Ăn quá nhiều muối sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trầm trọng hơn
Danh mục nội dung
1. Thừa muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Mặc dù muối không ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu, nhưng việc ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và tăng cân, dễ dẫn đến tình trạng kháng insulin khiến insulin hoạt động kém hiệu quả, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Đặc biệt, những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị huyết áp cao và nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận,… Thừa muối cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Vì thế, cắt giảm lượng muối là một yếu tố quan trọng trong chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân tiểu đường.
Theo nghiên cứu của Viện Y học Môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Karolinska ở Thụy Điển, ăn quá nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nhóm nghiên cứu đã so sánh dữ liệu khảo sát từ 1.136 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 trên 35 tuổi với 1.379 người không mắc bệnh tiểu đường ở tất cả các độ tuổi và giới tính.
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cứ tăng hấp thu 2,5g (tương đương nửa thìa) muối mỗi ngày sẽ tăng khoảng 65% nguy cơ phát triển tiểu đường tuýp 2. Hơn nữa, người ta cũng thấy rằng những người ăn nhiều muối (trên 7,3g/ngày) có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 72% so với người ăn ít muối (dưới 5.8g/ngày).
2. Ăn quá nhiều muối làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim ở bệnh nhân tiểu đường
Trong JDCS – một nghiên cứu đoàn hệ về bệnh tiểu đường tuýp 2 của người Nhật, giáo sư Chika Horikawa thuộc Khoa Đời sống Con người của Đại học Niigata đã phân tích kết quả khảo sát bữa ăn của 1.588 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có độ tuổi từ 40 – 70 tuổi với chỉ số HbA1c trên 6,5%.
Kết quả, sau khi kiểm tra số lần tái phát bệnh tim mạch trong vòng 8 năm, nhóm nghiên cứu thấy rằng những người tiêu thụ trung bình 14g muối/ngày có nguy cơ khởi phát bệnh tim mạch cao hơn 2,07 lần so với nhóm tiêu thụ trung bình 7g muối/ngày. Ngoài ra, với những bệnh nhân có HbA1c trên 9.0% và không kiểm soát tốt đường huyết, nếu ăn quá nhiều muối thì nguy cơ mắc bệnh tim tăng cao 9,91 lần.
3. Biện pháp giúp giảm muối trong chế độ ăn
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Đối với các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, việc cải thiện chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong nghiên cứu này, giảm lượng muối ăn hàng ngày đã được chứng minh là có tác dụng giúp ngăn ngừa các biến chứng”.
Hướng dẫn về chế độ ăn uống của người Nhật khuyên mọi người không nên ăn quá 6g muối mỗi ngày. Để giảm muối trong chế độ ăn, nên áp dụng các biện pháp sau đây:
– Tận dụng các hương vị có sẵn của nguyên liệu như vị cay, vị chua và cố gắng sử dụng càng ít muối càng tốt.
– Đối với những món ăn cần ăn kèm với nước chấm, chỉ nên chấm một ít.
– Khi ăn mì gói, không nên cho hết cả gói muối.
– Đối với những người đã quen ăn mặn, hãy cố gắng giảm từ từ để làm quen với đồ ăn nhạt.
– Hạn chế ăn ngoài và ăn thực phẩm chế biến như giăm bông, chả cá, xúc xích…
Bạn đang xem bài viết: “Ăn quá nhiều muối sẽ làm bệnh tiểu đường trầm trọng hơn” tại Chuyên mục: “Ăn uống và vận động“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)