Người mắc đồng thời bệnh tiểu đường và ung thư có khả năng bị mất trí nhớ cao?
Danh mục nội dung
1. Yếu tố quan trọng nhất trong việc ngăn chặn chứng mất chứng trí nhớ là gì?
“Nghiên cứu JPHC” là một nghiên cứu đoàn hệ đa được thành lập với mục tiêu làm rõ mối quan hệ giữa các thói quen lối sống khác nhau và ung thư, bệnh tiểu đường tuýp 2, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… ở Nhật Bản.
Các nhóm nghiên cứu như Trung tâm nghiên cứu Ung thư Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Xã hội của Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa bệnh ung thư ở tuổi trung niên và bệnh tiểu đường với chứng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), chứng mất trí nhớ. Số lượng người tham gia là 1.244 người, họ cùng tham gia vào buổi kiểm tra sức khỏe tâm thần được tiến hành cho 12.000 người dân địa phương (cả nam và nữ) sinh sống trong khu vực quản lý của Trung tâm Y tế thành phố Saku, tỉnh Nagano.
Kết quả được công bố cho thấy ⅓ người bị chứng mất trí có thể ngăn chặn được bằng cách loại bỏ các yếu tố rủi ro. Quan trọng là phải phát hiện sớm chứng suy giảm nhận thức nhẹ – đây được coi là trung gian giữa trạng thái bình thường và bệnh mất trí nhớ, hay còn gọi là chứng mất trí nhớ giai đoạn đầu.
Bệnh tiểu đường được biết đến như là yếu tố gây nên cả chứng mất trí nhớ và ung thư, tuy nhiên trong các nghiên cứu từ trước đến nay, vẫn chưa có kết quả nhất quán về việc liệu ung thư có phải là yếu tố nguy cơ gây nên chứng mất trí nhớ hay không, cũng không có báo cáo nào về việc mắc cả hai bệnh ung thư và tiểu đường sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ mắc hội chứng suy giảm nhận thức nhẹ và bệnh mất trí nhớ.
Do đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát lấy đối tượng là người Nhật, với mục đích xem xét mức độ ảnh hưởng của việc mắc bệnh ung thư và tiểu đường ở tuổi trung niên đối với chức năng nhận thức của con người. Chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ và mất trí nhớ dựa trên sự chẩn đoán của bác sĩ và kết quả các xét nghiệm về trí nhớ và các chức năng nhận thức khác.
2. Mối liên hệ giữa việc mắc hai chứng bệnh tiểu đường và ung thư với việc tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ
Trong số 1.244 người tham gia buổi kiểm tra sức khỏe có 421 người được chẩn đoán bị suy giảm nhận thức nhẹ và 60 người mắc chứng mất trí nhớ. Nhóm nghiên cứu đã so sánh nguy cơ bị suy giảm nhận thức nhẹ và mất trí nhớ giữa nhóm đang mắc bệnh ung thư và tiểu đường với nhóm còn lại.
Kết quả là, nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở nhóm mắc bệnh tiểu đường cao hơn nhóm không mắc bệnh. Với những người đang mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ bị mất trí nhớ gấp 2,5 lần nhóm người không mắc bệnh.
Ngoài ra, khi so sánh giữa nhóm không mắc ung thư và tiểu đường, nhóm bị mắc đồng thời cả hai bệnh có nguy cơ suy giảm nhận thức cao gấp hơn 3 lần và nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hơn gấp 16 lần.
Vậy, liệu nguyên nhân có phải do tính kháng insulin?
Trong nghiên cứu này, người ta đã chứng minh rằng nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ và chứng mất trí nhớ tăng lên ở tuổi trung niên nếu mắc cả ung thư và tiểu đường.
Bệnh tiểu đường được cho là một yếu tố nguy cơ gây ra ung thư do làm tăng tính kháng insulin, đồng thời đã có báo cáo cho rằng tính kháng insulin tăng lên sau khi mắc ung thư.
Vì tính kháng insulin có liên quan đến cơ chế phát bệnh của chứng mất trí, nên có thể hiểu là nhóm mắc đồng thời bệnh ung thư và tiểu đường có tính kháng insulin cao hơn các nhóm khác, dẫn đến tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn tồn tại nhiều hạn chế như số lượng người tham gia tương đối ít, đa phần đều là cư dân địa phương, vì vậy kết quả nghiên cứu này không thể đại diện cho các vùng dân cư khác trong cả nước. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cần phải xem xét lại các kết quả và nghiên cứu thêm trong tương lai để cho kết luận chính xác nhất.
Bạn đang xem bài viết: “Người mắc cùng bệnh tiểu đường và ung thư có khả năng bị mất trí nhớ cao?” tại Chuyên mục: “Tin tức“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)