Một nửa số bệnh tiểu đường tuýp 1 phát bệnh sau 30 tuổi
Danh mục nội dung
1. Một nửa số bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 phát bệnh sau 30 tuổi
Một nghiên cứu mới đây của Anh đã chỉ ra rằng số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 trên 30 tuổi có thể cao hơn dự kiến. Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên lần thứ 52 của Hiệp hội Tiểu đường Châu Âu (EASD) dưới sự chủ trì của giáo sư Nicholas Thomas thuộc Viện Khoa học Lâm sàng tại Đại học Y khoa Exeter.
Nghiên cứu này đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức truyền thống cho rằng bệnh tiểu đường tuýp 1 chỉ hay xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có khả năng nhiều bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 trên 30 tuổi có thể bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và được kê đơn uống thuốc Metformin, một loại thuốc dùng để điều trị tiểu đường loại 2 thay vì insulin trong lần khám đầu tiên.
Thủ tướng Anh Theresa May mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 ở tuổi 56 nhưng lại bị chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 trong lần khám bệnh đầu tiên và đã tiếp nhận điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Qua ví dụ này có thể thấy rằng, việc xem xét lại các chẩn đoán và chăm sóc ban đầu cho bệnh tiểu đường là đặc biệt quan trọng.
Giáo sư Thomas cho biết: “Từ trước đến nay, các giáo dục về các điều trị tiểu đường tuýp 1 hầu hết tập trung vào trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với các bệnh nhân phát bệnh ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, chúng ta sẽ cần phải xem xét lại về cách thức quản lý bệnh tiểu đường tuýp 1 ở những người trưởng thành”.
Khi bệnh tiểu đường được đưa vào chẩn đoán cách đây 20 năm trước, người ta thường gọi “bệnh tiểu đường tuýp 1” là bệnh tiểu đường ở trẻ em và “bệnh tiểu đường tuýp 2” là bệnh tiểu đường ở người trưởng thành. Người trưởng thành thường được cho là ít mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và các hướng dẫn điều trị cho bệnh tiểu đường tuýp 2 không thể áp dụng cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 1.
Giáo sư Thomas nhấn mạnh thêm: “Bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Đối với bệnh tiểu đường ở người trưởng thành, nếu nồng độ HbA1c không giảm xuống sau khi bệnh nhân đã tiếp nhận điều trị theo hướng dẫn thì các bác sĩ cần xem xét lại kết quả chẩn đoán”.
2. Kết quả phân tích dữ liệu di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 1
Nhóm nghiên cứu này đã tính toán điểm số rủi ro (T1D-GRS) dựa trên 30 đa hình nucleotide liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 1, đối tượng là 120.000 người Anh trong độ tuổi 40 – 70. Họ đã đăng ký tại Biobank.
Biobank là ngân hàng sinh học được thành lập vào năm 2006 bởi Quỹ từ thiện y tế Welcome Trust và Hội đồng nghiên cứu y tế Anh nhằm mục đích cải thiện việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Kể từ khi thành lập đến nay, Biobank đã thu thập được dữ liệu của hơn 500.000 người, bao gồm các mẫu máu và DNA, thông tin về lối sống và mức độ hoạt động thể chất.
Khi tiến hành so sánh số lượng bệnh nhân giữa bệnh tiểu đường tuýp 1 – một loại bệnh tự miễn dịch và bệnh tiểu đường tuýp 2, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, trước 30 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 cao hơn còn sau 30 tuổi khả năng mắc bệnh bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong nghiên cứu này là khoảng một nửa bệnh tiểu đường tuýp 1 phát bệnh sau 30 tuổi. Trong số các bệnh nhân tiểu đường từ 30 đến 60 tuổi, có một số trường hợp là mang gen di truyền mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.
Theo kết quả phân tích ở tất cả các độ tuổi, có 53% (242/456) bệnh nhân có gen di truyền mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 dưới 30 tuổi và ngược lại có đến 47% (215/457) bệnh nhân mang gen di truyền mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 sau 30 tuổi (cụ thể từ 31 – 60 tuổi). Hơn nữa, chỉ có khoảng 5% (215/4335) được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường ở nhóm tuổi này.
3. Khó khăn trong chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1 ở bệnh nhân trên 30 tuổi
Phần lớn người trưởng thành thường mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, nhất là từ độ tuổi trung niên trở lên. Vì thế, số ít các bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 có nguy cơ cao sẽ bị nhầm lẫn theo số đông. Trong đó béo phì là một trong những nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2 nhiều hơn.
Giáo sư Thomas cũng đưa ra đánh giá: “Vì bệnh tiểu đường ở trẻ em hầu hết là bệnh tiểu đường tuýp 1 nên các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán. Tuy nhiên, kể từ độ tuổi 30 trở đi, tuổi tác càng cao, bệnh tiểu đường tuýp 2 lại càng gia tăng, các bác sĩ rất khó xác định chính xác thuộc loại tiểu đường nào. Các xét nghiệm về thể tự miễn có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, tuy nhiên không được tiến hành trong các lần khám định kỳ. Ở nước Anh, việc phân loại và điều trị bệnh tiểu đường còn nhiều hạn chế, chưa có các tiêu chuẩn cụ thể và hệ thống được áp dụng. Mặc dù các xét nghiệm thể tự miễn sẽ được thực hiện trong chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng các xét nghiệm về kháng thể GAD và IA-2 này rất tốn kém, các bác sĩ không thể thực hiện chúng trong các kiểm tra sức khỏe bình thường.”
Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra một chỉ số mới là chỉ số T1D-GRS (Type 1 Diabetes Genetic Risk Score) có khả năng giúp xác định nguyên nhân của tiểu đường tuýp 1 mà không cần xét nghiệm kháng thể. Trong quá trình chẩn đoán và điều trị, các bác sĩ cần chú ý tiểu đường tuýp 1 cũng có thể phát bệnh ở tuổi trưởng thành.
Bạn đang xem bài viết: “Một nửa số bệnh tiểu đường tuýp 1 phát bệnh sau 30 tuổi” tại Chuyên mục: “Tin tức“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)