Biện pháp tránh thai đối với phụ nữ bị tiểu đường
Đối với phụ nữ mắc tiểu đường, việc mang thai đúng thời điểm là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi, vì vậy cần có các biện pháp tránh thai phù hợp.
Thuốc uống tránh thai (OC) và LNG-IUS rất hữu ích vì hiệu quả giúp tránh thai cao. Mặc dù có các báo cáo chỉ ra rằng OC không ảnh hưởng đến kiểm soát đường huyết, nhưng không thể sử dụng loại thuốc này cho bệnh nhân mắc bệnh mạch máu do tác dụng phụ của chứng nghẽn mạch, do đó cần chú ý đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. LNG-IUS chỉ có tác dụng cục bộ nên có thể được sử dụng an toàn cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, nhưng cần chú ý nguy cơ gây nhiễm trùng. Điều quan trọng nữa là mỗi bệnh nhân cần lựa chọn phương pháp phù hợp với bản thân và được giáo dục về nhu cầu tình dục.
Danh mục nội dung
1. Tại sao phụ nữ tiểu đường nên thực hiện các biện pháp tránh thai?
Nếu một phụ nữ mắc bệnh tiểu đường không thể đạt được các tiêu chuẩn cho phép mang thai, việc tránh thai là cần thiết. Do việc kiểm soát đường huyết không tốt sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng khác nhau sẽ xảy ra ở cả mẹ và bé. Đặc biệt, khi tình trạng tăng đường huyết liên tục kéo dài ở giai đoạn đầu của thai kỳ- giai đoạn hình thành các cơ quan của trẻ, tỷ lệ xuất hiện các bất thường về hình thái của trẻ tăng cao.
Trong báo cáo của Giáo sư Sugiyama đã chỉ ra rằng ở phụ nữ mang thai có HbA1c ≥7,5% ở giai đoạn đầu thai kỳ, tỷ lệ bất thường về hình thái của trẻ là 12%. Hơn nữa, nguy cơ xuất hiện các tình trạng như trẻ khổng lồ, hạ đường huyết sơ sinh, vàng da và hội chứng suy hô hấp…cũng rất cao. Sự hình thành các cơ quan của trẻ đã bắt đầu ở giai đoạn đầu mang thai và việc kiểm soát đường huyết từ trước khi mang thai là rất quan trọng để giảm tỷ lệ xuất hiện bất thường hình thái của trẻ.
Ngoài ra, phụ nữ bị tiểu đường thường có nguy cơ có bệnh võng mạc tiểu đường và bệnh thận tiểu đường chuyển biến xấu hơn khi mang thai, những tình trạng bệnh này cũng cần được kiểm soát trước khi mang thai.
Do đó, điều quan trọng đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường là thực hiện mang thai có kế hoạch vào thời điểm kiểm soát lượng đường trong máu là tốt, phù hợp và điều quan trọng là phải nhận được những hướng dẫn tránh thai để tránh mang thai vào thời điểm không phù hợp. Các biện pháp tránh thai tiêu biểu bao gồm: (1) Thuốc uống tránh thai, (2) Bao cao su, (3) Pessary, (4) Spermicides (chất diệt tinh trùng), (5) Phương pháp tránh thai Ogino (phương pháp tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt), (6) Dụng cụ tránh thai trong tử cung.
Sau đây là mô tả về từng phương pháp tránh thai, bao gồm những chú ý cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường.
(Hiệu quả của biện pháp tránh thai được đánh giá bằng chỉ số thất bại Pearl Index trong 1 năm (tổng số lần mang thai trong khoảng thời gian đó/ tổng số tháng có nguy cơ mang thai x 1200).
2. Thuốc uống tránh thai (OC)
OC là thuốc kết hợp giữa estrogen và progestogen, được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc có tác dụng tránh thai cao. OC tác động lên vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng để ức chế sự phát triển nang trứng và rụng trứng. Hơn nữa, OC có tác dụng tránh thai rất cao với chỉ số pearl Index là 0.1, điều này cũng là do thuốc giúp giảm khả năng tiếp cận của tinh trùng do ức chế tiết chất nhầy cổ tử cung và tác dụng ức chế cấy ghép do sự tăng sinh tuyến nội tiết của nội mạc tử cung.
Các tác dụng phụ thường gặp liên quan đến việc uống OC bao gồm buồn nôn, nôn, đau đầu, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc OC được chỉ ra là chứng nghẽn mạch. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ không dùng OC là 5 trường hợp mỗi năm trên 100.000 người, trong khi phụ nữ dùng OC có 15 trường hợp mỗi năm trên 100.000 người.
