Bệnh tiểu đường và bệnh viêm nhiễm
Danh mục nội dung
1. Những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị các bệnh viêm nhiễm
Những người bị bệnh tiểu đường thường dễ bị các bệnh viêm nhiễm như viêm phổi, viêm bàng quang, viêm bể thận, viêm da, viêm nướu, cảm lạnh. Ngoài ra, các bệnh viêm nhiễm ở bệnh nhân tiểu đường thường tiến triển rất nhanh và việc phục hồi mất nhiều thời gian. Khi bệnh nhân tiểu đường mắc các bệnh viêm nhiễm, lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường, do đó việc kiểm soát bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn.
2. Năm lý do tại sao bệnh nhân tiểu đường cần chú ý đến các bệnh viêm nhiễm
Cơ thể con người có cơ chế chống lại virus và vi khuẩn cố gắng xâm nhập vào cơ thể. Đây được gọi là cơ chế chống nhiễm trùng, tuy nhiên ở bệnh nhân tiểu đường, cơ chế chống nhiễm trùng này dễ bị phá vỡ bởi những lý do sau đây.
(1) Suy giảm tính thực bào của bạch cầu trung tính
Bạch cầu trung tính là một trong những thành phần của tế bào bạch cầu, khi một loại virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, bạch cầu trung tính sẽ tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn đó (thực bào). Lượng đường trong máu của bệnh nhân tiểu đường càng tăng cao thì tính thực bào của bạch cầu trung tính sẽ càng suy giảm.
(2) Suy giảm phản ứng miễn dịch
Phản ứng miễn dịch là một cơ chế hoạt động nhằm tạo ra kháng thể chống lại mầm bệnh đã từng gây viêm nhiễm trong cơ thể để phòng ngừa viêm nhiễm khi mần bệnh này tiếp tục xâm nhập vào cơ thể. Khi bị tăng đường huyết, phản ứng miễn dịch này cũng bị suy giảm.
(3) Lưu lượng máu không tốt
Khi bị tăng đường huyết, lưu lượng máu của các vi mạch trở nên tồi tệ hơn. Ở trạng thái này, oxy và chất dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ đến các tế bào, chức năng của tế bào bị giảm, bạch cầu khó có thể đến vị trí bị nhiễm bệnh nên dễ gây viêm nhiễm. Lưu lượng máu trong tế bào nội tạng cũng trở nên xấu đi nên các bệnh như viêm phổi, túi mật, viêm bàng quang, viêm thận có nhiều khả năng xảy ra.
Hơn nữa, ở bệnh nhân tiểu đường, cần mất nhiều thời gian để phần tổn thương do tình trạng viêm nhiễm có thể phục hồi và dù dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhưng thuốc ít có khả năng đến được phần bị viêm nhiễm, vì vậy hiệu quả của thuốc sẽ không cao.
(4) Bệnh thần kinh tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây viêm nhiễm và làm tình trạng viêm nhiễm chuyển biến xấu hơn
Nếu bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng thần kinh, hoạt động của các cơ quan nội tạng dễ bị xáo trộn, gây ra viêm bàng quang và túi mật. Ngoài ra, vì dây thần kinh cảm giác trong bệnh thần kinh tiểu đường cũng bị suy yếu, bệnh nhân thường không nhận ra các triệu chứng, do đó phát hiện tình trạng viêm nhiễm muộn và bệnh chuyển biến xấu hơn.
(5) Đường huyết tăng cao hơn
Một khi bệnh nhân tiểu đường bị nhiễm vi khuẩn, một số loại chất (như cytokine) làm cho insulin kém hiệu quả sẽ tăng lên và lượng đường trong máu sẽ cao hơn bình thường. Điều này khiến tình trạng bệnh tiểu đường trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến một vòng luẩn quẩn trong đó tình trạng viêm nhiễm tiến triển hơn nữa.
3. Triệu chứng và biện pháp đối với một số bệnh viêm nhiễm phổ biến
Những người mắc bệnh tiểu đường thường dễ mắc các bệnh viêm nhiễm hơn, nhưng bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến các bệnh viêm nhiễm dưới đây.
3.1. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Đây là bệnh viêm nhiễm phổ biến ở phụ nữ. Thông thường, tình trạng viêm nhiễm sẽ xuất hiện từ niệu đạo và dần trở nên nghiêm trọng hơn thành viêm bàng quang, viêm bể thận, viêm bể thận. Nếu có biến chứng bệnh thận do tiểu đường, có thể đẩy nhanh tiến độ của tình trạng viêm nhiễm.
