Điều trị bệnh tiểu đường – thuốc liên quan đến incretin
Danh mục nội dung
- 1. Bệnh tiểu đường – quá trình tiến triển và điều trị
- 2. Incretin
- 3. Thuốc liên quan đến incretin
- 4. Đặc trưng của thuốc liên quan đến incretin
- 5. Thuốc liên quan đến incretin “thuốc mới của tương lai”?
1. Bệnh tiểu đường – quá trình tiến triển và điều trị
1.1 Kiểm soát đường huyết để phòng ngừa biến chứng
Bệnh tiểu đường là một bệnh trong đó đường (glucose) trong máu tăng quá nhiều gây nên tình trạng “tăng đường huyết“. Tình trạng tăng đường huyết gần như không có triệu chứng, nhưng nếu tình trạng này kéo dài hơn một vài năm sẽ xuất hiện các “biến chứng” nguy hiểm. Đáng tiếc là y học hiện nay vẫn gặp khó khăn trong việc chữa khỏi hoàn toàn các biến chứng nên các biến chứng này có thể gây khuyết tật hoặc đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Ví dụ, mất thị giác, cần phải chạy thận nhân tạo, cắt chân, nhồi máu cơ tim và đột quỵ có thể xảy ra. Để các biến chứng như vậy không xuất hiện, việc điều trị “kiểm soát đường huyết” để hạ thấp lượng đường trong máu là cần thiết dù không có triệu chứng rõ ràng. Liệu pháp ăn uống và vận động của bệnh tiểu đường và điều trị bằng thuốc thông thường là các công cụ để kiểm soát đường huyết.
1.2 Ba nguyên nhân gây tăng đường huyết
Có ba nguyên nhân trực tiếp gây tăng đường huyết. Phần này sẽ giải thích 3 nguyên nhân cùng với biện pháp xử lý cho mỗi nguyên nhân.
1.2.1 Nguyên nhân 1: Lượng insulin tiết ra không đủ
Hormon làm giảm lượng đường trong máu được gọi là “insulin“. Insulin được tạo ra từ các tế bào β tuyến tụy. Khi ăn và bắt đầu tiêu hóa, glucose được hấp thụ vào cơ thể và lượng đường trong máu bắt đầu tăng lên, insulin được tiết ra để lượng đường trong máu không tăng quá nhiều. Nếu lượng insulin tiết ra không đủ, sẽ gây ra tăng đường huyết.
Biện pháp: Giảm khối lượng thực phẩm ăn hàng ngày để không làm tăng lượng đường trong máu ngay cả khi lượng insulin ít (liệu pháp ăn uống). Dùng thuốc tăng tiết insulin hoặc có thể tiêm bổ sung insulin.
1.2.2 Nguyên nhân 2: Hiệu quả insulin không tốt
“Tính kháng insulin” là tình trạng trong đó độ nhạy của cơ thể với insulin bị suy giảm. Chính vì tình trạng này, dù lượng insulin được tiết ra đủ nhưng tình trạng tăng đường huyết vẫn xảy ra. Đây thường được xem là nguyên nhân gây tăng đường huyết ở người thừa cân.
Biện pháp: Tăng độ nhạy với insulin bằng liệu pháp vận động. Nếu bệnh nhân bị thừa cân, nên giảm cân. Ngoài ra có thể dùng thuốc cải thiện tính kháng insulin.
1.2.3 Nguyên nhân 3: Lượng glucagon quá nhiều
Nếu insulin giúp làm giảm lượng đường trong máu thì “glucagon” được tạo ra trong tế bào của tụy là một loại hormon làm tăng lượng đường trong máu. Lượng tiết glucagon ở người khỏe mạnh sẽ tăng khi lượng đường trong máu giảm và giảm khi lượng đường trong máu tăng lên. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, khi lượng đường trong máu tăng lên, lượng tiết glucagon không giảm mà thậm chí tăng lên, đó là nguyên nhân thứ ba gây tăng đường huyết.
