Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường

Cỡ chữ:
A A
Bài viết này là một bản tóm tắt câu trả lời của bác sĩ Miki Yuko về những điều mà nhiều trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và gia đình của trẻ bị bệnh thường thắc mắc.

Giới thiệu về Bác sĩ Miki Yuko

Bác sĩ Miki Yuko sinh năm 1957. Năm 12 tuổi, ông bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, từ đó ông ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai và ông đã thành công trở thành bác sĩ nhi khoa tại bệnh viện thuộc Đại học Tokyo. Ông kết hôn ở tuổi 29. Do thời gian ông phát hiện bệnh tiểu đường muộn nên bệnh đã xuất hiện biến chứng bệnh võng mạc, ông đã tiếp nhận điều trị bằng laser, nhưng sau đó nhờ khả năng kiểm soát bệnh được cải thiện nên ông đã có một bé trai vào năm 35 tuổi. Sau đó, với tư cách là một bác sĩ và là một bệnh nhân mắc bệnh tương tự, ông đã gặp và điều trị cho những đứa trẻ bị tiểu đường. Năm 2005, vì một căn bệnh khác bệnh tiểu đường, ông đã qua đời. Khi viết tài liệu này, Bác sĩ Miki muốn nhắn gửi đến độc giả thông điệp rằng “Bệnh nhân tiểu đường có thể làm bất cứ việc gì như người bình thường, bản thân tôi cũng vậy, dù bị tiểu đường nhưng tôi vẫn học lên trung học và hoàn thành ước mơ của mình, kết hôn rồi sinh con…Mọi người không nên từ bỏ chỉ vì bị bệnh tiểu đường“.

Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường
Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường

Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường

Dưới đây là tài liệu của bác sĩ Miki Yuko gồm 21 câu hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường.

Câu hỏi 1: Con tôi bị tiểu đường tuýp 1, liệu có phải tôi đã chăm sóc sai cách không?

Không phải như vậy. Bệnh tiểu đường tuýp 1 khởi phát không liên quan đến lối sống như ăn quá nhiều,…Vì vậy nếu phát hiện trẻ bị bệnh tiểu đường tuýp 1, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và nhận hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ về lộ trình điều trị bệnh.

Câu hỏi 2: Khi trẻ mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, cha mẹ nên làm như thế nào thì tốt?

Ngoài việc suy nghĩ về cách điều trị và cuộc sống hàng ngày của trẻ, cha mẹ cũng nên suy nghĩ về vấn đề tâm lý.

Nhiều cha mẹ khi con bị bệnh tiểu đường thường có khả năng rơi vào cảm giác rằng “sao con mình lại đáng thương, tội nghiệp như vậy”. Việc quản lý chế độ ăn uống và điều trị tiêm insulin cho trẻ khởi phát bệnh tiểu đường từ khi còn nhỏ là rất khó đối với cha mẹ. Do đó phần lớn cha mẹ có con bị tiểu đường thường lo lắng quá mức cho trẻ.

Cha mẹ nên chú ý không bảo vệ quá mức hoặc can thiệp quá mức vào cuộc sống của trẻ khi trẻ bị tiểu đường. Hãy đối xử với trẻ bình thường giống như những đứa trẻ không bị tiểu đường khác.

Ngoài ra, trong kiểm soát bệnh tiểu đường, điều quan trọng nhất là phải chấp nhận bệnh tiểu đường của bản thân. Trong trường hợp bệnh tiểu đường ở trẻ em, nếu cha mẹ chấp nhận việc con mình bị tiểu đường thì sẽ có thể điều trị cho trẻ tốt hơn.

Câu hỏi 3: Có điều gì mà trẻ không nên làm khi bị bệnh tiểu đường không?

Không có. Ngay cả việc chơi thể thao, có những đứa trẻ bị bệnh vẫn có thể bơi 3-4 giờ một ngày để hướng đến tham gia Thế vận hội Olympic và một số trẻ cũng tham gia ba môn phối hợp. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nếu trẻ không thể tự kiểm soát lượng đường trong máu (như điều trị hạ đường huyết), trẻ không thể làm những gì bản thân có thể làm.

Câu hỏi 4: Tại sao lại có sự khác biệt giữa trẻ kiểm soát đường huyết tốt và trẻ kiểm soát đường huyết không tốt?

