Yoga trị liệu bệnh tiểu đường có thực sự hiệu quả?
Danh mục nội dung
1. Bệnh tiểu đường và thói quen ít vận động
Bệnh tiểu đường là loại hình thức rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể khiến lượng đường trong máu luôn ở mức báo động, cao trong thời gian dài, và một phần khác đường bị đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Những triệu chứng đáng chú ý trong giai đoạn đầu là tăng khát, đi tiểu nhiều hơn, ăn nhiều hơn mà vẫn bị sụt cân, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi. Người bị bệnh tiểu đường thuộc phạm vi chứng tiêu khát của y học cổ truyền, sẽ liên quan đến việc rối loạn khí hóa của nhiều tạng phủ khác nhau, nhưng tác động quan trọng và trực tiếp nhất là Tỳ Vị.
Trong nhiều năm gần đây, người bệnh tiểu đường tuýp 2 ở những người trên 40 tuổi có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh những yếu tố về môi trường, ăn uống, thì yếu tố ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này. Qua nghiên cứu những nhà khoa học cho biết, ở nam giới việc tập thể dục đều đặn 5 lần mỗi tuần sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường chỉ còn phân nửa so với nhóm người chỉ tập thể dục một lần/tuần. Hằng ngày, rèn luyện thân thể, vận động cơ bắp giúp khí huyết lưu thông và là điều kiện cơ bản để giữ gìn sức khỏe. Riêng đối với người bị bệnh tiểu đường, sự vận động còn mang ý nghĩa đặc biệt. Bên Đông y cho rằng “Tỳ chủ hậu thiên” và “Tỳ chủ tứ chi và cơ nhục”, nghĩa là việc chuyển hóa thức ăn và vận động cơ bắp liên quan với nhau và liên quan trực tiếp tới việc khí hóa của Tỳ Vị. Khi người bị tiểu đường năng vận động cơ bắp, khí hóa của Tỳ Vị mới được bảo đảm và việc chuyển hóa thức ăn bao gồm chuyển hóa đường của bệnh nhân mới được cải thiện. Do đó, trong quá trình trị liệu bệnh tiểu đường, người bệnh phải tăng cường vận động, phù hợp với thể trạng của mình. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh là một trong những cách chữa trị bệnh tiểu đường và nhiều người nhờ đó mà không cần phụ thuộc vào thuốc để điều trị. Yoga là một trong những lựa chọn tập luyện đối với người tiểu đường. Yoga trị liệu bệnh tiểu đường mang nhiều hiệu quả tốt đối với người điều trị.
2. Một số tư thế Yoga trị liệu bệnh tiểu đường
Tư thế đầu tựa gối
Tư thế chuẩn bị: Ngồi thẳng lưng, hai chân duỗi thẳng ra phía trước.
Sẵn sàng tập luyện: Gập đầu gối phải lại và dùng 2 bàn tay kéo bàn chân phải vào sát đáy chậu, đầu gối phải ép sát mặt sàn. Chân trái vẫn ở tư thế duỗi thẳng, hai cánh tay giơ thẳng lên cao.
Từ từ gập người lại, cúi xuống, thở ra, vươn vai và hai tay ra phía trước, hai bàn tay ôm lấy cổ chân hoặc bàn chân. Giữ yên tư thế này trong một vài giây, ép người gần xuống đùi trái, đầu chạm vào đầu gối trái, chân trái vẫn thẳng, đùi phải và đầu gối vẫn giữ sát mặt sàn. Hít vào rồi từ từ nhấc đầu và thân lên, duỗi chân phải ra và trở về tư thế chuẩn bị.
Hít thở sâu hai đến ba lần rồi đổi chân, lặp lại động tác.
Tư thế căng giãn lưng
Tư thế chuẩn bị: Ngồi thẳng lưng, hai chân duỗi thẳng ra phía trước, hai bàn chân để sát cạnh nhau.
