Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day”

Cỡ chữ:
A A
Bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day” thường có chỉ số đường huyết biến động và có những biến chứng cấp tính xảy ra ngay cả khi việc kiểm soát đường huyết được duy trì. Tại bài viết này sẽ đưa ra những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day” để người bệnh có thể nhận biết cũng như có những biện pháp kịp thời.

1. Những chú ý của bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day”

Nếu bệnh nhân tiểu đường đột nhiên bị các bệnh khác ngoài bệnh tiểu đường, chỉ số đường huyết dễ bị biến động và các biến chứng cấp tính có thể xảy ra ngay cả khi việc kiểm soát đường huyết vẫn đang được duy trì đều đặn. Giai đoạn người bệnh ở trạng thái như vậy được gọi là giai đoạn mắc “sick day” (các bệnh khác ngoài bệnh tiểu đường). Trong những ngày này đòi hỏi bệnh nhân cần lưu ý đặc biệt trong quá trình điều trị bệnh. Bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day” cần chú ý tới những điều dưới đây.

1.1 Rối loạn chỉ số đường huyết

– Xu hướng tăng đường huyết

Xu hướng tăng đường huyết thường xảy ra vào những ngày bệnh nhân rơi vào tình trạng như cảm lạnh, tiêu chảy, sốt, đau bụng, chán ăn hoặc bị chấn thương và gãy xương.

Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày "sick day" 5
Bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day”- ngày bệnh nhân bị mắc các bệnh khác như cảm lạnh, tiêu chảy, sốt…cần phải lưu ý tới sức khỏe hơn

Lý do là bởi các bệnh và tình trạng như vậy dễ gây căng thẳng cho cơ thể và khiến một dạng hormone do căng thẳng như hormone steroid được tiết ra. Mặc dù hormone do căng thẳng có một mặt hữu ích giúp ngăn ngừa sự rối loạn của cơ thể trong giai đoạn cấp tính, nhưng mặt khác hormone này lại làm suy yếu chức năng của insulin và gây tăng đường huyết. Cơ thể sẽ tăng tiết insulin để làm giảm lượng đường trong máu, nhưng ở bệnh nhân tiểu đường thì lượng insulin tiết ra không đủ. Bởi vì vậy, lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường thường cao hơn trong những ngày mắc các bệnh này.

– Xu hướng hạ đường huyết

Vào những ngày sick day, bệnh nhân thường ăn ít hơn bình thường vì bị mất cảm giác ngon miệng. Trong trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc, nếu như lượng ăn ít đi mà vẫn tiêm hoặc uống thuốc với lượng bình thường thì sẽ dễ dàng xảy ra tình trạng hạ đường huyết. Ngoài ra, khi cơ thể bị mất nước, chức năng thận bị suy giảm dẫn đến thuốc không được bài tiết qua thận ra ngoài, các thành phần của thuốc vẫn còn tồn đọng trong cơ thể và sẽ tiếp tục làm giảm lượng đường trong máu.

Nói cách khác, có nhiều yếu tố khác nhau tác động tới sự biến động lượng đường máu (làm đường huyết tăng hoặc giảm bất thường) trong những ngày bệnh nhân tiểu đường mắc các bệnh khác.

>> Xem thêm bài viết hữu ích: “Điều trị hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường

1.2 Biến chứng cấp tính nguy hiểm có khả năng xảy ra

Mục đích của điều trị tiểu đường thông thường là để ngăn ngừa “các biến chứng mãn tính” (bệnh võng mạc, bệnh thận, xơ vữa động mạch,..) tiến triển chậm do tăng đường huyết trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng có những biến chứng gọi là “biến chứng cấp tính” tiến triển không cảnh báo trước. Thông thường các biến chứng cấp tính hiếm khi xảy ra, nhưng các biến chứng này có khả năng xảy ra vào những ngày sick day và nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

– Nhiễm toan ceton do tiểu đường

Đối tượng cần chú ý dễ xảy ra tình trạng này: Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, bệnh nhân đang điều trị tiểu đường tuýp 2 bằng liệu pháp insulin.