Ở những đứa trẻ không thể chấp nhận bệnh tiểu đường và cố gắng sống mặc kệ căn bệnh, việc kiểm soát đường huyết thường không tốt. Tuy nhiên, khi những đứa trẻ này chấp nhận việc bản thân bị tiểu đường, việc kiểm soát đường huyết bắt đầu được cải thiện.

Một ví dụ về kiểm soát được cải thiện nhờ suy nghĩ tích cực. Có một nữ sinh trung học cơ sở bị bệnh tiểu đường với HbA1c 10% trong khoảng 6 năm. Cô bé nói rằng cô đã nói về căn bệnh tiểu đường của mình tại một cuộc phỏng vấn khi cô học trung học. Kết quả là, cô đã vượt qua cuộc phỏng vấn một cách tuyệt vời, trở nên tự tin hơn với căn bệnh tiểu đường của mình và việc kiểm soát cũng được cải thiện rất tốt. Có lẽ hình ảnh bệnh tiểu đường của cô đã thay đổi từ tiêu cực sang tích cực. Vì vậy suy nghĩ tích cực về bệnh chính là sự khác biệt giữa trẻ kiểm soát đường huyết tốt và trẻ kiểm soát đường huyết không tốt.

Câu hỏi 5: Có sự khác biệt nào giữa chế độ ăn uống cho bệnh tiểu đường ở trẻ em và chế độ ăn uống của bệnh tiểu đường ở người lớn?

Trẻ em vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên cần phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Lượng calo hấp thụ cần thiết sẽ được quyết định theo vóc dáng, thể trạng của trẻ với công thức [1.000+ tuổi × 100], tuy nhiên lượng calo sẽ tăng theo sự tăng trưởng của trẻ. Dù đã quyết định lượng calo cần thiết cho trẻ nhưng đôi khi cha mẹ nên kiểm tra với bác sĩ để nhân tư vấn và điều chỉnh phù hợp. Chế độ ăn uống nghiêm ngặt với trẻ bị bệnh tiểu đường là không cần thiết.

Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường 1
Chế độ ăn uống cho bệnh tiểu đường ở trẻ em và chế độ ăn uống của bệnh tiểu đường ở người lớn

Câu hỏi 6: Trẻ bị bệnh tiểu đường cần phải ăn uống vào một thời gian cố định đúng không?

Sẽ không có vấn đề nếu cho trẻ ăn lệch với giờ cố định khoảng 1 giờ. Việc cho trẻ ăn ba bữa chính mỗi ngày vào những giờ cố định là thực sự khó khăn. Ví dụ, khi trẻ muốn ngủ nhiều hơn bình thường vào ngày nghỉ học. Có thể gọi trẻ thức dậy như bình thường, rồi cho trẻ ăn, tiêm thuốc và sau đó ngủ lại, nhưng nếu kéo dài việc này thì sẽ không có hiệu quả. Vì vậy, cha mẹ cần xem xét suy nghĩ các biện pháp đối phó với một đứa trẻ có lượng đường trong máu dao động do thay đổi thời gian bữa ăn.

Câu hỏi 7: Trẻ bị bệnh tiểu đường bỏ bữa sáng có sao không?

Về nguyên tắc, trẻ cần phải ăn đầy đủ để tiêm insulin. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát gần đây, hơn một nửa học sinh cấp hai và cấp ba thường bỏ bữa sáng. Nếu trẻ thường dậy muộn, không kịp ăn bữa ăn đầy đủ, hãy ăn một ít cơm nắm, tiêm insulin tại nhà và ăn phần còn lại của nắm cơm khi đến trường. Tuy nhiên, trường hợp trẻ đang sử dụng insulin tác dụng cực nhanh hoặc trường hợp trẻ sử dụng insulin tác dụng nhanh và mất hơn 30 phút để đến trường hay trường hợp chỉ số đường huyết buổi sáng của trẻ thấp, không nên thực hiện theo cách trên vì có thể gây hạ đường huyết. Nếu trẻ cần tiêm bốn liều (sáng, trưa, tối và trước khi đi ngủ), trẻ có thể đi học mà không cần tiêm insulin buổi sáng mà có thể tiêm và ăn sau khi đến trường.

Câu hỏi 8: Không nên cho trẻ bị bệnh tiểu đường ăn bánh ngọt tại các bữa tiệc sinh nhật hay giáng sinh đúng không?

