Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin
1. Định nghĩa
Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin có tên tiếng anh là Insulin-dependent Diabetes Mellitus (IDDM).
Là bệnh tiểu đường xảy ra khi lượng tiết insulin từ tuyến tụy bị giảm mạnh. Do bệnh này chủ yếu khởi phát ở trẻ nhỏ nên còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên nằm trong bệnh tiểu đường tuýp 1.
![Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin 1](https://kienthuctieuduong.vn/wp-content/uploads/2019/01/benh-dai-thao-duong-phu-thuoc-insulin-1.jpg)
Để điều trị bệnh tiểu đường này, việc sử dụng thuốc insulin là hoàn toàn cần thiết. Theo báo cáo về số lượng trẻ bị mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin trong tổng số trẻ em Nhật Bản, trong số 100.000 trẻ có khoảng 8 trẻ bị bệnh. Ở các nước Âu Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ nhỏ phổ biến gấp 10~30 lần so với Nhật Bản.
Trước tiên bệnh nhân tiểu đường cần: Tìm hiểu về Insulin là gì? để hiểu rõ tầm quan trọng của Insulin đối với người bị đái tháo đường (tiểu đường)
2. Nguyên nhân
Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin là một trong số các bệnh tự miễn (tự tạo ra cơ chế miễn dịch với chính mình).
Khi xét nghiệm máu của một người bị bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin, thường tìm thấy rất nhiều các chất tự kháng thể như kháng thể của tiểu đảo tụy hay tiểu đảo Langerhans (ICA)_ là nhóm tế bào phân bố ở giữa túi của tuyến tụy, kháng thể GAD phản ứng với mô của tiểu đảo tụy hay tiểu đảo Langerhans và gây tổn thương tuyến tụy. Điều này cho thấy rằng hệ thống miễn dịch tự bảo vệ và loại bỏ những mối nguy hại từ bên ngoài như virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bắt đầu tự tấn công chính phần cơ thể cần được bảo vệ. Thể trạng dễ xảy ra hiện tượng tự miễn được cho là do yếu tố di truyền.
![Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin 2](https://kienthuctieuduong.vn/wp-content/uploads/2019/01/benh-dai-thao-duong-phu-thuoc-insulin-2.jpg)
Tuy nhiên, không phải tất cả những người có thể trạng dễ tự miễn dịch đều bị bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin. Bởi hiện tượng tự miễn gây khởi phát bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin xảy ra ngoài do yếu tố di truyền còn do các yếu tố môi trường như nhiễm virus, ảnh hưởng của các chất hóa học.
Cho đến nay, bệnh tiểu đường này thường được cho là một căn bệnh tiến triển nhanh chóng, tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh tiến triển kéo dài một vài tháng hoặc một vài năm từ khi xuất hiện triệu chứng tự miễn đến khi khởi phát bệnh.
3. Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin xảy ra rất nhanh.
Áp suất thẩm thấu của máu gia tăng do lượng đường trong máu cao. Kết quả là, xuất hiện triệu chứng khô họng, triệu chứng đa niệu – tăng lượng nước tiểu do uống nhiều nước. Khi lượng nước tiểu tăng lên, có thể bắt đầu xuất hiện tình trạng tiểu đêm nhiều lần.
Cơ thể dễ thiếu nước, da kém đàn hồi và có thể bị sốt.
![Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin 3](https://kienthuctieuduong.vn/wp-content/uploads/2019/01/benh-dai-thao-duong-phu-thuoc-insulin-3.jpg)
Sự thiếu hụt insulin khiến glucose không được chuyển hóa thành nguồn năng lượng của cơ thể, để có thể sử dụng protein và chất béo trong cơ thể như một nguồn năng lượng thay thế cần phải đẩy mạnh sự phân giải protein và chất béo, điều này dẫn đến hiện tượng cân nặng bị giảm và dễ mệt mỏi.
Sự phân giải chất béo làm sản sinh chất gọi là thể ceton, nếu chất này tích tụ trong cơ thể khiến máu có tính axit, dẫn đến tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Khi tình trạng này xảy ra, hơi thở bệnh nhân có mùi khó chịu. Ngoài ra, bệnh nhân còn xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, triệu chứng thở sâu và có thể rơi vào tình trạng hôn mê.
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là tình trạng thường xuất hiện không chỉ khi bệnh tiểu đường đã chuyển biến xấu hơn mà còn khi rối loạn trong kiểm soát đường huyết do bệnh hoặc stress.
