Phụ nữ bị tiểu đường trước khi mang thai: Lưu ý xuất viện sau sinh
Mục tiêu của việc mang thai ở phụ nữ bị tiểu đường không phải là sinh con mà cả quá trình chăm sóc trẻ khoảng 20 năm cho đến khi đứa trẻ trở thành người lớn. Trong khoảng thời gian đó, việc kiểm soát đường huyết và điều trị biến chứng là rất cần thiết để các biến chứng tiểu đường không ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ.
Danh mục nội dung
1. Kiểm soát đường huyết sau sinh
– Kiểm soát qua lượng tiêm insulin trước sinh và sau sinh
Ở cuối thai kỳ, tình trạng kháng insulin xảy ra nặng hơn do ảnh hưởng của hormone từ nhau thai nên lượng tiêm insulin cần thiết ở thai phụ bị tiểu đường trước khi mang thai sẽ tăng 1.5~2 lần so với khi chưa mang thai. Sau khi sinh con, ảnh hưởng của hormone từ nhau thai không còn, phụ nữ bị tiểu đường cần khôi phục lại lượng tiêm insulin giống như trước khi mang thai. Nếu lượng tiêm insulin trước khi mang thai không cố định rõ ràng, hãy giảm lượng khoảng 1/2 và sau đó điều chỉnh phù hợp theo tình trạng bệnh.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc uống điều trị tiểu đường trước khi mang thai, hiện chưa có báo cáo nào chỉ ra rằng các loại thuốc uống điều trị bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ qua sữa mẹ, nhưng về nguyên tắc, trong thời gian cho con bú, phụ nữ bị tiểu đường nên điều trị bằng insulin.
– Kiểm soát trong giai đoạn cho con bú
Giai đoạn cho con bú có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc kiểm soát đường huyết của người mẹ. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ sơ sinh mà còn có hiệu quả giúp bảo vệ chống viêm nhiễm nhờ các globulin miễn dịch, thiết lập mối quan hệ tốt giữa mẹ và bé thông qua skinship (hình thức giao tiếp bằng sự tiếp xúc qua da). Và đương nhiên việc nuôi con bằng sữa mẹ luôn được khuyến khích ngay cả đối với những thai phụ bị tiểu đường.
Các chuyên gia y tế cần giải thích những lợi ích của việc cho con bú với phụ nữ bị bệnh tiểu đường và có những hướng dẫn cụ thể để phụ nữ bị tiểu đường có thể cho con bú an toàn. Một số lợi ích được nhắc đến khi nuôi con bằng sữa mẹ như: Việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp người mẹ giảm cân dễ hơn do năng lượng có thể tiêu thụ qua đường sữa mẹ (*), giúp giảm lượng đường trong máu và giảm lượng insulin cần thiết. Thêm vào đó, có báo cáo chỉ ra rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp phòng ngừa nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường ở đứa trẻ trong tương lai.
Chú ý:
+ Đối với trường hợp trẻ sinh ra từ thai phụ bị tiểu đường không được bú sữa mẹ trực tiếp do một số yếu tố như bị biến chứng, nhập viện chăm sóc trong lồng kính (NICU), người mẹ nên vắt sữa để cung cấp cho trẻ.
+ Những phụ nữ đang điều trị bằng insulin trong thời gian cho con bú thường có chỉ số đường huyết không ổn định nên chú ý tới tình trạng hạ đường huyết nguy hiểm có thể xảy ra.
(*) Người mẹ khi tiết ra 100 ml sữa sẽ tiêu thụ khoảng 80 kcal năng lượng. Phụ nữ đang cho con bú cần bổ sung ăn uống để tăng lượng năng lượng trong sữa mẹ. Trong “Tiêu chuẩn ăn uống của người Nhật Bản phiên bản 2015”, lượng năng lượng bổ sung ở phụ nữ đang cho con bú là 350 kcal. Lượng năng lượng bổ sung sẽ được quyết định dựa trên lượng sữa tiết ra, biến động cân nặng và việc kiểm soát đường huyết của người mẹ.
