Công viên xanh ảnh hưởng tốt tới sức khỏe thể chất và tinh thần
Danh mục nội dung
Cải thiện sức khỏe tinh thần
Một nghiên cứu từ Đại học Aarhus, Đan Mạch đã chỉ ra rằng trẻ em sống trong khu vực gần gũi với thiên nhiên có thể giảm 55% nguy cơ mắc bệnh tâm thần.
Dựa trên dữ liệu vệ tinh từ năm 1985 đến 2001, các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ về việc sinh sống trong không gian xanh đối với 94.027 người Đan Mạch tại thời điểm 0 – 10 tuổi. Bên cạnh đó, họ thu thập các dữ liệu về môi trường dân cư, sức khỏe tâm thần và tình hình kinh tế xã hội tại từng khu vực, sau đó thực hiện so sánh “khả năng tiếp cận khu vực xanh” và “sức khỏe tâm thần”.
Kết quả chỉ ra mối quan hệ đáng chú ý giữa bệnh tâm thần và khả năng tiếp cận không gian xanh. Khi được nuôi dưỡng trong các khu vực xanh từ thời thơ ấu, nguy cơ mắc bệnh tâm thần thấp hơn tới 55% khi trưởng thành.
Cơ chế môi trường xanh cải thiện sức khỏe tinh thần tuy không được lý giải cụ thể, nhưng có thể thấy việc sống gần thiên nhiên làm tăng mức độ hoạt động thể chất của trẻ, tăng cường sự gắn kết xã hội và sự phát triển nhận thức có thể được cải thiện. Đây chính là các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh tâm thần.
Bà Kristine Engemann, thuộc Đại học Aarhus nhấn mạnh rằng: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với sức khỏe tâm thần so với những kết luận trước đây. Vì vậy, chúng ta cần hướng đến sự tiếp cận của môi trường tự nhiên đối với dân số rộng lớn hơn”.
Các nghiên cứu từ Đại học Alabama tại Birmingham (UAB) cũng chỉ ra rằng dành 20 phút trong công viên với nhiều cây xanh có thể cải thiện tinh thần và giúp mọi người thấy hạnh phúc. Bên cạnh đó, nếu mọi người có thể dành nhiều thời gian hay tập luyện các bài vận động như đi bộ, chạy… sẽ mang lại hiệu quả càng cao.
Tiến sĩ Hon K. Yuen, thuộc Chuyên ngành Liệu pháp tác nghiệp tại Đại học Alabama đã thực hiện một nghiên cứu xem xét sự ảnh hưởng của môi trường xanh tới mức độ hạnh phúc. Đối tượng của nghiên cứu là 94 người gồm cả đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi trung bình 42 tuổi, họ được yêu cầu đến thăm quan ba công viên thành phố gần Birmingham, Alabama. Những người tham gia không thực hiện điều trị y tế liên tục và đang gặp các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, tăng đường huyết. Khi tham gia, họ không cần thiết phải quyết định rõ ràng sẽ làm gì ở công viên, mất bao nhiêu thời gian.
Sau 6 tháng, thống kê cho thấy những người tham gia ở công viên trung bình khoảng 32 phút và 30% số người tập các bài tập cường độ vừa phải như đi bộ. Và kết quả cho thấy việc ở trong công viên làm tăng 60% tình trạng sức khỏe và có thể nâng cao chỉ số hạnh phúc, sự vui thích của người tham gia.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra, khi ở trong môi trường có nhiều yếu tố tự nhiên sẽ thúc đẩy hoạt động thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần, cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, điều hòa lượng đường trong máu, huyết áp, nhịp tim…
Tiến sĩ Yuen nhấn mạnh: “Nếu mọi người tập thể dục trong môi trường xanh, chắc chắn sẽ cải thiện sức khỏe tinh thần, nhưng nếu không đủ thể chất để tập luyện, chỉ cần dành thời gian hít thở không khí trong lành trong không gian xanh cũng mang lại hiệu quả đáng mong đợi”.
Cải thiện sức khỏe thể chất
Sống trong môi trường tự nhiên có ảnh hưởng tốt tới sức khỏe tim mạch. Theo nghiên cứu từ Đại học Miami, những người cao tuổi từ 65 trở lên sống ở khu vực nhiều không gian xanh có nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp tính thấp hơn 25% so với người già sống ở khu vực ít cây xanh.