Triệu chứng
Ngứa vùng cơ quan sinh dục, đau khi đi tiểu, cảm giác luôn buồn tiểu dù đã đi tiểu, nước tiểu đục, đi tiểu nhiều (đa niệu). Nếu tình trạng viêm nhiễm tiến triển đến viêm bể thận, triệu chứng đau thắt lưng, sốt sẽ xuất hiện.
Biện pháp đối phó
+ Hấp thụ đủ nước. Không nhịn đi vệ sinh. Trường hợp bệnh nhân có rối loạn chức năng bàng quang, nên quyết định thời gian và đi vệ sinh một cách đều đặn.
+ Giữ sạch sẽ bộ phận sinh dục. Phụ nữ nên sử dụng bồn cầu điện tử thông minh và chú ý đến cách sử dụng giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện (lau từ trước ra sau).
>> Xem thêm: Nguyên nhân viêm đường tiết niệu ở phụ nữ
[Đối với bệnh nhân tiểu đường được chỉ định dùng nhóm thuốc ức chế SGLT2]
+ Nếu bệnh nhân tiểu đường được chỉ định dùng nhóm thuốc ức chế SGLT2 (natri glucose cotransporter-2), lượng đường trong nước tiểu sẽ tăng theo lượng đường trong máu. Điều này làm cho bệnh nhân dễ bị viêm ở vùng sinh dục.
+ Bệnh nhân tiểu đường được chỉ định dùng nhóm thuốc ức chế SGLT2 nên cố gắng luôn giữ sạch vùng sinh dục. Hãy cho bác sĩ điều trị biết nếu cảm thấy ngứa vùng sinh dục.
Video 3 phút về: Thuốc ức chế SGLT2
3.2. Viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, bệnh lao
Viêm đường hô hấp trên là viêm mũi và họng, còn được gọi là cảm lạnh. Nếu tình trạng cảm lạnh trở nên nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi.
Bệnh lao từ trước đây được cho là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Hiện nay, ít người chết vì bệnh lao hơn, nhưng số người mắc bệnh lao vẫn còn rất nhiều do đó cần chú ý đến căn bệnh này.
Triệu chứng
Gồm các triệu chứng chính của bệnh cảm lạnh. Khi các bệnh viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở. Bệnh lao ngoài các triệu chứng tương tự như bệnh cảm lạnh còn có tình trạng ho ra máu. Tuy nhiên, khi những triệu chứng này xuất hiện, bệnh đã khởi phát được một khoảng thời gian dài.
Biện pháp đối phó
+ Súc miệng thường xuyên. Tốt hơn là sử dụng nước súc miệng.
+ Trước mùa cúm, hãy tiêm chủng phòng ngừa càng nhiều càng tốt.
+ Dù nghĩ là cảm cúm nhưng nếu các triệu chứng không giống như bị cảm cúm thì đó có thể là một bệnh nặng hơn cảm lạnh, do đó hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ và nhận kiểm tra sức khỏe nếu cần thiết.
Xem thêm cách khắc phục tình trạng cảm lanh ở bệnh nhân tiểu đường tại bài viết: “Sáu biện pháp khắc phục chứng nhạy cảm với lạnh của bệnh tiểu đường“
3.3. Bệnh nha chu
Bệnh nha chu là một bệnh nhiễm trùng mãn tính của nướu do vi khuẩn có trong miệng. Những người mắc bệnh tiểu đường không chỉ dễ mắc bệnh nha chu mà bệnh nha chu cũng khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó cải thiện hơn.
Triệu chứng
Hơi thở hôi và nướu có thể sưng lên nhưng không đau giống như sâu răng. Xương của nướu dần tan ra, răng bị lung lay và sau đó có thể rụng răng.
Biện pháp đối phó
Nên đánh răng đều đặn mỗi ngày và làm sạch kẽ răng bằng bàn chải kẽ hoặc chỉ nha khoa. Nên đi khám nha khoa thường xuyên.
Xem thêm chi tiết bài viết: Bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng
3.4. Viêm nhiễm ngoài da/ tổn thương bàn chân
Bệnh nấm da và nấm candida,…có xu hướng xảy ra trên khắp cơ thể, đặc biệt là trên các phần da mỏng như môi và bộ phận sinh dục. Bên cạnh đó, tình trạng nấm chân tiến triển dần dần sẽ dẫn đến loét chân và là nguyên nhân gây hoại thư bàn chân.
Triệu chứng
Da bị mẩn đỏ, ngứa, đau, có mụn nhọt, viêm miệng, nấm da,…Tình trạng nấm da không chỉ xuất hiện ngoài da mà còn cả phần móng.