Không phải như vậy. Bởi đây là những dịp đặc biệt đối với trẻ mà mỗi năm chỉ có một lần. Tuy nhiên, nếu trẻ ăn bánh, lượng đường trong máu sẽ tăng lên, do đó cha mẹ cần phải đưa ra một số biện pháp như tiêm bổ sung insulin loại tác dụng nhanh hoặc cực nhanh.

Gần đây, người ta đã chỉ ra rằng nhiều bệnh nhân tiểu đường vị thành niên bị rối loạn ăn uống do có chế độ ăn uống quá nghiêm ngặt. Do đó không nên hạn chế quá mức việc ăn uống đối với trẻ bị tiểu đường. Đôi khi cha mẹ cần phải linh hoạt trong việc ăn uống của trẻ, chỉ cần thêm insulin và cho trẻ ăn nếu chúng thực sự muốn ăn. Tuy nhiên, cha mẹ nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trong trường hợp đó.

Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường 2
Có nên cho trẻ bị bệnh tiểu đường ăn bánh ngọt tại các bữa tiệc sinh nhật hay giáng sinh?

Câu hỏi 9: Có nên cho trẻ bị bệnh tiểu đường ăn đêm không?

Nếu trẻ đã từng bị chuột rút do lượng đường trong máu thấp vào ban đêm, hãy kiểm tra lượng đường trong máu của trẻ trước khi đi ngủ và quyết định xem có nên cho trẻ ăn nhẹ một bữa ăn đêm không. Nên cho trẻ ăn đêm vừa phải để lượng đường trong máu buổi sáng ở ngưỡng vừa phải mà không gây hạ đường huyết.

Nên cho trẻ ăn bữa đêm với những loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, proteinchất béo sẽ làm tăng lượng đường trong máu từ từ thay vì những loại giàu đường làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, nếu trẻ có lượng vận động lớn vào ban ngày, khả năng trẻ bị hạ đường huyết vào ban đêm là rất cao. Vận động với cường độ mạnh không chỉ gây hạ đường huyết sau khi tập thể dục mà có thể ảnh hưởng đến ngày hôm sau, vì vậy cha mẹ hãy chú ý về việc ăn uống của trẻ vào ngày trẻ có lượng vận động lớn.

Câu hỏi 10: Trường hợp lượng đường trong máu của trẻ bị tiểu đường thường tăng đột ngột hoặc ngược lại giảm xuống đột ngột, nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Bởi vì trẻ em có thể trạng nhỏ hơn và ít cơ bắp hơn người lớn, biến động lượng đường trong máu thường dễ xuất hiện với một lượng nhỏ insulin và những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống, tập luyện. Ngoài ra, nếu trẻ không còn sự bài tiết insulin nào, lượng đường trong máu của trẻ sẽ dễ biến đổi hơn so với khi vẫn còn một ít insulin được tiết ra. Ở trẻ quá nhỏ, dụng cụ tiêm insulin loại bút tương ứng với 1 đơn vị có thể sẽ không hiệu quả với việc kiểm soát đường huyết. Trong trường hợp đó, cha mẹ nên sử dụng dụng cụ tiêm dạng bút hoặc ống tiêm có thể điều chỉnh theo mức 0,5 đơn vị. Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn phù hợp.

Câu hỏi 11: Khi bị rò rỉ insulin tại thời điểm tiêm insulin cho trẻ, cha mẹ nên làm gì?

Tình trạng rò rỉ insulin khi tiêm thường xảy ra ở người lớn, nhưng ở trẻ em, tình trạng này cũng có thể xảy ra. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý vì lượng tiêm insulin ở trẻ em bị tiểu đường thường ít hơn người lớn nên nếu bị rò rỉ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu. Cha mẹ không thể xác định chính xác lượng insulin bị rò rỉ, vì vậy thay vì tiêm bổ sung lại ngay lập tức, cha mẹ nên theo dõi sự biến động của lượng đường trong máu trong một thời gian, đo lượng đường trong máu nếu cần thiết và tiêm bổ sung nếu lượng đường trong máu cao hơn bình thường.

Câu hỏi 12: Cha mẹ nên điều chỉnh chế độ ăn uống và insulin cho trẻ bị tiểu đường như thế nào khi trẻ có lớp học thêm?

