Người mắc bệnh tiểu đường dễ bị mắc chứng trầm cảm
Danh mục nội dung
1. Người mắc bệnh tiểu đường dễ bị trầm cảm
Bệnh nhân tiểu đường thường phải trải qua gánh nặng tinh thần, các triệu chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Có báo cáo chỉ ra nguy cơ trầm cảm ở bệnh nhân tiểu đường cao gấp 2 – 3 lần so với người không mắc bệnh tiểu đường.
Trong điều trị bệnh tiểu đường, bệnh nhân thường phải tự quản lý chế độ ăn uống, tập thể dục, điều trị bằng thuốc và đo mức đường huyết nên thường phải chịu gánh nặng tinh thần lớn.
Một cuộc khảo sát được thực hiện ở các bệnh nhân trên 17 quốc gia bao gồm Nhật Bản đã chỉ ra rằng 13,8% trường hợp bị nghi mắc trầm cảm và 44,6% bị gánh nặng tâm lý cao đều liên quan đến bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu đã công bố thói quen tập thể dục như đi bộ có thể ngăn ngừa trầm cảm do tiểu đường.
2. Đi bộ 35 phút mỗi ngày giúp ngăn ngừa trầm cảm
Một nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng Harvard, Hoa Kỳ đã chỉ ra thói quen tập thể dục sẽ giúp khả năng có tác dụng ngăn ngừa trầm cảm và tập thể dục 4 giờ mỗi tuần giúp giảm 17% nguy cơ mắc trầm cảm.
Đây là nghiên cứu quy mô lớn phân tích dữ liệu di truyền của 7.968 người trưởng thành tham gia tại Biobank của Anh. Nhóm nghiên cứu điều tra mối quan hệ giữa mức độ hoạt động tập thể dục và nguy cơ mắc trầm cảm bằng dữ liệu khách quan thu được. Kết quả là, những người có mức độ hoạt động thể chất cao hơn sẽ ít bị trầm cảm hơn và có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.
Ông Carmor Choi, giáo sư Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết: “Chúng tôi thấy rằng tập thể dục trung bình 35 phút mỗi ngày giúp giảm nguy cơ trầm cảm. Chúng tôi cũng khuyến khích thay vì tăng số lượng bài tập, sẽ hiệu quả hơn nếu duy trì tập thể dục mỗi ngày.”
Sau khi điều tra mối liên quan giữa tập thể dục và nguy cơ phát bệnh trong tương lai, các chuyên gia đã nhận thấy việc tăng cường vận động cơ thể cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở cả những người có yếu tố di truyền bị mắc bệnh trầm cảm và có khả năng cao sẽ bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm trong vòng 2 năm tới.
Đối với những người mắc bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2, việc bác sĩ đưa vận động vào trong điều trị, đặc biệt là với các trường hợp mang yếu tố di truyền mắc bệnh trầm cảm, sẽ giúp làm tăng hiệu quả chữa bệnh.
3. Tập thể dục có thể cải thiện tính kháng insulin ở não
Những người có thói quen tập thể dục ít có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe khác nhau như bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 và ung thư. Khi bạn tập thể dục, glucose được tiêu thụ ngay lập tức và đường huyết sẽ giảm xuống. Ngoài ra, nếu tạo được thói quen tập thể dục, cơ thể sẽ có thể tiết ra nhiều insulin hơn, giúp kiểm soát lượng glucose trong máu hiệu quả hơn.
Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra tập thể dục rất tốt cho sức khỏe của não. Tính kháng insulin có liên quan đến tác động của việc tập thể dục lên não.Theo một nghiên cứu của Đại học Bang New York, tình trạng kháng insulin của não là yếu tố nguy cơ gây mất trí nhớ và có thể được cải thiện bằng cách tập thể dục. Kháng insulin, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2, khi insulin hoạt động không hiệu quả do béo phì hoặc thiếu tập thể dục, khiến cho các tế bào không hấp thụ đủ glucose. Tính kháng insulin không chỉ xảy ra ở các cơ quan trên cơ thể mà tác động lên cả não. Do đó, tập thể dục có thể cải thiện tình trạng kháng insulin ở não và cải thiện khả năng nhận thức.
4. Tập thể dục cải thiện lão hóa não
Bệnh tiểu đường có liên quan đến chứng mất trí nhớ. Đặc biệt ở người cao tuổi, tiểu đường và đường huyết cao là yếu tố nguy cơ gây ra suy giảm nhận thức và chứng mất trí. Ngoài ra, trầm cảm có mối quan hệ mật thiết đến chứng mất trí nhớ. Đã có báo cáo chỉ ra cứ 5 bệnh nhân ngoại trú cao tuổi bị mất trí nhớ thì có 1 người bị rối loạn trầm cảm.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu tại Đại học Y khoa Boston cũng tiết lộ rằng nếu duy trì thói quen tập thể dục như đi bộ, có thể ngăn chặn sự phát bệnh chứng mất trí nhớ trong tương lai. Đối tượng nghiên cứu là 2.354 người trưởng thành tham gia Nghiên cứu Tim Framingham – một nghiên cứu lớn về nguy cơ mắc bệnh tim mạch được thực hiện tại Hoa Kỳ từ những năm 1970.
Theo kết quả của cuộc điều tra, người ta thấy rằng số bước chân mỗi ngày hoặc số lượng hoạt động thể chất càng nhiều thì khối lượng não càng lớn. Một người đi bộ trung bình 10.000 bước mỗi ngày sẽ trẻ hơn 1,75 tuổi so với người có số bước trung bình dưới 5.000 bước và cứ tăng 1 giờ vận động thể chất ở cường trung bình mỗi ngày sẽ làm não trẻ hơn 1,1 năm.
5. Não bắt đầu lão hóa từ năm 40 tuổi
Ông Nicole Spartano thuộc Đại học Y Boston cho biết không chỉ có các bài tập cường độ cao mà vận động với cường độ vừa phải như đi bộ cũng có thể có tác động tích cực đến cấu trúc não bộ. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nếu không có thói quen tập thể dục thì khi bước sang độ tuổi 40, thể lực sẽ bị suy giảm và khi qua độ tuổi 60, thể tích não và chức năng nhận thức cũng có khả năng bị suy giảm.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên 1.583 người, bao gồm cả nam và nữ có độ tuổi trung bình 40 và không mắc chứng mất trí nhớ hay bệnh tim. Kết quả là, ở những người ít vận động và bị suy giảm khả năng tập thể dục ở tuổi 40, não bộ sẽ bị teo nhanh chóng trong vòng 20 năm sau đó. Nhiều người thường không quan tâm đến sức khỏe não bộ của chính mình cho đến khi bị già đi, nhưng trên thực tế, lão hóa não đã bắt đầu ở độ tuổi 40. Và tập thể dục là yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe của não.
Bạn đang xem bài viết: “Người mắc bệnh tiểu đường dễ bị mắc chứng trầm cảm” tại Chuyên mục: “Sống cùng bệnh“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)