Đồ uống ngọt gây tác động xấu đến bệnh tiểu đường và tăng chất béo trung tính
Danh mục nội dung
1. Thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng đường huyết
Khi mắc bệnh tiểu đường, insulin sẽ bị thiếu hụt hoặc không hoạt động tốt dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Nếu ăn nhiều thực phẩm có đường, lượng đường trong máu có xu hướng tăng nhanh. Đặc biệt, thực phẩm chứa đường đơn như đồ ngọt sẽ khiến đường huyết tăng nhanh chóng.
Một nghiên cứu đã chứng minh nếu uống quá nhiều đồ uống ngọt có hàm lượng calo sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và mỡ nội tạng trong cơ thể. Vì vậy, các bệnh nhân tiểu đường cần cẩn thận khi uống các đồ uống ngọt.
Đường hoa quả fructose được sử dụng như một chất ngọt trong nhiều thực phẩm chế biến chẳng hạn như nước ngọt (cola, nước trái cây) và bánh kẹo. Đường fructose chế biến từ bột ngô (tinh bột làm từ ngô) là một loại đường được đồng phân hóa chủ yếu bao gồm đường hoa quả (fructose) và đường nho (glucose). Do đa phần đều sản xuất trong các dây chuyền công nghiệp với giá thành rẻ, nên chúng được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại thực phẩm.
Trái với tinh bột có trong các loại thực phẩm như gạo, bánh mì, ngũ cốc, khoai tây và bí ngô chủ yếu là đường đa, fructose và glucose lại là các monosaccharide (đường đơn) nên rất dễ hấp thụ. Fructose là chất ngọt nhất trong tất cả các loại đường và nếu tiêu thụ liên tục với lượng lớn sẽ dẫn đến tăng cân và béo phì.
2. Đồ uống nhiều calo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Theo nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard, những người uống nhiều nước ngọt có hàm lượng calo cao như nước trái cây và cola có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu giai đoạn từ năm 22 – 26 tuổi của 192.000 người (gồm cả nam và nữ). Các dữ liệu này được lấy từ ba nghiên cứu dài hạn: Nurses’ Health Study, Nurses’ Health Study 2 và Health Professionals’ Follow-up Study.
Kết quả, các nhà nghiên cứu thấy rằng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng 16% nếu uống khoảng 114g (4 ounces) đồ uống có hàm lượng calo cao mỗi ngày trong vòng 4 năm.
Các đồ uống như nước trái cây và coca thường được bán trên thị trường với dung tích 350ml (12 ounces), và một phần ba trong số chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường được cho là tăng lên ngay cả khi uống nước ép trái cây 100%. Mặt khác, nếu mỗi ngày thay thế các đồ uống có hàm lượng calo cao bằng nước, cà phê không đường hoặc trà sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường từ 2% đến 10%.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị rằng nước ngọt có hàm lượng calo cao chỉ nên hấp thụ dưới 85 g (3 ounces) mỗi ngày và lượng calo không vượt quá 450 kcal, tương đương với hai lon nước 350ml mỗi tuần.
3. Đồ uống nhiều calo cũng làm tăng mỡ nội tạng
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mỡ nội tạng sẽ tăng nếu bạn uống quá nhiều đồ uống có hàm lượng calo cao. Khi mỡ nội tạng tăng quá mức, cơ thể sẽ xuất hiện các bất thường trong bài tiết hormone, làm suy giảm chức năng hạ đường huyết của insulin từ đó dẫn đến tình trạng kháng insulin. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh tim mạch.
Nghiên cứu về tim ở Framingham, Hoa Kỳ là một nghiên cứu quy mô lớn tìm hiểu các biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nhóm nghiên cứu về tim, phổi và máu quốc gia Hoa Kỳ này cũng đã thực hiện một nghiên cứu trên 1.003 người (tuổi trung bình 45 tuổi) trong 6 năm. Những người tham gia được chụp CT để kiểm tra sự thay đổi của mỡ nội tạng.
Kết quả cho thấy chất béo nội tạng tăng lên rõ ràng khi uống đồ uống có hàm lượng calo cao thường xuyên. Lượng mỡ nội tạng tăng lên 649 cm³ đối với những người uống đồ uống có hàm lượng calo cao mỗi tháng một lần hoặc ít hơn một lần trong một tuần, tăng 707 cm³ với những người uống một lần một tuần hoặc ít hơn một lần mỗi ngày, và tăng 852cm³ đối với những người uống nhiều hơn 1 cốc mỗi ngày.
Ông Caroline S. Fox, M.D., M.P.H, một trong những nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu này cho biết: “Nghiên cứu đã làm sáng tỏ mối tương quan trực tiếp giữa việc uống nhiều các đồ uống có hàm lượng calo cao và với việc tăng mỡ nội tạng. Vì thế, trong các hướng dẫn về bữa ăn, cần chú ý không nên uống quá nhiều các thức uống có lượng calo cao”.
3. Uống quá nhiều đường sẽ làm rối loạn chuyển hóa lipid ở gan
Nhịp sinh học trong cơ thể thay đổi theo thức ăn. Một nghiên cứu của Đại học Nagoya cho thấy hấp thụ quá nhiều đường có thể gây rối loạn chuyển hóa lipid ở gan, khiến cho chất béo trung tính dễ tích tụ hơn.
Nguyên nhân chính của hội chứng chuyển hóa – giai đoạn trước của bệnh tiểu đường tuýp 2 và huyết áp cao, chính là ăn quá nhiều và thiếu tập thể dục. Ngoài ra, việc nạp quá nhiều đường vào cơ thể cũng gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị rằng lượng đường hấp thụ hàng ngày nên ít hơn 5% tổng lượng năng lượng.
Một nhóm nghiên cứu của Phó giáo sư Hiroaki Oda, Khoa Sau đại học Khoa học sinh học, Đại học Nagoya, đã tìm hiểu về cơ chế gây ra các bất thường trong chuyển hóa lipid (gan nhiễm mỡ, chất béo trung tính cao) khi ăn quá nhiều carbohydrate thông qua các thí nghiệm ở chuột.
Kết quả đã làm sáng tỏ quá trình chuyển hóa lipid ở gan bị xáo trộn do ăn quá nhiều đường (saccarose) và làm cho chất béo trung tính dễ tích tụ. Người ta cũng phát hiện ra rằng fructose và glucose, các chất tạo thành saccarose, cho dù khác nhau về cấu tạo, nhưng đều ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất và cũng có liên quan đến đồng hồ sinh học trong cơ thể.
Nếu lipid được tổng hợp quá mức, chất béo trung tính có xu hướng tích tụ trong gan. Nếu gan nhiễm quá nhiều mỡ, bệnh dễ sẽ phát triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, và nếu tiến triển thêm, sẽ dễ chuyển thành xơ gan. Gan nhiễm mỡ cũng gây ra tính kháng insulin.
Phó giáo sư Oda cho biết: “Tình trạng no đến mức không thể ăn được, chúng ta vẫn có thể ăn được đồ ngọt. Vị ngọt luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt. Vì thế, nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa giúp ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa do hấp thụ quá nhiều saccarose.”
Bạn đang xem bài viết: “Đồ uống ngọt gây tác động xấu đến bệnh tiểu đường và tăng chất béo trung tính” tại Chuyên mục: “Ăn uống và vận động“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)