Sẽ không tốt nếu cho trẻ ăn tối muộn. Trong trường hợp trẻ được chỉ định tiêm insulin 4 lần trong ngày, insulin được tiêm tùy theo lượng ăn trước khi đi học của trẻ (với lượng 2/3 nếu trẻ ăn 2/3 lượng thông thường) và sau khi trở về nhà, lượng tiêm insulin sẽ được điều chỉnh theo lượng trẻ ăn. Nếu trẻ có lớp học thêm sớm hơn giờ ăn tối, không tiêm insulin và cho trẻ ăn nhẹ một bữa nhỏ, sau khi trẻ đi học về sẽ tiêm insulin và cho trẻ ăn.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào khoảng chênh lệch giữa thời gian đi học và thời gian bình thường hàng ngày của trẻ mà phản ứng cơ thể trẻ sẽ khác nhau, vì vậy cha mẹ nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Câu hỏi 13: Gần đây, lượng sử dụng insulin cho trẻ đã tăng lên nhanh chóng. Điều này có làm bệnh tiểu đường trở nên tồi tệ hơn không?

Giai đoạn trẻ còn nhỏ, khi cơ thể đang phát triển, lượng insulin cần thiết sẽ tăng lên. Bởi vì insulin là một hormone thiết yếu cho sự tăng trưởng cơ thể cũng như sự hấp thu glucose, đặc biệt là đối với trẻ em vị thành niên. Vì vậy, việc tăng lượng insulin cần thiết sẽ không làm bệnh tiểu đường trở nên tồi tệ hơn.

Câu hỏi 14: Tăng lượng insulin sẽ làm trẻ béo lên đúng không?

Vì khi tăng lượng insulin, trẻ cũng cần ăn nhiều hơn nên sẽ gây tăng cân. Nếu cha mẹ giảm insulin và không tiêm đủ lượng cần thiết cho trẻ, tình trạng tăng đường huyết sẽ kéo dài và glucose sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng. Để trẻ có thể tăng trưởng khỏe mạnh, điều quan trọng là phải bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ và tiêm lượng insulin cần thiết.

Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường 3
Tăng lượng insulin sẽ làm trẻ béo lên đúng không?

Câu hỏi 15: Nên đo đường huyết cho trẻ bao nhiêu lần 1 ngày?

Không có quy định về số lần đo đường huyết trong 1 ngày cho trẻ bị tiểu đường. Có những trường hợp trẻ nhỏ được cha mẹ đo đường huyết 3~4 lần một ngày, nhưng khi trẻ lớn hơn, thường trung bình 11 ngày đo đường huyết khoảng 2 lần.

Điều quan trọng cần lưu ý khi đo đường huyết cho trẻ là không để trẻ bị kích động hay lo lắng về giá trị đo. Có những đứa trẻ bị trầm cảm, tức giận hoặc lo lắng khi thấy chỉ số đường huyết quá cao. Kết quả đo đường huyết sẽ không giúp trẻ kiểm soát tốt hơn mà điều quan trọng là khi phát hiện ra rằng lượng đường trong máu quá cao, cha mẹ sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hiệu quả. Ngoài ra, việc đo đường huyết sẽ giúp cha mẹ và trẻ biết được sự biến động đường huyết của trẻ.

Mặt khác, cần phải đo đường huyết khi thấy tình trạng bệnh của trẻ không tốt hoặc khi nghĩ trẻ có dấu hiệu bị hạ đường huyết. Bởi khi thấy trẻ có dấu hiệu hạ đường huyết, cha mẹ thường cho trẻ ăn bổ sung để tăng đường huyết, việc đo đường huyết sẽ giúp cha mẹ xác nhận tình trạng hạ đường huyết của trẻ để bổ sung lượng ăn phù hợp.

Câu hỏi 16: Làm thế nào để nhận biết tình trạng hạ đường huyết ở trẻ bị bệnh tiểu đường?

Trong những trẻ đang học tiểu học, có rất nhiều trẻ không nhận thức được tình trạng hạ đường huyết. Tuy nhiên, dường như chính trẻ em cũng cảm giác có gì đó lạ trong cơ thể. Do đó khi cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện lạ và nghi ngờ đó là hạ đường huyết, hãy thử đo lượng đường trong máu của trẻ. Trẻ nhỏ thường kêu đói ngay cả khi chúng bị tăng đường huyết.