Biện pháp: Biện pháp xử lý nguyên nhân 1 và 2 gián tiếp trở thành biện pháp xử lý cho nguyên nhân 3, nhưng không có biện pháp xử lý trực tiếp.
1.3 Vấn đề chưa được giải quyết trong điều trị bệnh tiểu đường cho đến nay
Để xử lý nguyên nhân gây tăng đường huyết nêu trên, cho đến nay đã có nhiều loại thuốc khác nhau được tung ra và đã có hiệu quả giải quyết những nguyên nhân đó. Tuy nhiên, dưới đây là bốn vấn đề vẫn chưa được giải quyết trong một thời gian dài.
1.3.1 Lo lắng về hạ đường huyết khi tăng tiết insulin
Uống thuốc làm tăng tiết insulin và tiêm insulin từ lâu đã được sử dụng như một biện pháp xử lý nguyên nhân 1 của tăng đường huyết, nhưng vẫn luôn có lo lắng về tình trạng lượng đường trong máu quá thấp (hạ đường huyết) như một tác dụng phụ. Lượng đường trong máu giảm theo thời gian sau khi ăn nhưng cũng có những loại thuốc hoạt động độc lập với lượng đường trong máu.
1.3.2 Cân nặng có xu hướng tăng khi tăng tiết insulin
Nếu lượng insulin dư thừa trong cơ thể, người bệnh sẽ trở nên đói và ăn nhiều hơn, do đó cân nặng sẽ tăng, tính kháng insulin trở nên mạnh hơn và kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn. Đường huyết tăng dẫn đến xơ vữa động mạch có thể tiến triển nhanh hơn.
1.3.3 Sự tiết Glucagon không kiểm soát
Cho đến nay, chưa có loại thuốc nào giúp hạn chế tốt sự tiết glucagon bất thường.
1.3.4 Không thể ngăn chặn sự giảm tế bào β
Một vấn đề lớn chưa được giải quyết là “không thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tiểu đường”. Cụ thể, không có cách nào để ngăn các tế bào β tạo ra insulin của tuyến tụy giảm dần theo thời gian do bệnh tiểu đường và để tăng các tế bào β.
Bệnh nhân cần nắm rõ các kiến thức cơ bản sau để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường:
2. Incretin
Khi đường huyết tăng cao, một loại hormon gọi là “incretin” làm tăng sự tiết insulin và giảm tiết glucagon được giải phóng. Đây là một hormon tiết ra chủ yếu từ tá tràng và ruột non khi chúng ta ăn và nó hoạt động trên tuyến tụy để thúc đẩy tiết insulin và đồng thời ức chế tiết glucagon. Loại hormon này không hoạt động nhiều khi lượng đường trong máu thấp. Nói cách khác, incretin hoạt động như một điều phối viên, có chức năng giảm lượng đường trong máu khi đường huyết bắt đầu tăng lên và khi lượng đường trong máu giảm xuống, incretin này vẫn làm giảm lượng đường máu nhưng không giảm quá nhiều. Kết quả là, lượng đường trong máu được kiểm soát ổn định mà không quá thấp.
Incretin với cơ chế phức tạp như vậy không hoạt động hiệu quả ở bệnh nhân tiểu đường. Do đó, ở bệnh nhân tiểu đường, insulin vẫn được tạo ra trong các tế bào β tuyến tụy nhưng không được tiết ra và sự tiết glucagon từ tế bào không bị ức chế. Đó là lý do tại sao lượng đường trong máu tăng lên.
Đương nhiên, nghiên cứu về vấn đề liệu incretin này có thể làm thuốc không đã được thực hiện trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do incretin trong cơ thể có chu kỳ bán rã ngắn (thời gian để đạt nửa tác dụng) nên incretin không trở thành thuốc.
3. Thuốc liên quan đến incretin
Một loại thuốc giúp giải quyết điểm yếu “hiệu quả chỉ kéo dài một vài phút” của incretin đã được phát triển. Có loại thuốc uống và thuốc tiêm, cả hai đều được gọi là “thuốc liên quan đến incretin”.
