Đi tìm lời giải đáp: Bị bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ?
Trước tiên, muốn tìm hiểu bị bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì và do đâu mọi người lại dễ mắc bệnh này.
Danh mục nội dung
1. Tiểu đường tuýp 2 là gì?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 trước đây thường được gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin hay tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Cho đến nay, loại tiểu đường này là dạng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 85 – 90 % tổng số bệnh nhân tiểu đường.
Dù là loại bệnh thường gặp ở người lớn, nhưng hiện nay càng nhiều thanh niên, thậm chí là trẻ em cũng phát bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tiểu đường tuýp 2 là bệnh khởi phát do lối sống và có nhiều liên quan đến các vấn đề như cao huyết áp, mỡ máu, thừa cân, béo phì…
Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường kháng insulin, nghĩa là tuyến tụy vẫn tiết một lượng insulin nhất định nhưng insulin này không hoạt động hiệu quả như mong muốn. Tuyến tụy sẽ phản ứng lại bằng cách cố tạo thêm insulin, cuối cùng không thể tạo đủ để giữ cân bằng lượng đường trong máu và mức đường huyết tăng cao.
2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh tiểu đường tuýp 2
Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2, một số yếu tố có thể thay đổi được, một số khác thì không. Cùng điểm danh các nguyên nhân bệnh tiểu đường sau đây:
Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được gồm:
– Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường
– Tuổi tác – nguy cơ tăng khi tuổi càng cao
– Người bệnh có nguồn gốc là người dân đảo Torres Strait hay người bản địa Aboriginal
– Người bệnh có gốc gác là những sắc tộc có nhiều khả năng bị tiểu đường tuýp 2 như Melanesian (quần đảo Tây Nam Thái Bình Dương), Trung quốc, Polynesian hay từ tiểu lục địa Ấn độ
– Phụ nữ sinh em bé trên 4.5 kg hoặc từng bị tiểu đường thai kỳ khi mang thai
– Phụ nữ bị Hội chứng Đa Noãn sào (buồng trứng đa nang)
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:
– Lối sống (hoạt động thể chất, loại thức ăn thường dùng)
Chế độ ăn uống không khoa học, dư thừa chất béo, tinh bột, lười vận động thể chất… khiến tuyến tụy phải tăng cường hoạt động, lâu dần suy yếu chức năng, ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi glucose thành năng lượng.
– Cân nặng cơ thể
Đối với những người béo phì, cơ thể xuất hiện trạng thái bệnh lý đặc thù gọi là chất đề kháng insulin, sau một thời gian dài tuyến tụy phải hoạt động quá mức khiến cho chức năng sản xuất insulin suy giảm, người đó sẽ bị thiếu insulin.
– Cholesterol (mỡ trong máu)
Tác hại của máu nhiễm mỡ có thể là nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 2 và ngược lại. Mối liên hệ này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh, chỉ số triglyceride cao kết hợp cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường.
– Hút thuốc
Một số nghiên cứu đã chỉ ra, khói thuốc lá ảnh hưởng đến tình trạng kháng insulin cũng như giảm khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn những người không hút thuốc 14%.
Hiện nay, số lượng bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đang gia tăng nhanh chóng ở châu Á bao gồm cả Việt Nam và đây là một vấn đề đáng được quan tâm.
Nguyên nhân được cho là do thói quen ăn uống Tây hóa. Những thực phẩm từ phương Tây thường là loại thực phẩm có hàm lượng calo cao và dễ dàng tích lũy chất béo nội tạng. Bên cạnh đó thói quen lười vận động và rượu bia cũng ảnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, người Châu Á có lượng bài tiết insulin thấp hơn so với người phương Tây, do vậy, người Châu Á dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ngay cả khi bị béo phì nhẹ.
Thay đổi lối sống lành mạnh có thể hoãn việc điều trị bằng thuốc uống hoặc tiêm insulin. Tuy nhiên, nếu phải dùng đến thuốc hoặc insulin thì đây cũng là tiến trình tự nhiên của bệnh, dùng càng sớm nếu cần càng có thể giảm được các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.
3. Bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ do sự tiến triển của biến chứng
Theo số liệu thống kê trên thế giới, bệnh tiểu đường là 1 trong 3 bệnh gây tử vong cao nhất, đứng sau tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường tuýp 2 ít có nguy cơ tử vong do chính bệnh này (tình trạng tăng đường huyết) mà chủ yếu tử vong vì ảnh hưởng của biến chứng. Có thể nói, bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ phụ thuộc vào sự tiến triển của biến chứng, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các bệnh như: tim mạch, đột quỵ, suy thận, mù lòa, đoạn chi…Được biết 65% bệnh nhân tiểu đường tử vong là do biến chứng tim mạch.
– Bệnh thần kinh do tiểu đường
Bệnh thần kinh do tiểu đường là một biến chứng khi tình trạng tăng đường huyết ảnh hưởng xấu tới dây thần kinh tay và chân, gây ra cảm giác như đau, tê ở ngón chân, bàn chân và ngón tay.
Một số bệnh nhân có thể bị loét chân và nặng hơn bị hoại tử phải cắt bỏ chân. Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng sớm nên đi khám và điều trị kịp thời.
– Bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến mù lòa, nhưng đây là một trong những biến chứng tiến triển mà không có bất kỳ triệu chứng chủ quan nào. Bệnh nhân cần thực hiện kiểm tra đáy mắt ít nhất một năm một lần để phát hiện sớm.
Khi bệnh thận tiến triển, khả năng bài tiết chất thải của thận bị suy giảm, cuối cùng bệnh nhân cần phải điều trị lọc máu. Vì biến chứng này cũng tiến triển mà không có triệu chứng, nên người bệnh cần kiểm tra định kỳ chức năng của thận để phát hiện sớm.
– Xơ vữa động mạch (đột quỵ, bệnh tim)
Bệnh tiểu đường gây ra xơ vữa động mạch và là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ.
Ngoài kiểm soát bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần kiểm soát huyết áp cao, rối loạn lipid máu và béo phì để giảm xơ vữa động mạch. Sự kết hợp của bốn yếu tố liên quan đến lối sống này làm tăng nhanh tình trạng xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Do đó, bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ phụ thuộc vào cách kiểm soát bệnh của bản thân người bệnh, càng nhiều biến chứng xuất hiện, bệnh càng khó điều trị, cản trở cuộc sống của bệnh nhân và tăng nguy cơ tử vong.
4. Mức độ nặng nhẹ của bệnh tiểu đường tuýp 2 so với bệnh tiểu đường tuýp 1?
Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra do tuyến tụy mất khả năng sản xuất insulin, do đó khi bệnh nhân mắc bệnh các triệu chứng xuất hiện rất trầm trọng. Bệnh nhân có thể dễ dàng phát hiện và điều trị sớm nên giảm nguy cơ mắc các biến chứng sau này. Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh nhân có thể không biết mình mắc bệnh trong nhiều năm do bệnh tiến triển âm thầm, nhiều trường hợp có biến chứng ngay tại thời điểm chẩn đoán.
Rất khó so sánh bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ hơn bệnh tiểu đường tuýp 1, người bệnh cần hiểu rõ đặc điểm từng loại bệnh để tránh ảnh hưởng tới tâm lý, tác động xấu tới hiệu quả điều trị.
Nhìn chung, khi phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ kiểm soát bệnh tốt hơn và có thể ngăn ngừa các biến chứng bệnh tiểu đường. Có thể nói rằng: “Tiểu đường tuýp 2 nặng hay nhẹ phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân bệnh nhân”.
Bạn đang xem bài viết: “Bị bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ?” tại Chuyên mục: “Ngân hàng câu hỏi“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/