Cha mẹ nên chú ý nhận biết các dấu hiệu hạ đường huyết của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời bởi nếu không để ý đến tình trạng này, tình trạng bệnh của trẻ có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Câu hỏi 17: Trẻ bị tiểu đường nên thực hiện chế độ tập luyện điều trị ở tuổi nào?

Trong trường hợp bệnh tiểu đường ở trẻ em, chế độ tập luyện điều trị về cơ bản là không cần thiết. Trẻ em, đặc biệt là học sinh tiểu học thường luôn vui chơi, chạy nhảy tại trường học, vì thể không cần phải thực hiện thêm chế độ tập luyện. Ngược lại, không nên hạn chế trẻ bị bệnh tiểu đường tập thể dục hay vui chơi. Tuy nhiên, vì lượng đường trong máu của trẻ sẽ tăng vào những ngày trẻ không thể chơi bên ngoài như những ngày mưa nên cha mẹ nên cân nhắc tăng lượng insulin vào những ngày này. Ngoài ra, nếu trẻ bị tiểu đường là một học sinh trung học cơ sở và mê chơi game nên suốt ngày ở nhà, cha mẹ nên yêu cầu trẻ ra ngoài vận động…

Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường 4
Trẻ bị tiểu đường nên thực hiện chế độ tập luyện điều trị ở tuổi nào?

Câu hỏi 18: Đôi khi trẻ bị tiểu đường thường tự lén ăn vặt mà không nói cho bố mẹ biết đúng không?

Đúng như vậy, trẻ em là đối tượng thường hay ăn vặt nên rất khó để cấm trẻ ăn vặt. Tuy nhiên, nếu để cho trẻ ăn vặt thoải mái thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc điều trị bệnh tiểu đường. Nếu trẻ không thể dừng việc ăn vặt, có lẽ tốt hơn nên cho trẻ ăn một chút rồi điều chỉnh lượng insulin phù hợp hơn là để trẻ bị căng thẳng. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận tư vấn, hướng dẫn phù hợp.

Câu hỏi 19: Có những trường hợp trẻ sau khi bước vào tuổi dậy thì trở nên không nghe lời cha mẹ, kiểm soát đường huyết không tốt và dẫn đến những lo lắng về các biến chứng đúng không?

Tuổi dậy thì là giai đoạn trẻ phát triển thành một người trưởng thành độc lập về mặt xã hội. Đây là giai đoạn cha mẹ cần giám sát, quản lý trẻ một cách cẩn thận, thậm chí nên khắt khe một chút. Cha mẹ nên nhẹ nhàng lắng nghe ý kiến của trẻ và chỉ dạy khi cần thiết để tránh gây cho trẻ cảm giác bị ràng buộc quá mức.

Nếu trẻ bị bệnh tiểu đường từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên cho trẻ đi tái khám lại bệnh trước giai đoạn dậy thì để trẻ nhận thức rõ tình trạng bệnh của mình và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc điều trị.

Cha mẹ không nên lúc nào cũng hỏi trẻ những câu hỏi như “con đã đo lượng đường trong máu chưa?”, “con đã tiêm chưa?”, đứa trẻ sẽ trở nên nổi loạn hơn. Nếu cha mẹ can thiệp quá nhiều vào việc điều trị tiểu đường khi trẻ trưởng thành, trẻ sẽ nghĩ rằng việc kiểm soát bệnh là cho cha mẹ chứ không phải cho bản thân chúng và chúng cảm thấy bị bó buộc, không tự lập được.

Câu hỏi 20: Làm thế nào để bạn bè/ giáo viên ở trường mẫu giáo và trường học biết bệnh tiểu đường đúng cách?

Ở trường học, mọi người thường không hiểu rõ về bệnh tiểu đường nên cha mẹ và trẻ bị tiểu đường thường có gánh nặng tâm lý lớn về việc ăn uống của trẻ và lo lắng về tình trạng hạ đường huyết. Cha mẹ có trẻ bị tiểu đường nên chia sẻ với nhà trường về tình trạng bệnh của con mình và yêu cầu hỗ trợ, trẻ bị tiểu đường cũng nên nói với bạn bè về bệnh tiểu đường để nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều cuốn sách liên quan đến bệnh tiểu đường ở trẻ em, cha mẹ có thể nhờ nhà trường và các giáo viên cho các con tìm hiểu về bệnh tiểu đường từ những cuốn sách này.

Câu hỏi 21: Trẻ bị tiểu đường có thể trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai không?

