Yếu tố làm gia tăng tiểu đường ở cả trẻ em và thanh thiếu niên
Danh mục nội dung
1. Hơn 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị thừa cân béo phì
Tổng thư ký UNICEF cho biết: “Trong vài thập kỷ qua, nhiều nước đã có những phát triển vượt bậc về công nghệ, văn hóa và xã hội, tuy nhiên lại thiếu các chính sách quan tâm đến sức khỏe của trẻ em. Nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm đến thực trạng cơ bản là nếu trẻ em không được ăn uống đầy đủ thì không thể sống được. Chúng ta cần phải thay đổi lại cách suy nghĩ từ trước đến nay về vấn đề thiếu dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ. Không chỉ đơn thuần là cung cấp thức ăn cho trẻ mà chúng ta cần phải xây dựng một môi trường xã hội giúp trẻ có thể ăn đúng bữa. Đây là vấn đề chung của cả thế giới”.
Việc ăn uống không lành mạnh và béo phì ở trẻ em đang là những vấn đề chung của toàn cầu. Theo báo cáo, hơn 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị thừa cân hoặc béo phì.
Ngày nay, việc kinh doanh và quảng cáo cho các loại đồ ăn nhanh và thực phẩm siêu chế biến có ít chất dinh dưỡng không chỉ phổ biến ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển. Trong khi trẻ em dễ dàng mua các thực phẩm không lành mạnh chứa nhiều calo, đường và chất béo thì những thực phẩm lành mạnh như rau, trái cây và ngũ cốc,… lại ngày càng khó tiếp cận.
Khi đứa trẻ càng lớn lên, việc ăn uống các thực phẩm không lành mạnh lại càng nhiều hơn. Ví dụ, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, 42% trẻ em đến trường học uống ít nhất 1 lon nước ngọt có hàm lượng calo và đường cao mỗi ngày và 46% trẻ em ăn đồ ăn nhanh ít nhất một lần mỗi tuần. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở những nước thu nhập cao, lần lượt là 62% và 49%. Do đó, có thể thấy tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân và béo phì đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Từ năm 2000 – 2016, tỷ lệ trẻ thừa cân ở độ tuổi từ 5 – 19 tuổi tăng gấp đôi từ 10,3% lên 18,4%. Nếu các quốc gia vẫn không thực hiện các chính sách để cải thiện tình trạng này, số trẻ em béo phì dưới 5 tuổi dự kiến sẽ tăng lên khoảng 40 – 43 triệu người vào năm 2025.
Vậy nguyên nhân nào gây tăng béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên? Nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên nhân như tiêu thụ nhiều calo, ăn nhiều đồ ăn vặt có lượng calo cao quá mức hay do chế độ ăn uống hiện đại đang dần thế chỗ cho chế độ ăn truyền thống cùng với việc thiếu tập thể dục do đô thị hóa. Ngoài ra, còn có các nghiên cứu về việc thói quen ăn uống gây ra sự thay đổi trong hệ vi sinh vật ở đường ruột của trẻ em và thanh thiếu niên.
2. Chế độ ăn uống lúc nhỏ ảnh hưởng đến sự gia tăng béo phì khi trưởng thành
Một nghiên cứu tại Đại học Tennessee ở Hoa Kỳ đã chứng minh một số yếu tố gây ra tình trạng béo phì và tiểu đường tuýp 2 ở người trưởng thành bắt nguồn từ chế độ ăn uống không lành mạnh lúc nhỏ. Các nhà nghiên cứu cho biết thói quen ăn uống được hình thành từ lúc nhỏ có thể tác động đến sự gia tăng của béo phì và tiểu đường sau khi trưởng thành.
Tại Hoa Kỳ, vào năm 2016, số lượng người trưởng thành bị thừa cân béo phì đã tăng lên 93 triệu, chiếm khoảng 40% dân số trưởng thành ở Mỹ. Chỉ riêng ở Tennessee, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đã tăng hơn gấp ba lần từ 11% vào năm 1990 lên 35% vào năm 2016. Theo các nhà nghiên cứu, sự gia tăng tiêu thụ đường ở trẻ em từ những năm 1970 – 1980 ở Hoa Kỳ có liên quan đến sự gia tăng béo phì ở người trưởng thành vào những năm 1990. Khi đó, lượng đường được tiêu thụ chủ yếu là siro ngô hàm lượng cao fructose, chủ yếu bao gồm fructose và glucose. Việc gia tăng béo phì quá mức ở Hoa Kỳ có thể bắt nguồn từ chế độ ăn chứa nhiều đường lúc nhỏ.
3. Cần đưa ra các chính sách để tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ
Ở các nước thu nhập cao và trung bình như Brazil, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh số bán sữa bột tăng 72% từ năm 2008 đến 2013. Điều này cho thấy rằng các quốc gia vẫn còn thiếu chương trình và chính sách bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh sữa mẹ rất giàu chất dinh dưỡng như chất béo, protein, carbohydrate và khoáng chất, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh, thúc đẩy sự phát triển của não và rất hữu ích cho sự hình thành hệ vi khuẩn đường ruột. Sữa mẹ không chỉ đơn giản là thực phẩm mà còn có tác dụng như thuốc có tác dụng mạnh mẽ, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh.
WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và UNICEF khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên và tiếp tục cho con bú đến 2 tuổi kết hợp bổ sung chế độ ăn uống phù hợp. Tuy nhiên, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng có nhiều khó khăn. Ở các nước đang phát triển, có nhiều bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng do thiếu kiến thức hoặc do công việc, các mẹ thường có xu hướng cho con ăn sữa bột hoặc thức ăn trẻ em từ lúc còn khá sớm. Tại Nhật Bản, 96% phụ nữ mang thai đều muốn cho con bú, nhưng kết quả khảo sát lại cho thấy tỷ lệ cho con bú trong ba tháng đầu chỉ dừng ở mức 38%.
Để cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ cho sự tăng trưởng của trẻ em và thanh thiếu niên, UNICEF đang kêu gọi sự hợp tác của chính phủ các quốc gia, các tổ chức tư nhân, nhà cung cấp thực phẩm, gia đình… cùng thực hiện các biện pháp sau:
– Khuyến khích trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình ăn thực phẩm bổ dưỡng. Cần cung cấp kiến thức và thông tin để các bậc phụ huynh cho trẻ ăn thức ăn bổ dưỡng. Ngoài ra, cũng cần giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em về các chế độ ăn uống lành mạnh.
– Cung cấp các thực phẩm lành mạnh với giá cả phải chăng: Phát triển hệ thống sản xuất và tiêu thụ để có thể cung cấp thực phẩm lành mạnh với chi phí thấp. Khuyến khích các nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm để cải thiện chất lượng thực phẩm đưa ra thị trường.
– Kêu gọi sự hợp tác từ các trường học, các cơ sở công cộng và tư nhân
– Thu thập dữ liệu về chế độ ăn uống và dinh dưỡng của trẻ em, thanh niên và phụ nữ.
Bạn đang xem bài viết: “ Yếu tố làm gia tăng tiểu đường ở cả trẻ em và thanh thiếu niên” tại Chuyên mục: “Ăn uống và vận động“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)