Tiểu đường tuýp 1 2 là gì? So sánh bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2
Danh mục nội dung
1. Thống kê số bệnh nhân tiểu đường ở Nhật Bản
Theo “Khảo sát về thực trạng bệnh tiểu đường” do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản thực hiện năm 2008, kết quả đã chỉ ra rằng có 10 triệu người bị nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường ở Nhật Bản, và nếu tính cả những người chắc chắn bị bệnh tiểu đường thì con số lên đến 20 triệu người.
Ngoài ra, trong số những người bị nghi ngờ có bệnh tiểu đường thì tỷ lệ người đang được điều trị là 76,6% và số người được điều trị đang ngày càng gia tăng.
2. Bệnh tiểu đường có thể được chia thành 4 loại
Bệnh tiểu đường là căn bệnh mà khả năng tiết hormon insulin để làm giảm lượng đường trong máu bị suy giảm dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu cao kéo dài. Do bệnh tiểu đường là bệnh một khi khởi phát thì người bệnh không thể trở về trạng thái bình thường ban đầu nên điều quan trọng là cần xem lại lối sống và nỗ lực kiểm soát đường huyết. Bệnh tiểu đường được phân thành 4 loại, mỗi loại đều có nguyên nhân khác nhau.
Bệnh tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1 nói đơn giản là bệnh tự miễn dịch. Đây là bệnh mà tế bào beta của tuyến tụy – nơi tạo ra insulin bị phá hủy do hoạt động nhầm lẫn của tế bào Lympho.
Đây là bệnh không liên quan đến yếu tố di truyền và thói quen lối sống, nhưng người ta cho rằng việc nhiễm virus từ trước sẽ kích hoạt sự hoạt động nhầm lẫn của tế bào Lympho.
Khi bị bệnh tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy không thể tiết ra insulin hoặc chỉ có thể tiết được một lượng nhỏ. Nếu không có insulin, glucose không thể được chuyển đến tế bào, đường sẽ tràn vào mạch máu. Ban đầu, đường này được sử dụng như một nguồn năng lượng, tuy nhiên nếu có quá nhiều đường trong mạch máu, lượng đường này sẽ tích lũy trong các thành mạch máu và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về tim, thận, mắt, thần kinh,…
Bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là 1 căn bệnh chủ yếu do rối loạn lối sống. Đây là bệnh xảy ra do chế độ ăn uống với hàm lượng calo cao, nhiều chất béo, thiếu vận động và do sự giảm tiết insulin hoặc tác dụng của insulin không hiệu quả khiến lượng đường trong máu tăng cao. Ở giai đoạn đầu của bệnh thường rất ít triệu chứng cơ năng và cũng có trường hợp lượng đường trong máu cao kéo dài. Khi tình trạng tăng đường huyết xảy ra, glucose còn lại trong máu tác động xấu đến tuyến tụy, làm giảm lượng tiết insulin và giảm hiệu quả của insulin đến các mô như gan và cơ bắp hoặc gây ra tình trạng kháng insulin. Kết quả là, các mạch máu và dây thần kinh bị tổn thương và dẫn đến các biến chứng khác nhau xảy ra. Trước khi biến chứng xảy ra, điều quan trọng là kiểm soát lượng đường trong máu và cải thiện sự thiếu hiệu quả của insulin.
Tiểu đường thứ phát
Đây là bệnh không phải khởi phát do sự tự miễn dịch như bệnh tiểu đường tuýp 1, cũng không phải khởi phát bởi lối sống như bệnh tiểu đường tuýp 2 mà là bệnh có một bản chất khác. Tiểu đường thứ phát là bệnh tiểu đường do các bệnh khác gây ra. Mặc dù có nhiều loại bệnh kích hoạt sự khởi phát của bệnh tiểu đường thứ phát như bệnh gan, bệnh tuyến tụy, bệnh Graves, hội chứng Cushing, bệnh di truyền,…nhưng tiểu đường thứ phát còn có thể xảy do các tác dụng phụ của steroid dùng để điều trị. Có thể tiến hành điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2 bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống, tuy nhiên đối với bệnh tiểu đường thứ phát, do bệnh nhân cần được điều trị song song với việc điều trị bệnh ban đầu gây ra tiểu đường thứ phát nên việc điều trị là rất phức tạp. Nếu việc điều trị bệnh ban đầu không hiệu quả thì cũng có trường hợp phát triển thành bệnh tiểu đường tuýp 1 và cũng có trường hợp tuyến tụy không thể tiết ra insulin, do đó đây là một căn bệnh rất đáng sợ.
