Cải thiện bệnh tiểu đường với chế độ ăn uống theo ‘kiểu tập trung bữa sáng’
Danh mục nội dung
- Bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì
- Chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” là gì?
- Chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” giúp giảm chỉ số đường huyết và liều lượng insulin
- So sánh chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” và chế độ ăn chia sáu bữa một ngày
Bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì
Chế độ ăn uống là một yếu tố để điều chỉnh đồng hồ sinh học, dựa trên chế độ và thời gian ăn uống mà nhịp điệu cơ thể được điều chỉnh phù hợp cho việc tập thể dục và nghỉ ngơi. Bữa sáng đóng vai trò hết sức quan trọng, là công tắc khởi động cơ thể và đầu óc để bắt đầu các hoạt động trong ngày. Đồng hồ sinh học được điều chỉnh bởi việc ăn uống sau một thời gian dài chưa ăn gì, có nghĩa là, bữa sáng giúp thiết lập lại đồng hồ cơ thể một cách dễ dàng.
Các nghiên cứu được báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng khi bỏ bữa sáng, hiệu suất học tập và làm việc sẽ giảm. Ngoài ra, có những báo cáo rằng những người có xu hướng ăn sáng ít hơn thường dễ bị béo phì hơn.
Ngay cả với cùng một lượng bữa ăn, hiệu quả chuyển hóa năng lượng cũng thay đổi tùy theo thời gian ăn uống. Tần suất bỏ bữa sáng càng nhiều thì số lần ăn đêm hoặc ăn vặt càng thường xuyên hơn và điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì.
Thời điểm ăn uống cũng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học. Bữa ăn cuối cùng trong ngày là bữa tối. Thời gian ăn tối muộn có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học và chuyển thành chế độ ăn theo “kiểu của người làm việc ban đêm”, gây ra rối loạn tinh thần và thể chất.
“Đồng hồ sinh học” là yếu tố chịu ảnh hưởng đặc biệt của chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng”. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng khi thay đổi chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng”, sự thèm ăn bị ức chế và lượng chất béo đốt cháy tăng lên.
>> Bài viết hữu ích liên quan: Uống sữa vào bữa sáng giúp giảm lượng đường trong máu cả ngày
Chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” là gì?
Đại học Tel Aviv của Israel, mới đây, đã công bố một nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” sẽ có hiệu quả giảm cân và giúp cải thiện kiểm soát đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu này được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Y tế Israel và đã được công bố tại Hội nghị thường niên lần thứ 100 của Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ (ENDO 2018) được tổ chức tại Chicago, Illinois.
Người béo phì và thừa cân thường có bữa ăn phổ biến theo kiểu “big dinner” với lượng calo hấp thụ dư thừa và ăn nhiều vào bữa tối. Nếu tạo thói quen ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống với lượng calo cao trong bữa sáng, lượng trung bình ở bữa trưa và ăn ít vào bữa tối thì ngay cả khi lượng calo hấp thụ hàng ngày là như nhau, mọi người có thể giảm cân dễ dàng hơn. Ở những người bị tiểu đường, chế độ ăn kiểu này sẽ giúp giảm lượng insulin cần thiết cho cơ thể và cải thiện kiểm soát đường huyết.
“Điều mà phần lớn mọi người quan tâm trong bữa ăn là loại thực phẩm nào nên ăn và hạn chế lượng calo như thế nào, nhưng quan trọng hơn, đó là thời gian và tần suất của các bữa ăn“, Giáo sư Daniel Ikanovic, Đại học Y khoa Tel Aviv cho biết.
Giáo sư Daniel Ikanovic chỉ ra rằng “Chức năng trao đổi chất của cơ thể chúng ta thay đổi trong suốt cả ngày, phản ứng với glucose khác nhau giữa việc ăn cùng một loại bánh mì cho bữa sáng và cho bữa tối. Việc ăn bánh mì bữa sáng mang lại hiệu quả giảm cân dễ hơn. Ở bệnh nhân tiểu đường thì có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu“.