Có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 đang hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Gần đây, có những học sinh trung học Nhật Bản bị tiểu đường đã giành chiến thắng trong cuộc thi thể dục nhịp điệu thế giới.

Bóng đá là một môn thể thao khắc nghiệt. Vì vậy nếu trẻ bị bệnh tiểu đường trở thành một cầu thủ bóng đá, tình trạng hạ đường huyết không thể tránh khỏi. Nhưng một khi trẻ có thể tự mình kiểm soát lượng đường trong máu tốt thì việc trở thành một cầu thủ bóng đá có thể thi đấu tại World Cup không phải là một giấc mơ.

Nếu bị khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 1 khi học trung học hoặc đại học

Bệnh tiểu đường tuýp 1 khởi phát ở trẻ đã trưởng thành ở một mức độ nhất định sẽ khác với bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em.

Trước hết, đây không phải là độ tuổi mà cha mẹ có thể luôn bên cạnh chăm sóc, nên rất khó để trẻ có thể học ngay từ đầu và quản lý mọi thứ. Và đây cũng là độ tuổi khó để chấp nhận căn bệnh bất ngờ xảy ra khi đang có một cuộc sống bình thường, khi đã xác định rõ ước mơ và nguyện vọng của bản thân.

Nói chung nếu bị khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 1 khi học trung học hoặc đại học, người bệnh thường khó chấp nhận việc bản thân bị bệnh hơn.

Bạn đang xem bài viết:Hỏi đáp về cuộc sống của trẻ em bị tiểu đường” tại Chuyên mục:Sống cùng bệnh“.

https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)

Chia sẻ
Bài viết liên quan
Tiểu đường tuýp 1 2 là gì? So sánh bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường tuýp 1 2 là gì ? Bệnh tiểu đường tuýp 1 và...
Triệu chứng bệnh tiểu đường
Ở giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường, có nhiều trường hợp bệnh tiến...
Kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp giúp phòng ngừa bệnh Block tim
Block tim là một dạng rối loạn nhịp tim gây ảnh hưởng đến sức...
Làm thế nào để giúp trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có một cuộc sống học đường tốt hơn?
Tại Tokyo vào ngày 21 tháng 7, Nippon Medtronic đã tổ chức một cuộc...
Insulin có những tác dụng phụ gì?
Insulin là loại thuốc đặc hiệu giúp giảm lượng đường trong máu. Có thể...
Các triệu chứng hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường đang điều trị insulin
Hầu hết những người đang điều trị tiểu đường bằng insulin đều có thể...
Tiểu đường tuýp 1 2 là gì? So sánh bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2
Triệu chứng bệnh tiểu đường
Kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp giúp phòng ngừa bệnh Block tim
Làm thế nào để giúp trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có một cuộc sống học đường tốt hơn?
Insulin có những tác dụng phụ gì?
Các triệu chứng hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường đang điều trị insulin
Xem nhiều nhất
Mới nhất
Bệnh nhân tiểu đường cần “Vitamin D” – Quan trọng cho việc xây dựng xương khỏe mạnh – 98% người Nhật thiếu “Vitamin D”
Hoạt động thể dục như đi bộ vào buổi chiều giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu – Những người mắc bệnh tiểu đường cần quan tâm đến lối sống hàng ngày
Chất xơ trong thực phẩm giúp giảm nguy cơ tiểu đường và béo phì bằng cách tạo ra axit béo ngắn, tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột
9 biện pháp phòng ngừa và cải thiện với “nấm chân” ở người bị tiểu đường – Vượt qua mùa hè nóng ẩm
Yoga giúp cải thiện tiểu đường và huyết áp cao, có tác động tích cực đến tâm lý và thích nghi với thay đổi trong thời đại sau dịch COVID
Người bị tiểu đường có sự lão hóa nhanh của não? Giảm đường huyết giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức đáng kể – “Bảy lối sống phòng ngừa”
Những lối sống chung của những người thành công trong “giảm cân” – Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
WHO thiết lập 5 mục tiêu toàn cầu cho bệnh tiểu đường nhằm Bảo vệ cuộc sống của những người mắc bệnh tiểu đường – Phản ứng chống lại sự gia tăng nhanh chóng của tiểu đường trên toàn thế giới
Chỉ 2 phút đi bộ sau bữa ăn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ngủ trưa dài làm tăng nguy cơ béo phì, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường