Tìm hiểu về loại đường là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa
Danh mục nội dung
- 1. Fructose là thủ phạm gây bệnh tiểu đường và béo phì?
- 2. Cần chú ý bảng thành phần dinh dưỡng khi sử dụng thực phẩm chế biến
- 3. Fructose không mang lại cảm giác no bụng
- 4. Hoa quả gần như không gây bệnh tiểu đường
- 5. Chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp sẽ là một lựa chọn thay thế
- 6. Chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp không làm tăng lượng đường trong máu
- 7. Tính an toàn của chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp đã được xác nhận
1. Fructose là thủ phạm gây bệnh tiểu đường và béo phì?
Một nghiên cứu đã được công bố trong tạp chí y khoa có tên “British Medical Journal” đã chỉ ra rằng “đường hoa quả (fructose)” có trong nước ngọt và các loại bánh kẹo,…không chỉ làm tăng lượng calo của thực phẩm mà còn làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh tim mạch.
Fructose có trong các loại thực phẩm tự nhiên khác nhau như trái cây và rau quả, nước ép trái cây, mật ong, nhưng phần lớn mọi người hấp thụ loại đường này từ nước ngọt như cola, nước trái cây và các loại thực phẩm chế biến như các loại bánh kẹo, đồ ngọt.
Lượng tiêu thụ fructose trên thế giới đang ngày càng tăng nhanh. Người Mỹ hấp thụ rất nhiều đường như fructose, cứ trong 4 người thì có 1 người hấp thụ 200kcal trở lên mỗi ngày và có 5% người dân Mỹ hấp thụ 500kcal trở lên một ngày. Lượng hấp thụ này tương ứng với 13~32 miếng khi chuyển thành đường khối (4g).
“Đường glucose-fructose syrup” được sử dụng như chất làm ngọt trong nhiều thực phẩm chế biến có vị ngọt như các loại bánh kẹo và các loại nước ngọt như nước trái cây và cola.
“Đường glucose-fructose syrup” được sản xuất từ tinh bột ngô là một loại đường được đồng phân chủ yếu từ fructose và glucose. Đây là loại đường có thể được sản xuất công nghiệp rất nhanh và giá rẻ, vì vậy nó được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm.
Hỏi đáp về cuộc sống của bệnh nhân tiểu đường❓
2. Cần chú ý bảng thành phần dinh dưỡng khi sử dụng thực phẩm chế biến
Carbohydrate có trong cơm, bánh mì và các loại rau củ như ngũ cốc, khoai tây và bí ngô là loại đường phức, trong khi đó fructose và glucose là loại đường đơn dễ hấp thụ. Fructose là loại đường có vị ngọt nhất trong số các loại đường và nếu tiếp tục dùng một lượng lớn sẽ dẫn đến tăng cân và béo phì.
Mọi người thường hấp thụ fructose từ sirô ngô (glucose-fructose syrup) có trong nước trái cây, bánh kẹo và gần như không hấp thụ fructose đơn chất. Phần lớn những loại thực phẩm chế biến có hàm lượng calo cao này thường rất ít chất dinh dưỡng và gây ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu.
“Người tiêu dùng nếu không xem xét bảng thành phần dinh dưỡng khi mua thực phẩm thì sẽ không thể biết thực phẩm nào có chứa fructose”, ông John Seben Piper từ trung tâm dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện St. Michaels ở Toronto, Canada cho biết.
Hướng dẫn chế độ ăn uống như của Hoa Kỳ khuyên mọi người không nên dùng quá nhiều fructose từ nước ngọt và bánh kẹo, nhưng không dễ để xác định được thực phẩm nào có chứa fructose.
Ông John Seben Piper chỉ ra rằng “Mọi người nên tạo thói quen xem xét kỹ bảng thành phần dinh dưỡng khi sử dụng sản phẩm chế biến. Ví dụ các loại thực phẩm được coi là tốt cho sức khỏe như nước ép rau củ và nước ép trái cây cũng chứa nhiều đường đến mức đáng ngạc nhiên”.
3. Fructose không mang lại cảm giác no bụng
Ông John Seben Piper đã kết hợp với Đại học Toronto phân tích 155 nghiên cứu kiểm tra xem fructose ảnh hưởng đến biến động đến chỉ số đường huyết như thế nào. Và kết quả đã cho thấy rằng nếu ăn quá nhiều fructose sẽ dẫn đến tăng giá trị HbA1c, tăng chỉ số đường huyết lúc đói và giá trị insulin lúc đói.
Fructose không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu vì loại đường này được chuyển hóa ở gan, tuy nhiên nó lại chuyển hóa thành chất béo trung tính trong gan và phần dư thừa được tích lũy dưới dạng chất béo. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng uống nước ngọt như cola có chứa loại đường như fructose ít nhất một lần một ngày sẽ dẫn đến tăng cân, béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nước ngọt với hàm lượng calo cao có chứa fructose không mang lại cảm giác no bụng nên mọi người thường không giảm lượng calo hấp thụ từ thức ăn. Do đó sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân.