>> Xem thêm: Bữa sáng dành cho người tiểu đường – người bị đái tháo đường nên ăn gì vào buổi sáng?
Chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” giúp giảm chỉ số đường huyết và liều lượng insulin
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trong 3 tháng với đối tượng là 18 nam và 11 nữ trong độ tuổi trung bình 69 tuổi bị bệnh tiểu đường tuýp 2, béo phì và đang điều trị bằng insulin. Những người tham gia được điều chỉnh chế độ ăn uống với cùng lượng calo và cân bằng dinh dưỡng trong ba tháng nhưng chia thành hai kiểu bữa ăn.
Nhóm đầu tiên tiếp tục điều trị chế độ ăn uống với lượng nhiều hơn vào bữa sáng, trung bình vào bữa trưa và ăn ít vào bữa tối. Nhóm thứ hai chia các bữa ăn trong ngày thành sáu lần ăn và tiếp tục chế độ ăn uống để cân bằng lượng calo hấp thụ.
Để nắm rõ sự gia tăng của chỉ số đường huyết đặc biệt là sau khi ăn, nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM) để kiểm tra sự biến động của đường huyết khi bắt đầu nghiên cứu, sau 2 tuần nghiên cứu và khi kết thúc nghiên cứu. Xét nghiệm máu và đo nồng độ insulin được tiến hành hai tuần một lần để điều chỉnh liều lượng insulin phù hợp.
Sau 3 tháng, nhóm tập trung vào bữa sáng đã giảm trung bình 5kg cân nặng. Chỉ số đường huyết lúc đói giảm 54 mg/dL (từ 161 xuống 107), chỉ số đường huyết trung bình giảm 29 mg/dL (từ 167 xuống 138) trong 2 tuần đầu và giảm 38 mg/dL (từ 167 xuống 129) sau 3 tháng.
Chỉ số đường huyết trung bình trong khi ngủ cũng được cải thiện và giảm 24 mg/dL (từ 131 xuống 107) bằng cách ăn sáng đầy đủ. Liều lượng insulin cũng giảm và lượng đơn vị mỗi ngày giảm 20.5 (từ 54.7 xuống 34.8).
Những vấn đề tin tức nổi bật về phương pháp điều trị bệnh tiểu đường:
So sánh chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” và chế độ ăn chia sáu bữa một ngày
Chế độ ăn chia sáu bữa một ngày cho người tiểu đường không có hiệu quả giảm cân như chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng”. Chế độ ăn chia sáu bữa một ngày đó là ngoài ba bữa chính sáng, trưa và tối bổ sung thêm 3 bữa nhẹ giữa các bữa chính. Lượng calo hàng ngày được chia trong 6 bữa và lượng một bữa ăn sẽ giảm. Nếu liên tục ăn các bữa nhẹ cứ sau vài giờ, chỉ số đường huyết bắt đầu giảm xuống sẽ lại tăng lên nên cảm giác đói bị ức chế và cân nặng cơ thể có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng nếu bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 dùng 6 bữa ăn một ngày thì sẽ không giảm cân nhiều như mong đợi và chỉ số đường huyết không giảm đến mức bình thường.
Cân nặng cơ thể tăng 1.4 kg trong 3 tháng, chỉ số đường huyết trung bình giảm từ 171mg/dL xuống 162 mg/dL trong 2 tuần đầu và giảm từ 171 xuống 154 mg/dL sau 3 tháng là kết quả của nhóm chia sáu bữa một ngày.
Ông Ikanovic nói “Điều quan trọng là sự giảm đường huyết đáng kể đã được nhìn thấy sau 2 tuần thực hiện ăn sáng đầy đủ ngay cả khi cân nặng không thay đổi so với ban đầu. Khi thay đổi việc phân chia lượng calo trong ba bữa ăn, kết quả thử nghiệm đã chứng minh rằng việc tăng lượng ăn vào bữa sáng sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng đối với sự biến động đường huyết“.
Bạn đang xem bài viết: Cải thiện bệnh tiểu đường với chế độ ăn uống theo “kiểu tập trung bữa sáng” tại Chuyên mục: “Ăn uống & Vận động”.
Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)