Trường hợp phụ nữ bị các bệnh liên quan đến mạch máu như bệnh thận tiểu đường, bệnh võng mạc tiểu đường, những tổn thương tim mạch từ chứng nghẽn mạch do dùng OC sẽ dễ xảy ra. Trong tiêu chuẩn y học về việc sử dụng OC của WHO, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong hơn 20 năm bị bệnh thận, bệnh võng mạc, bệnh lý thần kinh hoặc các bệnh mạch máu khác không thể sử dụng loại thuốc này. Mặt khác, cũng có báo cáo chỉ ra rằng uống OC không ảnh hưởng đến kiểm soát đường huyết, HbA1c, bệnh võng mạc, bệnh thận và cũng có ý kiến cho rằng thuốc OC có thể được sử dụng dưới sự hướng dẫn, kiểm soát y tế đầy đủ từ bác sĩ.
Đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, việc đánh giá khả năng có thể sử dụng thuốc uống tránh thai OC dựa trên tình trạng bệnh của mỗi người như có hay không có biến chứng bệnh mạch máu, thời gian mắc bệnh, mức độ kiểm soát đường huyết…là rất cần thiết. Và trong trường hợp sử dụng thuốc, cần có sự hướng dẫn đầy đủ từ bác sĩ.
3. Bao cao su
Bao cao su là phương pháp tránh thai phổ biến nhất và nếu sử dụng đúng cách, chỉ số pearl index là 3. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại khi sử dụng sai đạt tới 14% và người dùng cần được hướng dẫn đúng cách sử dụng. Ngoài ra, đây là biện pháp tránh thai duy nhất có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/ AIDS và sử dụng kết hợp với các biện pháp tránh thai khác cũng rất hiệu quả.
4. Pessary
Là biện pháp tránh thai sử dụng một màng cao su hình bán cầu trong vòng lò xo bằng thép được đưa vào âm đạo trước khi quan hệ tình dục để ngăn tinh trùng thâm nhập vào tử cung. Trước khi xuất hiện thuốc uống tránh thai OC, pessary đã được đề xuất như một phương pháp tránh thai không cần sự hợp tác của nam giới.
Nếu được sử dụng đúng cách, chỉ số pearl index là 6 nhưng quy trình đặt vào có phần khó khăn, có khả năng pessary bị rơi ra khi quan hệ tình dục và trong sử dụng thông thường, chỉ số pearl index có thể lên đến 16.
5. Spermicides (chất diệt tinh trùng)
Một viên thuốc có chứa Menfegol, một chất hoạt động bề mặt, được đưa vào âm đạo trong khi quan hệ tình dục và giết chết tinh trùng. Một biện pháp rất đơn giản nhưng chỉ số pearl index cao tới 18-29 và tỷ lệ thất bại cao.
6. Phương pháp tránh thai Ogino (phương pháp tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt)
Phương pháp tránh thai Ogino là phương pháp để dự đoán ngày rụng trứng và chỉ thực hiện quan hệ tình dục trong giai đoạn sau khi rụng trứng. Phương pháp dự đoán ngày rụng trứng bao gồm phương pháp trong đó ngày 12~16 được dự đoán là ngày rụng trứng bằng cách tính lại từ kỳ kinh nguyệt tiếp theo và phương pháp đo nhiệt độ cơ thể, quan sát chất nhầy cổ tử cung để ước tính thời gian rụng trứng. Chỉ số pearl index là 9~25 và chỉ số thất bại cao.
7. Dụng cụ tránh thai trong tử cung (IUD)
Là dụng cụ tránh thai được đưa vào khoang tử cung. Các IUD thường được sử dụng bao gồm loại thông thường (FD1 và vòng eugenic), loại bổ sung thêm đồng (Multiload® CU250R, Nova T® 380), loại có chứa hormone hình thành thai nhi (Milena® 52 mg: LNG-IUS).
Mặc dù cơ chế hoạt động của IUD vẫn còn một số điểm không rõ ràng, nhưng nó đã được chứng minh trong thử nghiệm trên động vật về hiệu quả ngăn trứng được thụ tinh vào nội mạc tử cung để tránh mang thai. Ngoài ra ở IUD loại bổ sung thêm đồng, việc thụ tinh bị ức chế bằng cách ức chế ion kẽm cần thiết cho hệ thống enzyme trong nội mạc tử cung bởi ion đồng, do đó tăng cường hiệu quả tránh thai.