Tiểu đường thai kỳ
Trong thời gian mang thai, tình trạng thể chất của thai phụ thường thay đổi rất nhiều và nhiều vấn đề khác nhau có thể xảy ra. Trong số đó, tiểu đường thai kỳ là căn bệnh thai phụ cần chú ý đặc biệt. Tiểu đường thai kỳ là bệnh mà chỉ số đường huyết của thai phụ tăng cao hơn mức tiêu chuẩn do sự rối loạn chuyển hóa đường xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Ở Nhật Bản, 7-9% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, trường hợp phụ nữ mang thai khi đã bị bệnh tiểu đường không gọi là bệnh tiểu đường thai kỳ. Vì những loại bệnh tiểu đường khác thường nặng hơn bệnh tiểu đường thai kỳ nên cần phải kiểm soát đường huyết chính xác hơn. Bệnh tiểu đường thai kỳ được cho là có thể do các yếu tố như tiền sử gia đình có người bị bệnh, béo phì, tiền sử sinh trẻ quá cân hoặc trẻ khuyết tật bẩm sinh, đã từng sinh non, thai chết lưu mà không rõ nguyên nhân, mang thai khi tuổi cao, hội chứng tăng huyết áp thai kỳ, nhiều nước ối,…
3. Sự khác nhau giữa tiểu đường tuýp 1 và 2 là gì?
Nhiều người khắc mắc rằng: “tiểu đường tuýp 1 2 là gì?”, sự khác nhau giữa 2 loại bệnh này như thế nào? Bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2 có điểm giống nhau là đều do tình trạng đường huyết tăng cao, tuy nhiên lại khác nhau về nguyên nhân khởi phát, triệu chứng và phương pháp điều trị.
Điểm khác nhau giữa tiểu đường tuýp 1 và 2 về nguyên nhân khởi phát
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh do tế bào beta đảo tụy bị phá hủy. Tế bào beta đảo tụy là nơi tạo ra insulin – một loại hormon giúp làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, khi các tế bào beta đảo tụy bị phá hủy, insulin không được tạo ra, do đó lượng đường trong máu vẫn cao.
Tại sao các tế bào beta đảo tụy bị phá hủy? Nguyên nhân vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu gần đây, người ta nói rằng có thể là do bệnh tự miễn dịch mà hệ miễn dịch vốn có vai trò tấn công các vi khuẩn và virus bởi các yếu tố di truyền và bệnh truyền nhiễm lại tự phá hủy các tế bào β của chủ thể.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là bệnh thường khởi phát ở trẻ em và tuổi vị thành niên. Ngoài ra, đây là bệnh không liên quan đến lối sống nên khó có thể phòng ngừa được.
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường tuýp 1 là uống nhiều nước, đa niệu, khát nước, cân nặng sụt giảm,…
Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 là tiêm insulin thường xuyên để bù cho lượng insulin không được tiết ra và kiểm soát đường huyết. Ngoài ra, có thể thực hiện điều trị bằng chế độ ăn uống và luyện tập.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh mà insulin vẫn được tiết ra từ tế bào beta đảo tụy nhưng lượng tiết ra không đủ hoặc insulin khó hoạt động hiệu quả (tính kháng insulin). Đây là bệnh khởi phát do những yếu tố về lối sống như rối loạn thói quen ăn uống, thiếu vận động, béo phì, hút thuốc và còn do yếu tố di truyền. Trước đây, người ta cho rằng bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh thường khởi phát ở độ tuổi trung niên và người già, tuy nhiên trong những năm gần đây bệnh đã phát triển ở trẻ em béo phì và có chế độ ăn uống không cân bằng.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể âm thầm tiến triển mà bệnh nhân không nhận thấy. Ngay cả khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường khi kiểm tra sức khỏe, tuy nhiên có thể bệnh đã tiến triển từ trước. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 là khát nước, uống nhiều, đa niệu, cơ thể cảm thấy nặng nề, ăn nhiều nhưng vẫn bị giảm cân, tay và chân bị tê, mắt mờ, dễ giận dữ khi đói, bị ngứa bộ phận sinh dục.
Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 là tiến hành điều trị bằng chế độ ăn uống cân bằng với lượng thích hợp và chế độ luyện tập phù hợp trong cuộc sống hàng ngày. Trường hợp đã thực hiện hai biện pháp trên nhưng không thể duy trì kiểm soát đường huyết, phương pháp điều trị bằng thuốc có thể được thực hiện. Bằng cách thực hiện kết hợp cả ba phương pháp điều trị này thì có thể ngăn ngừa các biến chứng và trì hoãn tiến triển của các triệu chứng bệnh.
Bạn đang xem bài viết: Tiểu đường tuýp 1 2 là gì? Sự khác nhau giữa bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2 tại Chuyên mục Kiểm soát bệnh
Gợi ý – tìm hiểu chi tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)