Điểm lưu ý trong phòng ngừa: Ngay cả khi bệnh nhân không ăn uống, không nên gián đoạn tiêm insulin.

Khi tác dụng của insulin không đủ hoặc khi chế độ ăn uống (carbohydrate) nhỏ, chất béo được sử dụng làm nguồn năng lượng trong cơ thế. Tại thời điểm đó, một chất gọi là thể ketone được hình thành trong gan và tích tụ trong máu (ketosis). Vì thể ketone có tính axit, nếu số lượng ketone có trong máu tăng lên, máu sẽ chuyển sang tính axit (nhiễm toan ceton). Tình trạng này được gọi là “ketoacidosis”, khi gặp tình trạng này, bệnh nhân thường xuất hiện tình trạng buồn nôn, đau bụng và nếu không được điều trị khẩn cấp thì có thể dẫn đến rối loạn ý thức, hôn mê.

Có nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm toan ceton, nhưng tình trạng nhiễm toan ceton thường dễ xảy ra khi bệnh nhân tiểu đường đang điều trị bằng insulin bị các bệnh khác ngoài bệnh tiểu đường và không có cảm giác ngon miệng. Bệnh nhân thường có suy nghĩ rằng “nếu không ăn bất cứ thứ gì thì lượng đường trong máu sẽ không tăng” nên thường tự quyết định việc tiêm insulin, dẫn đến làm gián đoạn việc tiêm insulin. Bệnh nhân tuyệt đối không được ngừng tiêm insulin. Ngay cả khi bệnh nhân không thể ăn uống, nên quyết định tăng hoặc giảm số lượng đơn vị insulin dựa trên việc tự đo đường huyết.

– Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu

Đối tượng dễ gặp tình trạng này: Bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Lưu ý trong phòng ngừa: Hấp thu đủ lượng nước.

Như đã giải thích trước đó, lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường có xu hướng cao trong những ngày sick day. Khi tăng đường huyết, áp suất thẩm thấu nước tiểu tăng, lượng nước trong cơ thể bài tiết cùng với nước tiểu và cơ thể bị mất nước. Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy và sốt cũng làm cơ thể dễ mất nước, bên cạnh đó việc giảm cảm giác thèm ăn trong những ngày sick day cũng khiến lượng nước từ việc ăn uống mà cơ thể chúng ta hấp thụ sẽ giảm, từ đó khiến tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi cơ thể thiếu nước, máu sẽ đặc hơn, do đó lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Tình trạng tăng đường huyết, mất nước cứ lặp lại thành vòng tròn không hồi kết và được gọi là “hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu”. Tình trạng này khiến lưu lượng máu của toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng, các chức năng của các cơ quan khác nhau suy yếu và bệnh nhân cần được điều trị kịp thời.

Người bệnh tiểu đường cao tuổi có lượng nước trong cơ thể thấp nên dễ bị mất nước hơn và khi bị mất nước, họ thường không cảm thấy khát nên tình trạng mất nước có thể trở nên nghiêm trong hơn. Vì vậy, khi bệnh nhân bị sốt hoặc không muốn ăn uống, hãy bổ sung đủ nước.

1.3 “Sick day” sẽ trở nên nặng hơn hoặc kéo dài

Ngay cả khi bệnh nhân tiểu đường không gặp những biến chứng cấp tính như trên, nhưng tình trạng tăng đường huyết sẽ làm sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân giảm, vì vậy khi bệnh nhân bị bệnh khác ngoài bệnh tiểu đường (sick day), các bệnh này có xu hướng nghiêm trọng hơn. Đôi khi bệnh nhân sẽ gặp phải những tình trạng nhiễm trùng khác trước khi khỏi bệnh, do đó bệnh nhân sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.

2. Quy tắc đối với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày sick day

Bệnh nhân tiểu đường hãy thực hiện các “quy tắc những ngày sick day” để ngăn ngừa những tình trạng khẩn cấp và có thể nhanh chóng phục hồi bệnh.

Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày "sick day" 1
Một số quy tắc đối với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày sick day

2.1 Quy tắc 1: Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường

Khi xuất hiện các triệu chứng nhẹ, bệnh nhân nên theo dõi khoảng một ngày. Nhưng nếu gặp một trong những triệu chứng dưới đây, bệnh nhân nên nhận tư vấn của bác sĩ và được điều trị thích hợp.