LNG-IUS là một chế phẩm IUD giải phóng levonorgestrel bền vững với hiệu quả tránh thai đã được phê duyệt và đưa ra thị trường vào năm 2007. Tác dụng cục bộ trên nội mạc tử cung của levonorgestrel gây ra những biến đổi về hình thái như teo tuyến nội mạc tử cung và sự sụt giảm của chất nền, và do đó có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa sự thụ tinh của trứng. Ngoài ra, LNG-IUS cũng có tác dụng làm tăng độ nhớt của chất nhầy cổ tử cung và làm giảm khả năng xâm nhập của tinh trùng, chỉ số pearl index là 0.14, có tác dụng tránh thai cao tương đương với OC. Hơn nữa, sự biến đổi hình thái của nội mạc tử cung cũng được xác nhận là có tác dụng giảm lượng máu kinh nguyệt và cải thiện đau bụng kinh.
Mặc dù levonorgestrel được chuyển từ mô nội mạc tử cung vào máu nhưng nồng độ trong máu là 290~360 pg/ mL và tác dụng đến toàn thân của progestogen gần như không có. Do đó, có thể sử dụng cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường bị bệnh mạch máu.
Tác dụng phụ của IUD nói chung bao gồm bệnh viêm vùng chậu, mang thai ngoài tử cung, sự xâm nhập của IUD vào nội mạc tử cung (thủng tử cung)…Đặc biệt ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, cần chú ý đến nhiễm trùng tử cung và các bệnh viêm vùng chậu. Điều quan trọng là phải giữ vệ sinh sạch sẽ tại thời điểm đặt IUD và có biện pháp đối phó kịp thời khi nhiễm trùng xảy ra.
Khi lựa chọn phương pháp tránh thai cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, ngoài xem xét đến tính hiệu quả và tính dễ dàng sử dụng, điều quan trọng là cần xem xét đến tình trạng bệnh tiểu đường của người phụ nữ đó. Mặc dù từ quan điểm về tính hiệu quả thì OC và LNG-IUS là một lựa chọn tốt, tuy nhiên phụ nữ bị tiểu đường cần phải xác định cẩn thận sự có hay không của các tổn thương mạch máu trước khi sử dụng OC. LNG-IUS gần như không có tác dụng đến toàn thân và nếu chú ý đến tình trạng nhiễm trùng, có thể sử dụng an toàn cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Trong bất kỳ phương pháp nào, sử dụng đồng thời bao cao su được khuyến nghị nhằm mục đích ngăn ngừa nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
Ngoài ra, không nhiều phụ nữ bị tiểu đường hiểu rõ về những rủi ro có thể gặp phải khi mang thai và thực hiện mang thai có kế hoạch, do đó điều quan trọng là phụ nữ cần phải được giáo dục đầy đủ từ khi chưa mang thai.
Bảng 1: So sánh các phương pháp tránh thai và chỉ số pearl index
Đặc trưng chung | Đặc trưng, điểm lưu ý đối với phụ nữ bị tiểu đường | Chỉ số pearl index | |
OC | + Có hiệu quả ức chế rụng trứng, hiệu quả tránh thai cao
+ Có thể quyết định sử dụng theo ý định của phụ nữ + Cần chú ý tác dụng phụ là chứng nghẽn mạch |
+ Có khả năng suy giảm chức năng dung nạp glucose nên cần kiểm soát nghiêm ngặt
+ Cấm sử dụng trong trường hợp có biến chứng về mạch máu như bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh thận tiểu đường |
0.1 |
Bao cao su | + Cũng có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục
+ Cần có sự hợp tác của nam giới |
Giống như đặc trưng chung | 3 |
Pessary | + Có thể sử dụng theo ý định của phụ nữ
+ Thao tác đặt vào hơi khó, khó có thể sử dụng chính xác và tỷ lệ thất bại cao |
Giống như đặc trưng chung | 6 |
Spermicides (chất diệt tinh trùng) | + Đặt viên thuốc vào âm đạo khi quan hệ tình dục
+ Đơn giản nhưng tỷ lệ thất bại cao |
Giống như đặc trưng chung | 18-29 |
Phương pháp tránh thai Ogino | + Không sử dụng thuốc hoặc dụng cụ, dễ sử dụng về mặt tài chính
+ Thiếu độ chính xác và tỷ lệ thất bại cao |
Giống như đặc trưng chung | 9~25 |
IUD | + Dụng cụ đưa vào khoang tử cung
+ LNG-IUS loại chứa hormone hình thành thai nhi có hiệu quả tránh thai tương đương OC + Cũng có hiệu quả với tình trạng khó có kinh, kinh nguyệt quá nhiều |
Giống như đặc trưng chung nhưng cần chú ý đến nhiễm trùng tử cung | 0.14 |
Bạn đang xem bài viết: “Biện pháp tránh thai đối với phụ nữ bị tiểu đường” tại Chuyên mục: “Tiểu đường thai kỳ“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/