Sẵn sàng tập luyện: Khom người cúi xuống cho tới khi đầu chạm đầu gối, từ từ thở ra. Sau đó, cố đưa cánh tay thẳng ra tối đa và cố chạm vào bàn chân, người vẫn trong tư thế hai đầu gối thẳng, hai đùi vẫn ép xuống sàn. Dùng 2 bàn tay nắm lấy hai cổ chân hoặc đan chéo 2 bàn tay ôm lấy 2 bàn chân để lấy điểm tựa dễ dàng gập người lại. Thời gian đầu mới tập luyện tư thế này, có thể dùng một chiếc gối tựa trên 2 đùi để ép người xuống, 2 khuỷu chân không bị cong lên. Giữ yên tư thế này trong vài giây, sau đó hít vào, nhấc đầu và thân người lên, trở về tư thế chuẩn bị.
Tư thế rắn hổ mang
Tư thế chuẩn bị: Nằm sấp trên sàn, hai bàn tay úp xuống duỗi thẳng hai vai, các ngón tay hướng lên phía trên.
Sẵn sàng tập luyện: Hít vào, từ từ nâng đầu và ngực lên, cơ thể cong ra phía sau, đầu ngửa lên trần nhà, cằm đưa ra phía trước, sức nặng cơ thể đặt lên 2 bàn tay. Trong tư thế này, phần cơ thể từ rốn tới chân luôn luôn chạm vào mặt sàn, khi hít vào tối đa là lúc 2 khuỷu thẳng lên chống đỡ cơ thể. Giữ nguyên vị trí này trong vòng vài giây, sau đó thở ra buông lỏng 2 cánh tay, buông lỏng toàn thân rồi trở về tư thế chuẩn bị ban đầu.
Tư thế vặn cột sống
Tư thế chuẩn bị: Ngồi trên sàn, hai chân duỗi thẳng ra phía trước.
Sẵn sàng tập luyện: Gấp chân phải, đặt gót chân phải áp sát mông trái. Sau đó gập chân trái lại, đặt bàn chân trái phía ngoài đầu gối phải. Đầu gối trái đặt sát dưới nách phải. Duỗi tay phải ra để nắm cố chân trái hoặc nắm các ngón chân trái, hít vào từ từ. Quay mạnh tay trái về phía sau lưng đồng thời thân mình quay 90 độ về phía bên trái, bàn tay trái chạm xuống sàn làm chỗ tựa cho cơ thể. Giữ nguyên vị trí này trong vài giây, thở ra và từ từ buông lỏng toàn thân về tư thế chuẩn bị.
Tập tư thế này lần nữa với tư thế tay và chân chiều vặn ngược lại.
3. Tác dụng của các tư thế yoga trị liệu bệnh tiểu đường đối với người luyện tập
Tăng cường lưu thông khí huyết của người luyện tập và gia tăng chức năng khí hóa của Tỳ Vị
Những động tác vặn người, cúi gập và kéo giãn trong những bài tập Yoga được thực hành chậm rãi và mềm dẻo, không tốn nhiều năng lượng, không gây áp lực cho tim mạch nhưng lại có thể giải xơ cứng và tăng cường lưu thông khí huyết đến những nơi mà những hoạt động sinh hoạt hằng ngày không đủ tác động tới. Người bệnh hít thở sâu và luyện tập những động tác kéo giãn quanh bụng có tác dụng xoa bóp và kích thích lưu thông khí huyết đến các bộ phận ở vùng bụng như gan, mật, lá lách, dạ dày, tụy tạng. Tác động tốt tới tuyến nội tiết có nhiệm vụ sản xuất insulin (nằm ngay dưới dạ dày) để điều tiết lượng đường trong máu của người tiểu đường.
Như vậy, những tư thế trên không những làm gia tăng chức năng khí hóa của Tỳ Vị mà còn có tác động tích cực tới tuyến tụy để điều tiết sản xuất insulin kiểm soát lượng đường trong máu. Đây là một trong những nét đặc thù của Yoga trong việc tác động tuyến nội tiết tạo ảnh hưởng tốt đến cơ thể.