3.1 “Nhóm thuốc ức chế DPP 4”- ức chế sự phân giải của incretin
Incretin bị phân giải bởi enzyme DPP-4. Nếu ức chế chức năng của DPP-4, hiệu quả của incretin sẽ kéo dài. Thuốc có tác dụng như vậy là nhóm thuốc ức chế DPP-4. Bằng cách dùng 1~2 lần một ngày, hiệu quả incretin có thể được duy trì ổn định trong 24 giờ.
3.2 Incretin “tương tự GLP-1” với cấu trúc nâng cao
Có hai loại incretin là GIP và GLP-1, nhưng GLP-1 phù hợp hơn để điều trị bệnh tiểu đường. Đó là thuốc tương tự GLP-1 có cấu trúc khác với GLP-1 (thay đổi trình tự axit amin) và không dễ bị phân giải bởi DPP-4. Tương tự có nghĩa là “gần giống”, nó không phải là GLP-1 nhưng gần như cùng một tác dụng. Bệnh nhân có thể tự tiêm theo số lần đã quy định.
Xem thêm một số nghiên cứu trong cách chữa bệnh tiểu đường:
4. Đặc trưng của thuốc liên quan đến incretin
4.1 Từ “thuốc hạ đường huyết” thành “thuốc điều trị tiểu đường”
Người ta cho rằng các loại thuốc liên quan đến incretin sẽ thúc đẩy việc điều trị bệnh tiểu đường hiện nay. Lý do có sự kỳ vọng về hiệu quả của thuốc này chủ yếu là từ năm đặc trưng sau.
4.1.1 Giảm lo lắng về hạ đường huyết
Các loại thuốc thúc đẩy bài tiết insulin có hiệu quả trong việc giảm mạnh chỉ số đường huyết, nhưng khi dùng các loại thuốc này, bệnh nhân cần chú ý đến hạ đường huyết. Tuy nhiên, tác dụng kích thích việc tiết insulin của thuốc liên quan đến incretin chỉ phát huy khi lượng đường trong máu cao và thuốc sẽ không có tác dụng nếu lượng đường trong máu giảm xuống. Do đó, việc gây hạ đường huyết ở thuốc này ít xảy ra.
Chú ý: Tuy nhiên, khi sử dụng kết hợp với các thuốc thúc đẩy sự tiết insulin khác (chủ yếu là thuốc SU), có thể xảy ra hạ đường huyết. Do đó, khi dùng thêm thuốc liên quan đến incretin với thuốc SU, lượng thuốc SU theo chỉ định thường giảm.
Xem thêm video 3 phút học về bệnh tiểu đường: “Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường bằng thuốc – Thuốc Sunfonylurea (SU)”
4.1.2 Không làm tăng cân, giúp giảm cân
Các loại thuốc liên quan đến incretin giúp thúc đẩy sự tiết insulin theo lượng đường trong máu, nên không làm tăng cân. Ngoài ra, thuốc có liên quan đến incretin (đặc biệt là thuốc tương tự GLP-1) cũng có tác dụng hỗ trợ giảm cân.
4.1.3 Giảm lượng đường trong máu một cách tự nhiên hơn
Do thuốc có hiệu quả ức chế tiết glucagon nên giúp giảm lượng đường trong máu ở dạng tự nhiên hơn. Ngay cả trong tình trạng insulin tiết ra dư thừa do tính kháng insulin và sự tiến triển xơ vữa động mạch, thuốc liên quan đến incretin vẫn có hiệu quả giảm lượng đường trong máu bằng cách ức chế glucagon tiết ra mà không làm các tình trạng trên chuyển biến xấu.
4.1.4 Không làm giảm tế bào β, giúp tăng tế bào β
Nếu tiếp tục kích thích các tế bào β của tuyến tụy với thuốc SU để tăng tiết insulin, chức năng của tế bào này có thể giảm nhanh. Tuy nhiên, các thuốc liên quan đến incretin chỉ kích thích sự tiết insulin khi cần thiết, vì vậy có thể nói rằng đây là một loại thuốc nhẹ đối với các tế bào β của tuyến tụy.