Những trường hợp bệnh nhân nên đi khám ngay lập tức:

  1. Các triệu chứng cơ năng như nôn mửa, tiêu chảy/đau bụng dữ dội, nhịp tim nhanh bất thường, khó thở,..Sốt cao (khoảng 39 °C hoặc cao hơn)
  2. Tăng đường huyết (khi lượng đường trong máu cao hơn 350 mg/dL. Xuất hiện đường trong nước tiểu)
  3. Bệnh nhân gần như không thể ăn uống
  4. Xuất hiện thể ketone trong nước tiểu
  5. Mặc dù tình trạng bệnh không nghiêm trọng như các mục từ 1 đến 5 ở trên, nhưng sự cải thiện của các triệu chứng mất nhiều thời gian.

2.2 Quy tắc 2: Nghỉ ngơi và uống đủ nước – cố gắng hấp thu carbohydrate

Cách đối phó cơ bản đối với các biến chứng cấp tính là nghỉ ngơi và làm ấm cơ thể. Khi cơ thể được nghỉ ngơi và giữ đủ ấm, bệnh nhân có thể ngăn ngừa tình trạng cạn kiệt thể chất và tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, bệnh nhân nên ăn nhiều thực phẩm dạng lỏng để ngăn ngừa mất nước, ngay cả khi không thèm ăn, nhưng hãy cố gắng bổ sung carbohydrate càng nhiều càng tốt để ngăn ngừa tình trạng ketosis. Ngoài ra, nếu vẫn bị nôn mửa và tiêu chảy, bệnh nhân cần cung cấp thêm các chất điện giải như muối.

Gợi ý những món ăn cho bệnh nhân vào những ngày sick day:

  • Hấp thu carbohydrate: súp đặc, cháo, cà tím hấp, udon,…
  • Bổ sung nước và chất điện giải: súp miso, súp rau, nước ép trái cây (trừ đồ uống lạnh và có ga).
  • Các giải pháp cải thiện tình trạng mất nước: Uống dung dịch bù nước đường uống có thể đồng thời bổ sung carbohydrate và chất điện giải có sẵn trên thị trường.

2.3 Quy tắc 3: Hiểu về tình trạng sức khỏe của bản thân

Kiểm tra tình trạng sức khỏe vài giờ một lần và xác định xem bệnh đã thuyên giảm hay nặng hơn.

Kiểm tra:

  • Nhiệt độ cơ thể: là dấu hiệu cho biết sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh như bệnh truyền nhiễm.
  • Lượng đường trong máu: Những ngày này, bệnh nhân thường bị rối loạn lượng đường trong máu, vì vậy việc tự đo đường huyết cũng là cách tự giám sát tình trạng sức khỏe của bản thân.
  • Đường trong nước tiểu: Nếu không tự đo lượng đường trong máu, mức độ tăng đường huyết được ước tính bằng cách đo lượng đường trong nước tiểu * .
  • Thể ketone trong nước tiểu : Dấu hiệu nhận biết nhiễm toan ceton (một que thử tương tự như que thử glucose trong nước tiểu có sẵn trên thị trường).
  • Cân nặng: Cẩn thận khi cơ thể giảm cân đột ngột, đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân đang bị mất nước.
Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày "sick day" 2
Bệnh nhân phải hiểu về tình trạng sức khỏe của bản thân

*Đo lượng đường trong nước tiểu không thể đánh giá chính xác tình trạng tăng đường huyết khi bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế SGLT2.

2.4 Quy tắc 4: Cần chú ý tới liều lượng thuốc đang dùng

Quy tắc thứ tư mà bệnh nhân cần chú ý là những việc cần làm nếu đang điều trị bệnh tiểu đường bằng thuốc.