4. Hoa quả gần như không gây bệnh tiểu đường
Điều đáng ngạc nhiên là fructose cũng chứa trong các loại hoa quả, nhưng người ta cũng chứng minh rằng các loại hoa quả gần như không gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc béo phì.
Hoa quả có chứa fructose được cho là không gây ảnh hưởng xấu đối với việc kiểm soát đường huyết nếu không cung cấp quá nhiều lượng calo dư thừa.
Bên cạnh fructose, trong hoa quả còn chứa chất xơ, vitamin, polyphenol và nhiều yếu tố dinh dưỡng khác có lợi cho cơ thể.
Tuy nhiên, cần chú ý tránh ăn quá nhiều vì nghĩ rằng “hoa quả không gây béo”, điều này không đúng.
Ví dụ, 100g cam có chứa lượng năng lượng là 39kcal và 9,8g carbohydrate (lượng tương đương đường đơn 7,1g). 100g dứa có chứa lượng năng lượng là 53kcal, 13,7g carbohydrate (lượng tương đương đường đơn 12,6g). 100g nho có chứa lượng năng lượng là 64kcal và 16,9 g carbohydrate (lượng tương đương đường đơn 17,0g).
Seben Piper nói rằng “Điều quan trọng là phải biết có bao nhiêu loại đường trong thực phẩm và hãy trở thành người tiêu dùng thông minh hơn”.
5. Chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp sẽ là một lựa chọn thay thế
Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy nước ngọt có hàm lượng calo cao và thực phẩm chế biến như bánh kẹo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì, nhưng chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp là một giải pháp cho vấn đề này, kết quả này được công bố tại “Hội nghị của Hiệp hội chất làm ngọt quốc tế (ISA)” được tổ chức ở Anh vào tháng 11/2018.
Các chuyên gia cho biết “Các chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp được sử dụng thay thế sucrose là an toàn để sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường và béo phì. Chất làm ngọt với hàm lượng calo thấp có hiệu quả để kiểm soát lượng calo và kiểm soát cân nặng”.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp giúp giảm lượng calo dư thừa bằng chế độ ăn uống và giúp giảm cân nặng cơ thể. Chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp có thể nâng cao chất lượng tổng thể của chế độ ăn uống”, Giá sư Adam Drewnowski- giám đốc của Trung tâm Dinh dưỡng Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Washington, Hoa Kỳ cho biết.
Phó giáo sư John Seben Piper của Đại học Toronto cho biết: “Chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp sẽ không gây giảm cân, nhưng ngoài ra người ta đã xác nhận rằng bằng cách thay thế chất làm ngọt này với các loại đường có hàm lượng calo cao, mọi người có thể điều chỉnh lượng calo của bữa ăn trong thời gian dài.
6. Chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp không làm tăng lượng đường trong máu
Giáo sư Hugo Laviada Molina thuộc Khoa Nội tiết lâm sàng tại Đại học Marist ở Mexico đã giới thiệu một ví dụ về việc sử dụng chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp để kiểm soát chế độ ăn uống của bệnh nhân tiểu đường. “Chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp không làm tăng lượng đường trong máu, là một chiến lược giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu là hiệu quả”, ông nói.
Giáo sư Ian Roland của Đại học Reading ở Anh đã đề cập đến ảnh hưởng của chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp đối với hệ vi khuẩn đường ruột.
Ông giải thích rằng “Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hệ vi khuẩn đường ruột có ảnh hưởng đến độ nhạy insulin. Nhiều chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp đi qua hệ tiêu hóa mà chưa được tiêu hóa. Chất làm ngọt này đến ruột, gặp vi khuẩn đường ruột và làm biến đổi sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột. ”
“Nhưng trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đã xác nhận rằng chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp không ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột nếu sử dụng thường xuyên”, Giáo sư Ian Roland nói.
7. Tính an toàn của chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp đã được xác nhận
Tính an toàn của chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp đã được xác nhận bởi các cơ quan an toàn thực phẩm của mỗi quốc gia. Các chuyên gia chỉ ra rằng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Ủy ban Chuyên gia Quốc tế về phụ gia thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liên tục xác nhận tính an toàn của chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp.
“Một chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp được xác nhận là an toàn nếu lượng hấp thụ được phê duyệt theo tiêu chuẩn về thực phẩm và đồ uống hiện tại, điều quan trọng là phải tuân thủ lượng có thể hấp thụ hàng ngày (ADI)” -Rebecca Lopez Garcia của Đại học bang Michigan cho biết.
Giáo sư Peter Rogers thuộc Khoa Tâm lý sinh học của Đại học Bristol cho biết: “Chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp là một công cụ hiệu quả để kiểm soát lượng calo hấp thụ vào. Khi tình trạng béo phì đang bùng nổ trên toàn thế giới, việc sử dụng hiệu quả chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp là một cách để giải quyết các vấn đề y tế cộng đồng này”.
Bạn đang xem bài viết: Hiểu rõ loại đường gây bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa tại Chuyên mục Ăn uống
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)