Biện pháp đối phó
Giữ thân thể sạch sẽ. Tắm mỗi ngày. Ngoài ra, tạo thói quen chăm sóc bàn chân của bản thân và chú ý điều trị ngay những vết thương nhỏ và phần bị nấm da.
Xem ngay những biến chứng nguy hiểm ở bàn chân mà bệnh nhân có thể mắc phải:
3.5. Viêm túi mật
Viêm túi mật là một bệnh dễ dẫn đến nguy cơ xuất hiện sỏi mật. Những người mắc bệnh tiểu đường thường có nhiều sỏi mật và mật có khả năng bị ứ đọng do bệnh lý thần kinh tiểu đường, do đó dễ khởi phát tình trạng viêm túi mật hơn.
Triệu chứng
Đau ở phần bụng, vàng da, sốt,…
Biện pháp đối phó
Hạn chế ăn thực phẩm có hàm lượng chất béo cao (gây sỏi mật, kích thích sỏi mật đã tồn tại, gây ra viêm túi mật).
3.6. Bệnh viêm nhiễm khác
Tuy tần suất không nhiều nhưng còn một số bệnh viêm nhiễm khác thường xuất hiện ở bệnh nhân tiểu đường như viêm tai ngoài ác tính, viêm niêm mạc mũi, hoại thư khô, viêm túi mật do tràn khí,…Đây là những bệnh viêm nhiễm không có triệu chứng cơ năng cụ thể và nếu bệnh tiến triển thì sẽ trở nên khó điều trị.
Bệnh thần kinh tiểu đường và nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm túi mật
Người bị bệnh lý thần kinh- một trong ba biến chứng lớn của bệnh tiểu đường thường có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm túi mật cao hơn.
Ở người khỏe mạnh, sau khi đi vệ sinh, bàng quang sẽ trở nên rỗng. Tuy nhiên, khi dây thần kinh tự trị bị ảnh hưởng do bệnh thần kinh tiểu đường, người bệnh thường khó cảm thấy buồn tiểu và bàng quang không co bóp đủ trong khi đi tiểu, do đó nước tiểu vẫn đọng lại trong bàng quang. Vì lý do này, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu như viêm bàng quang.
Tình trạng viêm túi mật cũng xảy ra vì những lý do tương tự như vậy. Túi mật là một cơ quan thải mật cần thiết cho tiêu hóa và hấp thụ chất béo có trong thực phẩm khi ăn uống. Khi sự co thắt của túi mật trở nên không đủ do rối loạn thần kinh tự trị, mật vẫn còn trong túi mật và vi khuẩn sẽ phát triển ở đó.
Xem ngay đầy đủ – chi tiết về biến chứng của bệnh tiểu đường
4. Những chú ý khi bị bệnh viêm nhiễm
Khi bệnh nhân tiểu đường bị các bệnh khác ngoài bệnh tiểu đường như bệnh viêm nhiễm thì cần phải có biện pháp đối phó phù hợp.
4.1. Tăng đường huyết
Khi bệnh nhân bị các bệnh viêm nhiễm, các hormone gây căng thẳng như adrenaline và cytokine làm tăng lượng đường trong máu sẽ được tiết ra. Với những người không bị bệnh tiểu đường, insulin sẽ được bài tiết ra theo lượng cần thiết, nhưng với những người bị bệnh tiểu đường không thể bài tiết bổ sung insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng cao hơn bình thường. Sự tăng đường huyết sẽ khác nhau giữa các bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ bệnh tiểu đường, nhưng người ta nói rằng đường huyết thường tăng 30%.
❓ Giải đáp: Lượng đường trong máu cao có nguy hiểm không?
4.2. Không tự ý ngừng dùng thuốc đang điều trị
Khi bị các bệnh viêm nhiễm, lượng ăn uống của người bệnh thường ít hơn bình thường, do đó sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân tự ý ngừng dùng thuốc uống điều trị bệnh tiểu đường hoặc tiêm insulin. Chỉ số đường huyết của bệnh nhân tiểu đường sẽ tăng cao khi bị các bệnh viêm nhiễm nhưng nếu ngừng dùng thuốc điều trị, đường huyết sẽ tăng cao hơn nữa, tình trạng nhiễm toan ceton sẽ xảy ra và có thể dẫn đến hôn mê.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh lượng thuốc điều trị tiểu đường để được hướng dẫn đầy đủ, thích hợp.