Ông Scott Brown, Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Miami đã chỉ ra việc sống trong một khu vực thân thiện với môi trường có tác động tích cực đến tâm trí và cơ thể. Tạo không gian giàu yếu tố thiên nhiên ở thành thị sẽ làm tăng hoạt động thể chất và tương tác xã hội của người dân, giúp họ làm giảm căng thẳng.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện chia quận Dade, Miami thành 36.563 địa điểm và đo không gian xanh. Thêm vào đó, từ cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế, nhóm đã phân tích tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim và rung tâm nhĩ ở 249.405 người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy, trong những người sống ở khu vực nhiều cây xanh thì nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp giảm 25%, nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim giảm 20% và nguy cơ suy tim giảm 16%.
Môi trường giàu yếu tố tự nhiên cũng được cho là ảnh hưởng tốt đến các bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và rối loạn lipid máu. Đây chính là những yếu tố tạo nên nguy cơ của bệnh tim.
Ông Brown phát biểu: “Chúng ta có thể tăng cường hoạt động thể chất bằng cách duy trì môi trường dễ tạo điều kiện để vận động. Tập thể dục là một yếu tố quan trọng để kiểm soát bệnh tim”.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã chứng minh rằng so với việc đi bộ trên đường phố thì đi bộ trong công viên mang đến nhiều lợi ích hơn như huyết áp và giảm lượng đường trong máu ở người cao tuổi, tốt cho hệ tim mạch.
Ông Brown cũng đã chỉ ra rằng, bằng cách thúc đẩy phủ xanh thành phố và khuyến khích đi bộ, tập thể dục, mọi người có thể đạt được nhiều lợi ích y tế như cải thiện chức năng tim phổi. Đặc biệt, trồng nhiều cây trong khu dân cư nơi mức độ phủ xanh thấp có thể cải thiện sức khỏe tim mạch con người.
Sử dụng công viên trong thành thị cải thiện sức khỏe
Hoa Kỳ đang nỗ lực thực hiện để kết hợp các hoạt động ngoài trời trong công viên với mục đích điều trị cho những người mắc bệnh mãn tính như huyết áp cao và bệnh tiểu đường tuýp 2. Trong chương trình thúc đẩy sức khỏe công viên (Healthy Parks Healthy People program) được thực hiện bởi Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ, công viên được coi là nơi có thể được sử dụng để phòng ngừa, cải thiện các loại bệnh mãn tính.
“Đi bộ cùng bác sĩ” (Walk With a Doc) là một phong trào được đề xuất và thực hiện bởi David Subjar, một bác sĩ tim mạch sống ở Columbus, Ohio, Hoa Kỳ. Ông thấy rằng thay đổi hành vi của bệnh nhân nếu chỉ đưa thông tin cho bệnh nhân tiếp cận là không đủ, nên đã mời các bệnh nhân đi dạo trong công viên khu vực vào cuối tuần. Đáng kinh ngạc là số bệnh nhân muốn tham gia nhanh chóng vượt quá con số 100.
Hoạt động “Đi bộ cùng bác sỹ” này nhận được sự ủng hộ của nhiều bác sĩ và hiện tại đã được mở rộng trên toàn nước Mỹ. Sau khi được bác sĩ giải thích về tầm quan trọng của liệu pháp điều trị và tập thể dục, những người tham gia bắt đầu đi bộ theo tốc độ của riêng họ. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều dịch vụ như cà phê và đồ ăn nhẹ lành mạnh hay kiểm tra huyết áp…
Tiến sĩ Yuen đã chỉ ra trong quy hoạch đô thị, đối với phương diện chăm sóc y tế thì nhu cầu về chiến lược sử dụng công viên xanh ngày càng tăng. Chúng ta cần các biện pháp để sử dụng tốt nhất các công viên trong khu vực đô thị.
Khi lập kế hoạch xây dựng thành phố, chính phủ nên tập trung vào việc phủ xanh thành phố như trồng cây trong công viên và đường phố gần khu dân cư. Ngoài việc cải thiện sức khỏe, môi trường xanh cũng có tác dụng giảm ô nhiễm không khí.
Nói chung, việc đi bộ trong công viên, gần gũi với môi trường tự nhiên có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao hay rối loạn lipid máu. Bên cạnh đó, cải thiện sức khỏe tim mạch và có nhiều tác động tích cực tới sức khỏe tinh thần. Ngay cả khi mọi người không thể đi bộ, chỉ cần dành khoảng 20 phút trong công viên nhiều cây xanh cũng mang lại hiệu quả tốt.
Bạn đang xem bài viết: “Công viên xanh ảnh hưởng tốt tới sức khỏe thể chất và tinh thần” tại Chuyên mục: “Ăn uống & Vận động“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)