4. Xét nghiệm và chẩn đoán
Kết quả của xét nghiệm máu là lượng đường trong máu cao – triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường. Không cần phải tiến hành xét nghiệm thêm và nên tiến hành điều trị ngay.
Nếu xét nghiệm nước tiểu cho kết quả dương tính về lượng đường trong nước tiểu, bệnh nhân sẽ được cho uống một dung dịch đã hòa tan glucose và thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose để kiểm tra khả năng tiết insulin và sự biến đổi của lượng đường trong máu. Dù chỉ số đường huyết khi khám nằm trong phạm vi bình thường nhưng đây có thể là chỉ số đường huyết cao duy trì từ lần khám trước. Để kiểm tra điều này, tiến hành đo glycohemoglobin (HbA1 / HbA1c), fructosamine trong máu.
Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường này là bệnh khó phân biệt với bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Nếu tiến hành kiểm tra các kháng thể của tiểu đảo tụy hay tiểu đảo Langerhans và kháng thể GAD sẽ có hiệu quả trong việc chẩn đoán bệnh này.
Chỉ số HbA1c được coi là chỉ số vàng trong kiểm soát đường huyết >> Tìm hiểu ngay: Chỉ số HbA1c là gì? Chỉ số HbA1c bao nhiêu là bình thường?
5. Điều trị
Bệnh tiểu đường này chủ yếu điều trị bằng insulin, nhưng việc chú ý về chế độ ăn uống và vận động cũng rất quan trọng.
– Điều trị bằng insulin
Trong điều trị bệnh này, việc sử dụng insulin là không thể thiếu để duy trì tính mạng của bệnh nhân.
Ở người khỏe mạnh, khi lượng đường trong máu tăng sau khi ăn, insulin sẽ được tiết ra để làm giảm lượng đường trong máu.
Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin là bệnh mà insulin không được tiết ra, nên bệnh nhân cần được bổ sung lượng insulin giống với tình trạng tiết insulin ở người khỏe mạnh và phải có chế độ ăn phù hợp.
Tiêm insulin là một phương pháp bổ sung insulin cơ bản, phù hợp với mọi độ tuổi và lối sống, insulin được tiêm dưới da 2-4 lần mỗi ngày.
Các yếu tố khác ngoài chế độ ăn uống như bệnh tật, stress cũng khiến lượng đường trong máu tăng lên nhưng nếu vận động đầy đủ có thể giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, khi bị bệnh tiểu đường này, hoạt động của insulin kém đi nên bệnh nhân cần tiêm insulin phù hợp với lượng đường trong máu.
Insulin dùng để tiêm được tạo ra bằng cách áp dụng công nghệ của kỹ thuật gen, là insulin thường tổng hợp để loại bỏ các tạp chất gây dị ứng.
Thuốc insulin có 3 loại tác dụng nhanh, tác dụng trung hạn, tác dụng dài hạn khác nhau về thời gian xuất hiện hiệu quả từ lúc tiêm và thời gian duy trì hiệu quả của thuốc, vì vậy bệnh nhân có thể chọn sử dụng dựa theo các tính năng của từng loại.
Các dụng cụ tiêm và kim tiêm insulin được tạo ra giúp bệnh nhân có thể tiêm một lượng insulin chính xác và giảm bớt sự đau đớn. Ngoài ra hiện nay còn có một loại bút tiêm insulin thuận tiện cầm đi.
![Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin 4](https://kienthuctieuduong.vn/wp-content/uploads/2019/01/benh-dai-thao-duong-phu-thuoc-insulin-4.jpg)
Sau một thời gian bắt đầu tiêm insulin, lượng insulin được tiết ra tăng lên, bệnh nhân có thể giảm lượng tiêm insulin, tuy nhiên khi các tế bào β tuyến tụy gần như biến mất, bệnh nhân cần phải tăng lượng tiêm insulin.
Vì vậy nếu bệnh nhân sử dụng insulin hiệu quả và chú ý đến việc quản lý sức khỏe bản thân, bệnh nhân có thể duy trì bệnh ổn định như đã chữa khỏi.
Để làm được điều này, bệnh nhân nên được học về đặc trưng của các loại insulin và cách tiêm insulin đúng, tự đo đường huyết và biết cách tăng giảm lượng tiêm phù hợp với sự biến động của của đường huyết.