– Kiểm soát qua chế độ ăn uống
Người mẹ bị tiểu đường cần chú ý bổ sung ăn uống để tránh tình trạng hạ đường huyết sau khi cho con bú và trường hợp người mẹ điều trị tiêm insulin, nên ưu tiên bổ sung ăn uống hơn. Chế độ ăn uống ở người mẹ sẽ thay đổi vào từng giai đoạn nuôi con:
+ Chế độ ăn bổ sung trước khi cho con bú cần đầy đủ carbohydrate, protein và trường hợp người mẹ bị hạ đường huyết khi cho con bú, hãy bổ sung ngay glucose hoặc các loại đồ uống chứa đường để làm tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, khi cho con bú vào ban đêm, người mẹ cần bổ sung các chế phẩm từ sữa chứa protein trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên, bệnh tiểu đường cũng có những ảnh hưởng không tốt đến sữa mẹ. Kiểm soát đường huyết kém sẽ làm nồng độ glucose trong sữa mẹ tăng cao và dễ dẫn đến tình trạng viêm tuyến vú.
+ Giai đoạn người mẹ cho trẻ cai sữa, lượng sữa tiết ra sẽ giảm và lượng đường trong máu tăng lên. Tùy vào lượng sữa tiết ra, người mẹ bị tiểu đường cần điều chỉnh lượng thức ăn bổ sung phù hợp và cần tăng lượng insulin. Bên cạnh đó, phụ nữ bị tiểu đường cần duy trì kiểm soát tốt đường huyết sau khi cho trẻ cai sữa để chuẩn bị sức khỏe tốt cho lần mang thai tiếp theo.
Bài viết được quan tâm nhiều nhất:
2. Điều trị các biến chứng
Việc mang thai được biết đến là sẽ làm các biến chứng mãn tính của bệnh tiểu đường như bệnh võng mạc, bệnh thận chuyển biến xấu hơn.
– Biến chứng võng mạc: Thai phụ bị tiểu đường trước khi mang thai sẽ bị ảnh hưởng tạm thời bởi bệnh võng mạc tiểu đường và kéo dài trong vòng 1 năm sau khi sinh. Dù bệnh võng mạc tiểu đường chuyển biến xấu khi mang thai nhưng thai phụ không thể sử dụng Fluorescein để điều trị, do đó nếu cần thiết, sau khi sinh, phụ nữ bị tiểu đường cần tiếp nhận kiểm tra chụp mạch huỳnh quang và duy trì điều trị. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần kiểm soát đường huyết tốt để phòng ngừa biến chứng chuyển biến xấu hơn.
– Biến chứng thận tiểu đường: Bệnh thận tiểu đường nếu tiến triển trên mức độ trung bình thì sẽ thường bị chuyển biến xấu hơn khi phụ nữ mang thai. Trong điều trị bệnh thận do tiểu đường thường sẽ sử dụng các loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển angiotensin, chất đối kháng thụ thể angiotensin II, tuy nhiên những loại thuốc này có độc tính cao đối với thai nhi nên không thể sử dụng trong thai kỳ. Sau khi sinh, có thể sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin trong giai đoạn cho con bú. Liên quan đến việc dùng thuốc điều trị bệnh thận trong giai đoạn cho con bú, người mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận hướng dẫn cụ thể, chính xác.
Ngoài ra, nếu bệnh võng mạc và bệnh thận tiến triển xấu khiến người mẹ bị suy giảm thị lực và cần lọc thận thì sẽ gây khó khăn cho việc sinh và nuôi con. Trong trường hợp này, sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, người thân là rất cần thiết.
Những vấn đề thường gặp ở phụ nữ bị tiểu đường trước khi mang thai sau khi sinh là họ phải kết hợp tự quản lý đường huyết và chăm sóc con. Việc người mẹ phải bổ sung ăn uống để có nguồn sữa giàu dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát đường huyết, do đó người mẹ bị tiểu đường nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để nhận hướng dẫn về chế độ ăn uống và việc điều chỉnh insulin phù hợp.
Bạn đang xem bài viết: “Phụ nữ bị tiểu đường trước khi mang thai: Lưu ý xuất viện sau sinh” tại Chuyên mục: “Tiểu đường thai kỳ“.
Gợi ý – Tìm hiểu chi tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/