Điều đáng chú ý hơn nữa là các thuốc liên quan đến incretin (đặc biệt là các thuốc tương tự GLP-1) có tác dụng tăng các tế bào β. Đây là kết quả khi thử nghiệm trên động vật, thời gian tới sẽ xác nhận hiệu quả đối với con người, nhưng đây là một kết quả chưa hề có trước đây. Nếu các loại thuốc thông thường là “thuốc hạ đường huyết” để điều trị triệu chứng tăng đường huyết thì thuốc liên quan đến incretin là “thuốc điều trị bệnh tiểu đường” gần với liệu pháp dựa vào nguyên nhân bệnh hơn.
4.1.5 Khả năng có hiệu quả trực tiếp trong việc phòng ngừa các biến chứng
Đặc trưng thứ năm này vẫn cần xác minh, tuy nhiên loại thuốc này được kỳ vọng có hiệu quả trực tiếp giúp bảo vệ tim và não- những bộ phận dễ xuất hiện biến chứng của bệnh tiểu đường. Ví dụ, GLP-1 giúp thu hẹp phạm vi nghẽn mạch khi nhồi máu não xảy ra và ức chế sự suy giảm chức năng tim sau khi nhồi máu cơ tim xảy ra.
4.2 Người có thể dùng thuốc liên quan đến incretin
Một đặc trưng khác của thuốc liên quan đến incretin là phần lớn mọi người đều có thể dùng thuốc này. Đây là loại thuốc có thể sử dụng cho hầu hết bệnh nhân. Thuốc giúp giảm lượng đường trong máu trong các trường hợp khác nhau, chẳng hạn như trong điều trị ban đầu sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường hay được dùng bổ sung khi một loại thuốc khác không còn hiệu quả nữa. Cũng có ý kiến cho rằng nên bắt đầu sử dụng thuốc này càng sớm càng tốt để kỳ vọng hiệu quả đáng mong đợi của thuốc mang lại là bảo vệ các tế bào β và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tiểu đường.
Sự khác biệt giữa nhóm thuốc ức chế DPP-4 và thuốc tương tự GLP-1 thì ngoài sự khác nhau một loại là thuốc uống (DPP-4) và một loại là thuốc tiêm (GLP-1), thuốc tương tự GLP-1 được biết là có hiệu quả mạnh hơn.
5. Thuốc liên quan đến incretin “thuốc mới của tương lai”?
5.1 Tác dụng phụ
Thuốc liên quan đến incretin cũng có một số tác dụng phụ. Ở thuốc tương tự GLP-1, tình trạng buồn nôn và tiêu chảy xảy thường xảy ra trong 2 tháng đầu sử dụng, nhưng không phải tất cả các trường hợp dùng thuốc đều có tác dụng phụ này. Không có tác dụng phụ cụ thể nào được báo cáo về nhóm thuốc ức chế DPP-4. Tuy nhiên, đây không phải là một loại thuốc tương đối mới, vì vậy không thể phủ nhận khả năng tác dụng phụ sẽ được tìm ra và công bố trong tương lai.
5.2 Liệu pháp ăn uống và liệu pháp vận động là cơ sở trong điều trị. Điều này không thay đổi
Mục bổ sung là ” Liệu pháp ăn uống và liệu pháp vận động là cơ sở trong điều trị tiểu đường”. Khi sử dụng các loại thuốc liên quan đến incretin không có nghĩa là không cần thực hiện liệu pháp ăn uống và liệu pháp vận động.
Xin đừng quên rằng hiệu quả của thuốc liên quan đến incretin sẽ trở nên hiệu quả hơn chỉ khi bệnh nhân duy trì thực hiện liệu pháp ăn uống và liệu pháp vận động.
Bạn đang xem chuyên mục: “Điều trị bệnh tiểu đường – thuốc liên quan đến incretin” tại Chuyên mục: “Sống cùng bệnh“.
Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)