Tự kiểm soát bệnh tiểu đường với hướng dẫn Điều trị tiểu đường bằng Insulin đúng cách
– Điều trị bằng thuốc khác
Nguyên tắc điều trị bệnh tiểu đường này là điều trị bằng insulin, vì thế các loại thuốc như thuốc uống hạ đường huyết và thuốc cải thiện tính kháng insulin sẽ không có hiệu quả.
Tuy nhiên, dù đã tiêm insulin trước bữa ăn, một số bệnh nhân vẫn có xu hướng tăng đường huyết ngay sau bữa ăn. Trong trường hợp này, có thể sử dụng kết hợp loại thuốc như chất ức chế alpha-glucosidase làm chậm quá trình tiêu hóa đường trong ruột non, giảm hấp thụ đường.
– Ăn uống
Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin cũng phát triển như những trẻ bình thường khác nên cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Lượng năng lượng hấp thụ được tính toán không chỉ dựa theo độ tuổi và vóc dáng phù hợp mà còn phải phù hợp với lượng hoạt động hàng ngày. Nếu trẻ có vóc dáng chuẩn thì lượng năng lượng hấp thụ và phân bổ dinh dưỡng giống như trẻ khỏe mạnh cùng độ tuổi. Không cần hạn chế việc ăn uống của trẻ mà chỉ cần cung cấp đầy đủ lượng năng lượng cần thiết và cần hạn chế hấp thụ nhiều đường.
![Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin 5](https://kienthuctieuduong.vn/wp-content/uploads/2019/01/benh-dai-thao-duong-phu-thuoc-insulin-5.jpg)
Tuy nhiên, khi trẻ ăn nhiều, lượng insulin tăng lên gây béo phì, cần phải kiểm tra mức độ béo và sự tăng trưởng của trẻ để điều chỉnh và cung cấp lượng năng lượng thích hợp.
Xem thêm bài viết hữu ích:
– Vận động
Vận động vừa phải là việc không thể thiếu đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, có vai trò làm giảm lượng đường trong máu và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, do việc vận động đi kèm với việc tiêu hao năng lượng nên vận động có nguy cơ gây hạ đường huyết ở trẻ đang sử dụng insulin nếu trẻ vận động quá sức.
Khi trẻ vận động thể chất trong giờ học thể dục, trong các hoạt động câu lạc bộ, nên đo chỉ số đường huyết của trẻ trước, trong, sau khi vận động và cần điều chỉnh cách kiểm soát đường huyết, lượng vận động. Tùy thuộc vào lượng đường trong máu và mức độ vận động, có thể bổ sung các bữa phụ để phòng ngừa hạ đường huyết.
Khi tăng đường huyết nghiêm trọng, thể ketone trong máu tăng lên, nếu vận động có thể khiến đường trong máu tăng mạnh. Trong trường hợp này, nên ngừng vận động.
Tìm hiểu về:
– Biện pháp đối với hiện tượng hạ đường huyết
Lượng đường trong máu của trẻ em mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin rất dễ biến động, dễ bị ảnh hưởng bởi vận động và những thay đổi trong lối sống. Khi đường huyết đạt đến mức bình thường cũng có thể bị giảm mạnh và gây hạ đường huyết.
Khi có triệu chứng của hạ đường huyết nên bổ sung nước hoặc bánh có chứa đường, glucose, sucrose.
Khi bệnh nhân hạ đường huyết bị mất ý thức và không thể bổ sung đường vào từ miệng, có thể tiêm hormone glucagon làm tăng lượng đường trong máu.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chuẩn bị xử lý trong trường hợp bị hạ đường huyết.
![Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin 6](https://kienthuctieuduong.vn/wp-content/uploads/2019/01/benh-dai-thao-duong-phu-thuoc-insulin-6.jpg)
Nếu bệnh nhân cố gắng tránh hạ đường huyết có thể khiến lượng đường trong máu tăng liên tục và sẽ gây ra các biến chứng bệnh tiểu đường theo thời gian. Cố gắng kết hợp kiểm soát trong thời gian ngắn sự xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết và tăng đường huyết với kiểm soát lâu dài các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Để duy trì biện pháp kiểm soát đường huyết tốt và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin, điều quan trọng là phải hiểu đúng về bệnh cũng như cách điều trị bệnh và thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ.
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)