắt chi dưới cũng như tỉ lệ tử vong. Kết quả cho thấy tỷ lệ cắt cụt chi dưới đã giảm 51% trong cùng thời kỳ. Trong 100 người thì tỷ lệ cắt chi dưới (cắt ở vị trí trên hoặc dưới đầu gối) đã giảm từ 5,4 trường hợp vào năm 2000 xuống còn 2,7 trường hợp vào năm 2014. Tỷ lệ tử vong một năm sau khi cắt cụt chi dưới cũng được thấy đã giảm từ 52,2% vào năm 2000 xuống 43,6% vào năm 2013.
Bệnh nhân ESRD mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ cắt chân cao gấp 5 lần so với bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ cắt chi dưới ở những người dưới 65 tuổi cao hơn so với những người từ 65 tuổi trở lên, và cao hơn ở nam giới so với nữ giới. Tỷ lệ cắt chi dưới thấp hơn ở tất cả 50 tiểu bang Hoa Kỳ, nhưng có khuynh hướng cao hơn ở miền Nam và Đông Bắc so với miền Tây và Trung Tây Hoa Kỳ.
Từ những kết quả này, bác sỹ Chang cho biết: “Tỷ lệ cắt chi dưới ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang trong quá trình điều trị lọc máu dù đã giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với những người có chức năng thận bình thường. Cũng cần lưu ý rằng gần một nửa số bệnh nhân trải qua cắt chi dưới có thể tử vong trong vòng một năm sau phẫu thuật”.
Bệnh nhân suy thận có nguy cơ cao bị biến chứng bệnh động mạch ngoại biên (PAD), tắc động mạch ngoại biên gây thiếu hụt lưu lượng máu, và nếu nghiêm trọng buộc phải cắt bỏ chi dưới.
Bác sỹ Chang đã chỉ ra rằng: “Những lý do làm tăng nguy cơ mắc PAD ở bệnh nhân suy thận là không rõ ràng, nhưng các bệnh khác như tiểu đường hay huyết áp cao thường gặp ở bệnh nhân suy thận và các yếu tố nguy cơ cụ thể đối với bệnh nhân suy thận như viêm, vôi hóa mạch máu và urê huyết có mối liên hệ chặt chẽ tới việc gây ra biến chứng bệnh động mạch ngoại biên”.
Thêm vào đó, bác sĩ Chang đã chỉ ra quan điểm rằng việc nâng cao quản lý sức khỏe tổng thể như các yếu tố đường huyết, huyết áp, cholesterol của bệnh nhân suy thận là rất cần thiết và bệnh nhân nên tập trung vào các tổn thương ở chân tại thời điểm khám chữa .
Maria DeVita, một trong những chuyên gia tại Khoa thận, Bệnh viện Lenox Hill, New York, Mỹ đã cho biết: “Kết quả này phản ánh sự cải thiện việc quản lý và chẩn đoán PAD đồng thời với các nguy cơ tim mạch tại Mỹ. Chẩn đoán sớm PAD và thực hiện tạo hình mạch có thể giảm được việc phẫu thuật bắc cầu mạch vành”. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng, vẫn còn một chặng đường dài để cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân suy thận đã bị cắt chi dưới.
Chú thích:
(1) Thẩm phân máu (Hemodialysis): Phương pháp loại bỏ các chất thải như creatinine, urea, nước tự do trong máu ở bệnh nhân suy thận
(2) Thẩm phân phúc mạc (Peritoneal dialysis): Phương pháp loại bỏ độc tố ở những người suy thận
(3) Tạo hình mạch (Angioplasty): Kỹ thuật mở lại mạch vành bị hẹp
(4) Phẫu thuật bắc cầu mạch vành (Bypass surgery): Phương pháp điều trị các trường hợp hẹp nặng động mạch vành
Bạn đang xem bài viết: “Tỷ lệ cắt chi dưới ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại Hoa Kỳ đã suy giảm” tại Chuyên mục: “Tin tức“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)