– Đối với các trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 1

Trong trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, điều quan trọng nhất là ngay cả khi bệnh nhân không thể dùng bữa, không bao giờ được tự ý ngừng tiêm insulin. Bệnh nhân có thể liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn. Bệnh nhân nên tự đo đường huyết vài giờ một lần và tùy thuộc vào mức độ tăng đường huyết với thời gian tác dụng của insulin (loại insulin tác dụng ngắn và loại tác dụng nhanh) để điều chỉnh thêm hoặc bớt đơn vị tiêm insulin. Đây là cách phổ biến để kiểm soát lượng đường trong máu.

– Đối với các trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2

Phần dưới đây là những chỉ dẫn đối với từng loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là hướng dẫn để bệnh nhân tham khảo và bệnh nhân nên tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Bệnh nhân nếu giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc thì sẽ dễ bị tăng lượng đường trong máu và vì thế bệnh nhân có thể phải tạm thời thay thế điều trị bằng insulin. Do đó, cần phải theo dõi lượng đường máu thường xuyên bằng cách tự đo lượng đường máu và đo lượng đường trong nước tiểu, nếu tình trạng tăng đường huyết vẫn tiếp tục kéo dài không cải thiện, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

+ Nhóm thuốc Sulfonylureas, thuốc thúc đẩy sự bài tiết insulin tác dụng nhanh: Nhóm thuốc này có hiệu quả giúp làm tăng bài tiết insulin và giảm lượng đường trong máu, bệnh nhân có thể điều chỉnh liều lượng thuốc dựa theo lượng thức ăn hấp thụ. Nếu bệnh nhân có thể ăn nhiều như bình thường hoặc hơi ít hơn bình thường, hãy uống liều lượng thuốc như bình thường. Nếu bệnh nhân chỉ có thể ăn một nửa khẩu phần bình thường, hãy giảm một nửa liều lượng thuốc và nếu bệnh nhân thậm chí không thể ăn một nửa khẩu phần bình thường, hãy dừng thuốc (ngưng uống thuốc). Ngoài ra, ngay cả khi bệnh nhân dùng các loại thuốc “trước bữa ăn” (về nguyên tắc, thuốc thúc đẩy sự bài tiết insulin tác dụng nhanh được sử dụng ngay trước bữa ăn) thì vào những ngày sick day, bệnh nhân cũng có thể điều chỉnh liều lượng thuốc theo nhu cầu ăn uống của mình.

>> Video 3 phút học về bệnh tiểu đường: “Thuốc thúc đẩy bài tiết insulin cấp tốc”

+ Nhóm thuốc ức chế DPP-4: Nếu bệnh nhân có thể ăn bình thường, hãy uống nhóm thuốc này như lượng bình thường. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân uống thuốc khi không thể ăn uống đủ lượng thì tác dụng giảm đường huyết sẽ khá mạnh.

+ Nhóm thuốc Biguanide: Không nên dùng nhóm thuốc này (đặc biệt ở những người mắc bệnh thận và người cao tuổi), vì tình trạng mất nước trong những ngày sick day có thể gây ra tác dụng phụ nhiễm toan lactic.

+ Nhóm thuốc ức chế SGLT2: Ngừng dùng nhóm thuốc này và tham khảo ý kiến ​​bác sĩ, vì nhóm thuốc ức chế SGLT2 sẽ khiến tình trạng mất nước và ketosis chuyển biến xấu hơn vào ngày sick day.

+ Nhóm thuốc ức chế alpha-glucosidase: Ngừng dùng nhóm thuốc này vì dùng thuốc trong ngày sick day có thể làm các bệnh liên quan đến tiêu hóa như tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn và ngoài ra ngừng dùng thuốc cũng không làm đường huyết tăng quá cao

>> Video 3 phút học về bệnh tiểu đường: “Thuốc ức chế alpha glucosidase”

+ Nhóm thuốc Thiazolidine: Ngay cả khi ngừng dùng nhóm thuốc này, hiệu quả của thuốc sẽ vẫn còn và không gây ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu, do đó có thể ngừng sử dụng nhóm thuốc này trong ngày sick day.

+ Chất đồng vận thụ thể GLP-1: Trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng…nên ngừng dùng.

