Vận động giúp giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ ở bệnh tiểu đường?
Danh mục nội dung
1. Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở bệnh nhân tiểu đường
1.1 Nguồn năng lượng đường không được sử dụng trong não
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Kyushu, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu với đối tượng là cư dân của Hisayama, tỉnh Fukuoka và kết quả cho thấy nếu những người mắc bệnh tiểu đường tiếp tục kiểm soát đường huyết không tốt, chứng teo não trong “vùng hải mã” của não có thể tiến triển. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng ở những người mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer cao gấp 2.1 lần so với người không mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân tiểu đường thường bị rối loạn chuyển hóa glucose, từ đó dẫn đến việc giảm khả năng xử lý đường trong não. Và khi nguồn năng lượng “đường” không được sử dụng trong “vùng hải mã” điều khiển bộ nhớ trong não dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ như bệnh Alzheimer. Khi thiếu đường, não sẽ hết năng lượng và không thể hoạt động tốt.
Những chất đường cần thiết cho hoạt động của não được lưu trữ dưới dạng glycogen, đây là nguồn năng lượng quan trọng để các dây thần kinh não bộ hoạt động. Khi hoạt động thần kinh được kích hoạt và nhu cầu năng lượng tăng lên, glycogen được phân hủy thành axit lactic và cung cấp cho các tế bào thần kinh. Hầu hết glycogen trong não được lưu trữ trong tế bào hình sao, một loại tế bào thần kinh đệm.
1.2 Việc giảm sử dụng axit lactic do mức độ biểu hiện MCT2 giảm
Axit lactic là một nguồn năng lượng quan trọng trong não. Cơ thể kiểm soát quá trình chuyển hóa axit lactic bằng chất vận chuyển monocarboxylate (MCT)*, trong đó “MCT2” nằm trong các tế bào thần kinh có chức năng hấp thụ axit lactic vào các tế bào thần kinh.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng axit lactic có nguồn gốc từ glycogen trong các tế bào thần kinh vùng hải mã là rất cần thiết để duy trì chức năng nhận thức. Việc giảm sử dụng axit lactic này là một yếu tố nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu của Giáo sư Soya Hideaki từ Khoa Giáo dục thể chất tại Đại học Tsukuba, Ông Atsushi Shima, Giáo sư Bruce S. McEwen tại Đại học Rockefeller ở Hoa Kỳ và Giám đốc Ignacio Torres-Aleman của Viện nghiên cứu Kahal ở Tây Ban Nha. Đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2 từ tình trạng chuyển hóa glucose trong não và chi tiết nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa “Diabetologia” do Hiệp hội Tiểu đường Châu Âu (EASD) phát hành.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh lượng lưu trữ glycogen và biểu hiện MCT2 ở vùng đồi thị giữa chuột mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và chuột khỏe mạnh.
Trong lộ trình sử dụng axit lactic thông thường, lộ trình cần thiết cho việc duy trì chức năng nhận thức của vùng hải mã, glycogen được phân giải thành axit lactic để đáp ứng với hoạt động thần kinh và sau đó axit lactic này được vận chuyển vào tế bào thần kinh thông qua MCT2.
Kết quả kiểm tra hai yếu tố trên đã cho thấy rằng ở vùng hải mã của chuột mắc bệnh tiểu đường có lượng lưu trữ glycogen lớn và mức độ biểu hiện MCT2 giảm.
Sự giảm vận chuyển axit lactic đến tế bào thần kinh do giảm biểu hiện MCT2 ở vùng hải mã là một yếu tố quan trọng gây suy giảm trí nhớ liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2 và dẫn đến làm tăng lượng lưu trữ glycogen.
* MCT có trong tất cả các tế bào trên khắp cơ thể và liên quan đến việc vận chuyển các chất như axit lactic và thể ketone.
>> Bài viết hữu ích được mọi người quan tâm nhiều: “Mối quan hệ giữa hội chứng suy giảm trí nhớ và bệnh tiểu đường“
1.3 Suy giảm nồng độ BDNF ở vùng hải mã và viêm các tế bào thần kinh
Nguyên nhân khác mà bệnh tiểu đường thúc đẩy sự khởi phát của chứng suy giảm trí nhớ là do suy giảm nồng độ BDNF ở vùng hải mã và viêm các tế bào thần kinh.
“BDNF” là yếu tố dinh dưỡng thần kinh xuất phát từ não và là một loại protein có nhiều trong vùng hải mã kích thích sự hoạt động của các tế bào thần kinh. BDNF thúc đẩy sự hình thành các tế bào thần kinh và các mạch máu nuôi não.
2. Vận động giúp giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ ở bệnh tiểu đường
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Tsukuba đã xác nhận rằng việc tập thể dục nhịp điệu với cường độ vừa phải giúp cải thiện quá trình chuyển hóa năng lượng trong não và ngăn chặn sự suy giảm trí nhớ. Họ chỉ ra rằng vận động có hiệu quả trong việc cải thiện sự chuyển hóa axit lactic.
Thử nghiệm với chuột bị tiểu đường tuýp 2, nhóm nghiên cứu đã xác nhận rằng một bài tập luyện vừa phải trong bốn tuần có thể cải thiện sự suy giảm trí nhớ liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2 ở chuột. Ở vùng hải mã của chuột mắc bệnh tiểu đường, khả năng vận chuyển axit lactic bị suy giảm, nhưng tình trạng này có thể được phục hồi bằng vận động.
Theo nhóm nghiên cứu của Giáo sư Soya Hideaki, khi cho nhóm chuột khỏe mạnh vận động sẽ có hiệu quả tăng cường chuyển hóa glycogen của vùng hải mã và cải thiện chức năng nhận thức.
Từ đó, nhóm nghiên cứu nghĩ rằng nếu những con chuột mắc tiểu đường tuýp 2 vận động thường xuyên thì cũng có thể cải thiện tình trạng glycogen ở vùng hải mã khó sử dụng và ngăn chặn sự suy giảm trí nhớ do bệnh tiểu đường.
Khi những con chuột mắc bệnh tiểu đường được cho 30 phút vận động vừa phải 5 ngày một tuần liên tục trong 4 tuần, hoạt động thần kinh đã được kích hoạt, glycogen ở cùng hải mã giảm và axit lactic trong vùng hải mã tăng lên. Vì vậy, nhóm nghiên cứu xác nhận rằng vận động giúp cải thiện chức năng nhận thức, thúc đẩy tăng glycogen ở cùng hải mã và khôi phục mức độ biểu hiện MCT2 bị giảm.
Tóm lại, kết quả từ những nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng việc suy giảm vận chuyển axit lactic có nguồn gốc glycogen qua MCT2 là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2 và tình trạng này có thể cải thiện bằng cách vận động với cường độ vừa phải trong 4 tuần. Thêm vào đó, vận động không chỉ giúp cải thiện kiểm soát đường huyết mà còn giúp loại bỏ các tổn thương não.
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm: “Nguy cơ phát triển chứng suy giảm trí nhớ tăng lên ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Vận động được chỉ ra là có hiệu quả cải thiện chuyển hóa axit lactic ở vùng hải mã trong não. Điều này tạo tiền đề cho việc phát triển phương pháp vận động hướng đến cải thiện não bộ của bệnh nhân tiểu đường tuýp 2“.
Bạn đang xem bài viết: “Vận động giúp giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ ở bệnh tiểu đường?” tại Chuyên mục: “Tin tức“.
Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)