Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ
Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường) được xem là đại dịch của toàn cầu khi tỷ lệ bệnh nhân ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Liên đoàn Đái Tháo đường Thế Giới (IDF), số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới vào năm 2015 là 415 triệu người và ước tính sẽ tăng đến 642 triệu người vào năm 2040. Còn tại Việt Nam có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh, đến năm 2045 ước tính có tới 6,3 triệu người mắc bệnh này và số người trẻ mắc bệnh ngày càng cao.
Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới thận, mắt, thần kinh, tim mạch… dẫn đến tử vong hoặc sống phụ thuộc suốt đời.
Bên cạnh đó, do việc tăng đường huyết kéo dài dẫn đến suy giảm chức năng miễn dịch, từ đó người bệnh dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác nhau. Họ dễ bị cúm, viêm phổi, viêm gan B, uốn ván, zona… và đặc biệt, thời gian mắc bệnh ở bệnh nhân cũng bị kéo dài, tỷ lệ bị biến chứng và tử vong là khá cao.
Vì vậy, Hiệp hội giáo dục tiểu đường Hoa Kỳ (American Association of Diabetes Educator – AADE) đã nhấn mạnh rằng bệnh nhân tiểu đường nên chú ý tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm thường gặp.
Ông Evan Sisson, Phó giáo sư Đại học Virginia Commonwealth nhấn mạnh: “Tất cả bệnh nhân tiểu đường nên biết rõ loại vắc-xin nào họ cần phải tiêm và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có vắc-xin chưa được tiêm phòng hoặc vắc-xin cần tiêm lại“.
AADE khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên được tiêm phòng vắc-xin như sau:
・Vắc-xin cúm: Cúm là bệnh thường gặp theo mùa và dễ dàng lây lan qua đường không khí. Ở bệnh nhân tiểu đường, khi mắc bệnh cúm tình trạng nhiễm khuẩn xấu hơn, gây nhiều biến chứng như tăng lượng đường trong máu, viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai giữa, biến chứng mạch vành… và làm tăng tỷ lệ nhập viện cao gấp 6 lần. Bệnh nhân nên tiêm vắc-xin phòng ngừa cúm theo mùa, đặc biệt vào mùa thu hoặc đông xuân.
・Vắc-xin Tdap: Ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng như ho gà, bạch hầu và uốn ván. Vắc-xin này cần được tiêm 10 năm 1 lần. Tại Nhật Bản, bệnh nhân được tiêm phòng vắc-xin DPT-IPV phòng ngừa hỗn hợp 4 loại ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt.
・Vắc-xin bệnh zona: Giảm nguy cơ đau dây thần kinh postherpetic (PHN) và tình trạng đau mãn tính sau khi tổn thương da do zona đã lành. Nguy cơ tăng đau dây thần kinh postherpetic tỷ lệ thuận với tuổi tác, bệnh nhân tiểu đường từ 50 tuổi trở lên nên tiêm chủng phòng ngừa bệnh zona.
・Vắc-xin phế cầu: Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao do nhiễm phế cầu khuẩn. Phế cầu khuẩn gây viêm màng não do vi khuẩn nhiễm vào màng não, gây viêm tai giữa khi bị nhiễm trùng tai, gây viêm phổi khi bị nhiễm trùng phổi và nhiễm khuẩn huyết khi xâm nhập vào máu. Bệnh nhân tiểu đường nên tiêm vắc-xin một lần trước 65 tuổi và hai lần nữa sau 65 tuổi ( điều kiện các liều tiêm cách nhau ít nhất là 5 năm).
Bệnh nhân có thể tiêm Vắc-xin phế cầu cùng thời điểm vắc-xin cúm hoặc vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
・Vắc-xin viêm gan B: Bệnh viêm gan B có thể lây truyền bằng việc dùng chung dụng cụ điều trị như máy đo đường huyết hoặc kim lấy máu. Việc tiêm vắc-xin viêm gan B có tầm quan trọng rất lớn đối với bệnh nhân tiểu đường. Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B được khuyến cáo ở bệnh nhân độ tuổi dưới 60. Đối với các trường hợp từ 60 tuổi trở lên cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bạn đang xem bài viết: “Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ” tại Chuyên mục: “Sống cùng bệnh“.
=> Gợi ý – tìm hiểu chi tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)