+ Chế phẩm insulin: Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đang điều trị bằng insulin cũng giống như bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, dù không thể ăn uống vào ngày sick day cũng không được tự ý dừng tiêm insulin. Nếu không thể ăn toàn bộ khẩu phần bình thường, có thể điều chỉnh với nửa lượng tiêm insulin so với bình thường. Sau đó, bệnh nhân nên kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách thường xuyên tự theo dõi đường huyết và tăng hoặc giảm vài đơn vị insulin theo kết quả đo. Để biết chi tiết cụ thể về lượng tiêm insulin, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.

3. Một số lưu ý khác đối với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day”

Ở mục 2 đã liệt kê bốn quy tắc đối với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day”, dưới đây sẽ đề cập tới một số chú ý khác đối với người bệnh.

3.1 Đặc biệt chú ý đến tình trạng mất nước vào mùa hè

Hiện nay, do sự nóng lên của toàn cầu nên mùa hè thường có nhiệt độ cao bất thường. Ngay cả khi bệnh nhân tiểu đường không mắc bệnh khác cũng cần cẩn thận về tình trạng mất nước.

Bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day” cần phải chú ý hơn và bổ sung nước ngay cả khi không cảm thấy khát.

Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày "sick day" 3
Bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day” cần phải chú ý hơn và bổ sung nước ngay cả khi không cảm thấy khát

3.2 Chú ý khi thay đổi địa điểm khám bệnh

Vui lòng cung cấp các thông tin sau khi bệnh nhân đến một cơ sở y tế khác để khám bệnh. Điều này cũng áp dụng đối với bệnh nhân mua thuốc không kê đơn tại nhà thuốc.

Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về: 

  • Bản thân bị tiểu đường
  • Tên thuốc đang được kê đơn (nếu bệnh nhân không biết tên thuốc, hãy mang theo vỏ thuốc hoặc hộp thuốc mà mình đang sử dụng)
  • Mang theo hồ sơ về tiến trình chăm sóc y tế hàng ngày (chẳng hạn như “Sổ tay y tế tự quản lý bệnh tiểu đường”)

3.3 Hãy nhớ các triệu chứng và biện pháp khắc phục tình trạng hạ đường huyết

Bệnh nhân chưa bao giờ bị hạ đường huyết dễ bị hạ đường huyết lần đầu vào những ngày mắc bệnh khác này. Khi bệnh nhân chưa bị hạ đường huyết trước đó, bệnh nhân cần hiểu nắm rõ kiến thức để nhận biết triệu chứng hạ đường huyết có thể xảy ra. Đôi khi các triệu chứng hạ đường huyết cũng giống như các triệu chứng thường xảy ra trong những ngày sick day và rất khó để phân biệt.

Triệu chứng phổ biến của hạ đường huyết: 

  • Tim đập nhanh và mạnh bất thường
  • Chân tay mềm nhũn, không có lực
  • Ra mồ hôi lạnh
  • Đau đầu
  • Hoa mắt
  • Người mệt mỏi
  • Mất tập trung
  • Dần dần bị mất ý thức
  • Khó nói
  • Hôn mê…

Triệu chứng của hạ đường huyết thường tiến triển nhanh, vì vậy nếu bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng hạ đường huyết, hãy bổ sung ngay lập tức glucose hoặc đường (ít nhất 10g), vì nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị hôn mê, mất ý thức và dẫn đến không thể tự xử lý.

3.4 Những điều gia đình bệnh nhân cao tuổi cần chú ý

Bệnh nhân cao tuổi thường dễ bị mất nước, tăng đường huyết, hạ đường huyết, ngoài ra, các triệu chứng ban đầu của các bệnh khác ở bệnh nhân cao tuổi thường không xuất hiện rõ ràng và ở người cao tuổi, chức năng nhận thức thường bị giảm nhẹ nên sẽ ảnh hưởng đến việc phán đoán chính xác. Gia đình bệnh nhân nên chú ý tới người bệnh hơn bình thường để hỗ trợ an toàn cho bệnh nhân và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày "sick day" 4
Những điều gia đình bệnh nhân cao tuổi cần chú ý

– Thúc đẩy bổ sung nước giúp tăng cường sức khỏe: Khuyến khích bệnh nhân cao tuổi nên uống nước thường xuyên, cách vài giờ một lần ngay cả khi bệnh nhân không khát.