Những chú ý khác khi bệnh nhân tiểu đường dùng thuốc:
4.3. Hãy đến khám và điều trị càng sớm càng tốt
Nếu bệnh nhân tiểu đường bị một bệnh viêm nhiễm như cảm lạnh nhẹ, bệnh nhân có thể nghỉ ngơi 1 hoặc 2 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không thể ăn, bị tiêu chảy, mãi không hồi phục, không thể đánh giá được lượng thuốc sử dụng, hãy đến khám và điều trị tại bệnh viện càng sớm càng tốt. Ngay cả những bệnh nhân tiểu đường không thường tiêm insulin có thể yêu cầu tiêm insulin tạm thời tùy theo tình trạng bệnh.
4.4. Bổ sung đầy đủ nước, carbohydrate và vitamin
Khi bệnh nhân bị sốt hoặc tiêu chảy, điều quan trọng là phải bổ sung thật nhiều nước để không bị mất nước. Ngoài ra, khi không có cảm giác thèm ăn, nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và hấp thu tốt như cháo, hãy hấp thụ đủ carbohydrate.
Vitamin C giúp tăng cường phản ứng miễn dịch sẽ có hiệu quả giúp phục hồi tình trạng cơ thể sau khi bị bệnh viêm nhiễm. Nên ăn nhiều trái cây và rau củ.
Bệnh nhân nên ăn trái cây và rau củ đúng cách. Đọc bài viết: “Điều gì xảy ra khi bệnh nhân tiểu đường uống nước ép trái cây và rau củ?” để biết thêm thông tin chi tiết!
4.5. Nên tạm thời hạn chế tập luyện và bổ sung tập luyện vào thời điểm thích hợp
Bệnh nhân tiểu đường khi bị các bệnh viêm nhiễm nên hạn chế tập luyện vì tập luyện sẽ tạo gánh nặng lớn đối với hệ tim mạch và hệ hô hấp.
Tuy nhiên, nếu tập thể dục vừa phải trong thời gian phục hồi của bệnh viêm nhiễm, sự hồi phục sẽ nhanh hơn so với việc nghỉ ngơi trong thời gian chữa trị. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận hướng dẫn bổ sung bài tập nhẹ vào thời điểm thích hợp.
4.6. Không nên ăn quá nhiều vì muốn bổ sung dinh dưỡng
Khi bệnh nhân bị cảm lạnh, nên bổ sung nhiều calo để tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có thể duy trì chế độ ăn giống như bình thường, điều đó cũng rất tốt, đặc biệt là bệnh nhân không cần ăn quá nhiều.
Chống lại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm bằng kháng sinh
Bệnh viêm nhiễm là bệnh mà vi khuẩn xâm nhập cơ thể sinh sôi nảy nở và làm tổn hại đến các hoạt động của cơ thể. Vì vậy, mục đích điều trị là loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Để đạt được mục đích đó, điều đầu tiên cần nghĩ đến là tăng sức đề kháng của cơ thể. Nghỉ ngơi và làm ấm cơ thể sẽ tăng sức đề kháng ban đầu mà cơ thể có. Tuy nhiên, cách thức này chỉ có thể đối phó với tình trạng bệnh viêm nhiễm nhẹ. Khi sức đề kháng của cơ thể yếu và bệnh viêm nhiễm nặng, cần phải sử dụng một phương pháp khác. Đó là sử dụng kháng sinh. Có nhiều loại kháng sinh với công dụng phù hợp theo từng loại vi khuẩn gây bệnh. Trong điều trị các bệnh viêm nhiễm của bệnh nhân tiểu đường, thường phải dùng kháng sinh. |
5. Hãy ngăn ngừa bệnh viêm nhiễm bằng lối sống lành mạnh
Cơ sở của việc phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm là duy trì một lối sống lành mạnh và giữ sức đề kháng chống lại vi khuẩn. Ví dụ như việc luôn cố gắng rèn luyện thân thể, tập luyện. Khi lưu lượng máu được cải thiện nhờ tập luyện, chức năng tự khôi phục của các tế bào tăng lên, và sức đề kháng trở nên mạnh mẽ hơn. Về chế độ ăn uống, bệnh nhân tiểu đường không chỉ nên tuân theo lượng năng lượng được chỉ định mà còn nên nhận thức được sự cân bằng dinh dưỡng và hướng đến một chế độ ăn uống phù hợp.
Và quan trọng nhất là bệnh nhân tiểu đường nên kiểm soát lượng đường trong máu. Khả năng bị các bệnh viêm nhiễm cũng bị ảnh hưởng bởi tăng đường huyết và thời gian lượng đường trong máu cao kéo dài. Việc duy trì kiểm soát đường huyết tốt hơn sẽ có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm.
Bạn đang xem bài viết: “Bệnh tiểu đường và bệnh viêm nhiễm” tại Chuyên mục: “Sống cùng bệnh“
Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)