Tăng cường sinh lực cho việc chuyển hóa cơ bản trong cơ thể
Những động tác thực hiện có tác động kéo giãn cột sống theo các hướng khác nhau quanh thắt lưng có tác dụng giải tỏa ứ trệ xung quanh vị trí đốt sống thắt lưng và hoạt hóa luân xa 3. Luân xa 3 ở vị trí dưới đốt sống lưng thứ hai, là trung tâm năng lượng cung cấp sinh lực cho các chức năng sinh dục, hệ tiêu hóa và hệ bài tiết. Trong 7 luân xa chính của cơ thể thì luân xa 3 tiếp nhận vai trò làm chủ về sức khỏe vật chất, có vai trò quan hệ trực tiếp đến việc chuyển hóa chất đường trong cơ thể.
Điều hòa cảm xúc và giải tỏa trạng thái căng thẳng khi làm việc
Ngoài tác dụng thúc đẩy lưu thông khí huyết, kích thích và làm tươi trẻ hệ thần kinh dọc theo tủy sống thì những động tác căng giãn tối đa còn có tác dụng giãn cơ đối với cơ trơn tạo nên thành của các cơ quan nội tạng. Do tương tác qua lại giữa hệ thần kinh và cơ bắp thì việc thư giãn sẽ điều hòa thần kinh giao cảm, nội tiết, nội tạng và cơ thể tăng khả năng miễn nhiễm, hệ miễn dịch được cải thiện.
4. Những lưu ý đối với người bệnh khi tập yoga
– Đối với bệnh nhân chọn yoga trị liệu tiểu đường có thể tập 1 đến 2 lần mỗi ngày. Các tư thế có thể tập lặp lại trong mỗi buổi tập. Giữa các tư thế nên nghỉ ngơi bằng cách hít sâu 2 -3 lần, điều hòa hơi thở trước khi tập đến tư thế khác. Điều cốt yếu của hơi thở sâu không phải cố hít hơi thở dài, nhiều mà quan trọng phải thở ra chậm, từ từ, cố ép sát bụng dưới khi thở ra.
– Nên tập yoga lúc chưa ăn gì để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và dễ dàng thực hiện các động tác cúi, ngửa.
– Thực hành các động tác một cách chậm rãi, từ từ để tránh bị sái khớp, bong gân, những tổn thương khác do thực hiện sai tư thế. Tập lần đầu không thể có độ “căng giãn” hoặc “ép sát” như chuẩn mẫu nên người bệnh không nên quá cố gắng để thực hiện, dần dần sự chuẩn xác của động tác sẽ được phát triển dần qua thời gian.
– Sau mỗi buổi tập nên thực hành thư giãn từ 10 đến 15 phút để phát huy việc thu nhận và phân phối năng lượng thông qua các luân xa tác động tới việc trị liệu bệnh tiểu đường và tăng cường sức khỏe. Nên nằm thoải mái xuống sàn nhà hoặc trên thảm mỏng, hai tay duỗi dọc 2 bên thân, hít thở đều, thở ra chậm và dài hơn, tập trung tư tưởng quan sát hơi thở ra và vào. Tạo cho mình tư tưởng cả cơ thể và tinh thần đều buông lỏng.
– Người bị tiểu đường thai kỳ không nên tập các tư thế trong bài.
– Những động tác tập Yoga trên không có giá trị thay thế các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng, việc giảm liều lượng và thuốc phải phụ thuộc vào sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Ngoài việc lựa chọn yoga trị liệu bệnh tiểu đường, người bệnh nên tạo cho mình một thói quen sống lành mạnh, chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý giảm nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.
Bạn đang xem bài viết: “Yoga trị liệu bệnh tiểu đường có thực sự hiệu quả?” tại Chuyên mục: “Ngân hàng câu hỏi“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/