– Kiểm tra lượng thuốc đã được điều chỉnh chưa: Bệnh nhân cao tuổi thường bị hạ đường huyết do hầu như họ vẫn dùng thuốc điều trị với liều lượng bình thường mặc dù không thể ăn nhiều.

– Xác nhận tình trạng bệnh nhân đang ngủ hay là bị hôn mê? Biến chứng cấp tính và hạ đường huyết đều dẫn đến hôn mê nếu bệnh nhân phát hiện muộn. Thoạt nhìn, bệnh nhân hôn mê dường như chỉ đang ngủ, nhưng nếu họ không thể phản hồi ngay cả khi bạn đã cố gắng gọi dậy thì ngay lập tức nên gọi xe cứu thương và điều trị y tế ngay lập tức.

Bạn đang xem bài viết:Những lưu ý với bệnh nhân tiểu đường ở những ngày “sick day” tại Chuyên mục:Sống cùng bệnh“.

https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)

Chia sẻ
Bài viết liên quan
Nới lỏng việc kiểm soát đường huyết ở người cao tuổi giảm các nguy cơ xảy ra do điều trị
Trước thực trạng điều trị quá mức cho bệnh nhân tiểu đường, khuyến cáo...
10 giải pháp chống say nắng dành cho người tiểu đường
Khi bắt đầu vào hè, rất nhiều người bị say nắng, trong trường hợp...
Tham khảo ngay cách hạ đường huyết cấp tốc không cần thuốc
Hiện tượng tăng đường huyết xảy ra khi lượng đường glucose trong máu bị...
Chỉ cần giảm 3% cân nặng cũng có thể cải thiện béo phì và tiểu đường
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, thừa cân và béo phì là một...
Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường cần trao đổi với bác sĩ nếu bị béo phì
Hiệp hội các nhà giáo dục tiểu đường Hoa Kỳ (ADDE) đưa ra cảnh...
Bệnh tiểu đường có lây không – tiểu đường lây qua đường nào?
Hiện nay, ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường ngày càng...
Nới lỏng việc kiểm soát đường huyết ở người cao tuổi giảm các nguy cơ xảy ra do điều trị
10 giải pháp chống say nắng dành cho người tiểu đường
Tham khảo ngay cách hạ đường huyết cấp tốc không cần thuốc
Chỉ cần giảm 3% cân nặng cũng có thể cải thiện béo phì và tiểu đường
Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường cần trao đổi với bác sĩ nếu bị béo phì
Bệnh tiểu đường có lây không – tiểu đường lây qua đường nào?
Xem nhiều nhất
Mới nhất
Bệnh nhân tiểu đường cần “Vitamin D” – Quan trọng cho việc xây dựng xương khỏe mạnh – 98% người Nhật thiếu “Vitamin D”
Hoạt động thể dục như đi bộ vào buổi chiều giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu – Những người mắc bệnh tiểu đường cần quan tâm đến lối sống hàng ngày
Chất xơ trong thực phẩm giúp giảm nguy cơ tiểu đường và béo phì bằng cách tạo ra axit béo ngắn, tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột
9 biện pháp phòng ngừa và cải thiện với “nấm chân” ở người bị tiểu đường – Vượt qua mùa hè nóng ẩm
Yoga giúp cải thiện tiểu đường và huyết áp cao, có tác động tích cực đến tâm lý và thích nghi với thay đổi trong thời đại sau dịch COVID
Người bị tiểu đường có sự lão hóa nhanh của não? Giảm đường huyết giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức đáng kể – “Bảy lối sống phòng ngừa”
Những lối sống chung của những người thành công trong “giảm cân” – Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
WHO thiết lập 5 mục tiêu toàn cầu cho bệnh tiểu đường nhằm Bảo vệ cuộc sống của những người mắc bệnh tiểu đường – Phản ứng chống lại sự gia tăng nhanh chóng của tiểu đường trên toàn thế giới
Chỉ 2 phút đi bộ sau bữa ăn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ngủ trưa dài làm tăng nguy cơ béo phì, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường