Phương pháp theo dõi trẻ sau sinh từ người mẹ bị rối loạn chuyển hóa glucose
Danh mục nội dung
1. Tính cần thiết của việc theo dõi trẻ sau sinh
Trường hợp người mẹ bị tăng đường huyết mãn tính trong giai đoạn mang thai, một lượng lớn glucose sẽ chuyển đến thai nhi qua nhau thai. Thai nhi sẽ bị tăng đường huyết mãn tính và từ đó thúc đẩy bài tiết insulin trong tuyến tụy, dẫn đến thai nhi phát triển quá mức và quá cân so với những đứa trẻ bình thường.
Ngoài ra, tăng insulin máu tồn tại trong giai đoạn này có liên quan đến sự khởi phát của bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 ở đứa bé sau khi trưởng thành. Nếu thai phụ bị rối loạn chuyển hóa glucose trước hoặc trong khi mang thai, bé gái sinh ra cũng có khả năng khởi phát tình trạng tương tự.
Từ những nguy cơ trên, cần thiết phải theo dõi để ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 ở những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ bị rối loạn chuyển hóa glucose.
2. Phương pháp theo dõi trẻ sau sinh
Mục đích của việc theo dõi trẻ sau sinh là phòng ngừa sự khởi phát của bệnh béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, không có phương pháp phòng ngừa cụ thể mà người mẹ cần chú ý thực hiện các hướng dẫn thói quen lối sống và phải luôn theo dõi, đánh giá tình trạng tăng trưởng của trẻ.
2.1 Hướng dẫn tại thời điểm xuất viện sau sinh
Trẻ sinh ra từ thai phụ bị rối loạn chuyển hóa thường có nguy cơ bị béo phì và tiểu đường tuýp 2 trong tương lai rất cao nên thai phụ cần được hướng dẫn về tính cần thiết của việc theo dõi lâu dài. Tuy nhiên, phụ nữ sau sinh thường có những bất ổn về mặt tinh thần nên điều quan trọng là người nhà phải nhắc nhở người mẹ không nên bi quan về tình hình sức khỏe của trẻ.
2.2 Trẻ từ sau sinh đến 1 tuổi 6 tháng
Kiểm tra sức khỏe chung cho trẻ sơ sinh thường được thực hiện ở thời điểm trẻ sau sinh 1 tháng, 4 tháng, 7 tháng, 10 tháng, 1 tuổi, 1 tuổi 6 tháng.
– Hướng dẫn thói quen sinh hoạt: Khuyến khích thai phụ cho con bú bất cứ khi nào có thể. Nấu đồ ăn cho trẻ sơ sinh có hương vị nhẹ nhàng và cho trẻ làm quen với chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế thói quen cho trẻ uống nước ngọt có chứa đường đơn.
– Đánh giá thể chất của trẻ: Theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ. Điền chiều cao/ cân nặng của trẻ trên đường cong tăng trưởng tiêu chuẩn và kiểm tra xem chúng có tuân theo đường cong tiêu chuẩn không. Tình trạng béo phì ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn này ít liên quan đến nguy cơ béo phì sau đó, vì vậy ngay cả khi trẻ tăng cân hơn một chút, vẫn có thể được theo dõi, kiểm soát tốt. Tuy nhiên, người mẹ cần được hướng dẫn về thực phẩm cai sữa cho trẻ và thực phẩm cho trẻ sơ sinh để ngăn ngừa béo phì trong tương lai.
2.3 Trẻ từ 1 tuổi 6 tháng~3 tuổi
Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ sơ sinh sang trẻ nhỏ và là thời điểm những thói quen lối sống cơ bản của trẻ bắt đầu hình thành. Ngoài ra, đây cũng là lúc tốc độ tăng trưởng ở trẻ bị giới hạn hơn.
– Hướng dẫn thói quen lối sống: Tránh nấu đồ ăn cho bé quá mặn và cho trẻ làm quen với chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế thói quen cho trẻ uống nước ngọt có chứa đường đơn.
– Đánh giá thể chất của trẻ: Theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ. Điền chiều cao/ cân nặng của trẻ trên đường cong tăng trưởng tiêu chuẩn và kiểm tra xem chúng có tuân theo đường cong tiêu chuẩn không.
BMI của trẻ sẽ giảm dần trong giai đoạn từ 1 tuổi 6 tháng đến 6 tuổi. Nhìn chung, khi BMI của trẻ tăng lên vào giai đoạn trước 5 tuổi, trẻ trở nên dễ béo phì. Do đó, BMI sẽ được xác nhận sau khi kiểm tra sức khỏe trẻ 1 tuổi 6 tháng và so với chỉ số BMI trước đó. Sau 3 tuổi, mức độ béo phì của trẻ cũng được tính dựa trên cân nặng tiêu chuẩn theo giới tính và chiều cao. Mức độ béo phì + 15% trở lên được đánh giá là tình trạng béo phì ở trẻ sơ sinh.
2.4 Trẻ từ 3 tuổi~6 tuổi
Thời gian này là thời điểm thói quen lối sống cơ bản của trẻ được thiết lập. Ngoài ra, việc tăng cân nhanh chóng tại thời điểm này có liên quan mạnh mẽ với sự phát triển tình trạng béo phì sau đó. Do đó, theo dõi trẻ tại thời điểm này là vô cùng quan trọng. Cần đánh giá sự tăng trưởng thích hợp của trẻ mỗi năm một lần, cung cấp hướng dẫn về thói quen lối sống và ngăn ngừa béo phì ở trẻ nhỏ.
– Hướng dẫn thói quen lối sống: Tránh nấu đồ ăn cho bé quá mặn và cho trẻ làm quen với chế độ ăn uống lành mạnh. Hãy cho trẻ ăn một chế độ ăn uống cân bằng và thoải mái. Hạn chế thói quen cho trẻ uống nước ngọt có chứa đường đơn. Cố gắng cho trẻ chơi các trò chơi có thể vận động cơ thể nhiều nhất có thể và giảm thiểu thời gian trẻ đứng màn hình như xem TV, trò chơi video, điện thoại thông minh và internet…
– Đánh giá thể chất của trẻ: Vẽ đường cong tăng trưởng tiêu chuẩn, BMI, tính toán mức độ béo phì. Trong các trường hợp sau đây, trẻ được đánh giá là có xu hướng béo phì.
(1) Trường hợp cân nặng vượt lên đường cong cân nặng tiêu chuẩn
(2) Trường hợp BMI tăng vọt lên
(3) Trường hợp mức độ béo phì + 15% trở lên
Trong trường hợp trẻ có xu hướng béo phì, trẻ cần được hướng dẫn thay đổi thói quen lối sống, cách kiểm tra cân nặng tại nhà. Mỗi ngày, trước bữa tối, hãy kiểm tra cân nặng để xác nhận rằng không có sự tăng cân đột ngột. Nếu trẻ không bị béo phì trước khi vào học tiểu học thì nguy cơ béo phì trong tương lai cũng thấp hơn.
2.5 Trẻ từ giai đoạn tiểu học đến trung học cơ sở
Thời gian này là thời điểm thói quen lối sống cơ bản của trẻ được thiết lập và đây là thời điểm quan trọng để ngăn ngừa sự khởi phát bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 trong tương lai. Trong thời niên thiếu, tình trạng kháng insulin tăng lên, vì vậy đây là thời điểm bệnh tiểu đường dễ có khả năng khởi phát.
– Thói quen lối sống: Trẻ nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng theo thực đơn ở trường. Tránh sử dụng các loại nước ngọt có chứa đường đơn. Khuyến khích trẻ nên chơi nhiều trò chơi có thể vận động cơ thể và giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Ở trường trung học cơ sở, tốt nhất là trẻ nên tham câu lạc bộ thể thao và cố gắng thiết lập thói quen tập thể dục.
– Đánh giá thể chất của trẻ: Đánh giá mỗi năm một lần. Vẽ đường cong tăng trưởng tiêu chuẩn, BMI, tính toán mức độ béo phì, đo chu vi vòng bụng. Vì BMI của trẻ sẽ tăng tại thời điểm này, giá trị không thể được sử dụng để đánh giá tình trạng béo phì. Khi sử dụng BMI, sử dụng thêm giá trị percentile. Trong các trường hợp sau đây, trẻ được đánh giá là có xu hướng béo phì.
(1) Trường hợp cân nặng vượt lên đường cong cân nặng tiêu chuẩn
(2) Trường hợp mức độ béo phì + 20%
(3) Trường hợp tỷ lệ chu vi vòng bụng/ chiều cao lớn hơn 0.5
Trong trường hợp trẻ có xu hướng béo phì, trẻ cần được hướng dẫn thay đổi thói quen lối sống, cách kiểm tra cân nặng tại nhà.
– Kiểm tra lâm sàng: Bắt đầu thực hiện kiểm tra lâm sàng khi trẻ khoảng 10 tuổi. Nội dung kiểm tra gồm: chỉ số đường huyết lúc đói, HbA1c, insulin, đường trong nước tiểu, thể ketone trong nước tiểu…và nếu muốn, có thể thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT).
2.6 Trẻ từ giai đoạn trung học phổ thông trở đi
Cùng với sự gia tăng của tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng tăng lên, việc theo dõi thường xuyên là cần thiết ngay cả khi trẻ không bị béo phì.
– Thói quen lối sống: Trẻ cần chú ý thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, duy trì vận động, không hút thuốc lá, đặc biệt là khi bắt đầu sống một mình.
– Đánh giá thể chất của trẻ: Đánh giá theo mức độ béo phì hoặc BMI. Nếu trẻ sau 17 tuổi 6 tháng có BMI 25 trở lên, được đánh giá là béo phì.
– Kiểm tra lâm sàng: Thực hiện khi trẻ học năm 1 trung học phổ thông và năm 1 đại học. Sau đó, sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Nếu nghi ngờ bị rối loạn chuyển hóa glucose, tăng insulin máu, trẻ nên thay đổi lối sống và rút ngắn khoảng cách giữa các lần kiểm tra lâm sàng.
Bài viết trên đã đưa ra những hướng dẫn về lối sống lành mạnh và những đánh giá thể chất của đứa trẻ sau sinh từ người mẹ mắc bệnh tiểu đường trước hoặc trong giai đoạn mang thai. Phương pháp theo dõi trẻ sau sinh là cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 của trẻ sau này.
Bạn đang xem bài viết: “Phương pháp theo dõi trẻ sau sinh ” tại Chuyên mục: “Tiểu đường thai kỳ“.
Gợi ý- Tìm hiểu chi tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/