Phương pháp kiểm soát đường huyết trước và sau khi sinh mổ
Khi cơ thể con người phải phẫu thuật, nhiều loại hormone căng thẳng được giải phóng để duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể. Trong số đó, cortisol và catecholamine đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể như duy trì các chức năng trao đổi chất, hô hấp và hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Vì các hormone căng thẳng này hoạt động đối kháng với insulin, nên độ nhạy với insulin trong, sau phẫu thuật thường giảm và chỉ số đường huyết tăng lên do sự thúc đẩy của việc tạo đường mới. Sự dị hóa chất béo và protein được tăng cường, thể ketone được sản sinh ra, từ đó dễ gây ra tình trạng nhiễm toan ceton và hôn mê tăng thẩm thấu. Hơn nữa, tình trạng tăng đường huyết làm giảm chức năng thực bào, hoạt động diệt khuẩn và hóa ứng động của bạch cầu trung tính, dẫn đến sự gia tăng các cytokine gây viêm, do đó làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Ngoài ra, trường hợp thai phụ kiểm soát đường huyết kém ngay trước khi sinh thì có thể gây hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Vì những lý do này, trong kiểm soát giai đoạn phẫu thuật sinh mổ cho phụ nữ mang thai bị rối loạn chuyển hóa glucose, việc kiểm soát đường huyết là rất quan trọng. Cùng tìm hiểu thêm về phương pháp kiểm soát đường huyết trước và sau khi sinh mổ đối với người mẹ bị rối loạn chuyển hóa glucose tại bài viết dưới đây.
Danh mục nội dung
1. Đánh giá trước phẫu thuật sinh mổ
Thai phụ bị rối loạn chuyển hóa glucose, đặc biệt là ở thai phụ bị tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, điều quan trọng là phải đánh giá các biến chứng bệnh tiểu đường. Nói cách khác, ngoài việc đánh giá bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh thận tiểu đường, bệnh thần kinh tiểu đường, thai phụ cần phải được đánh giá chức năng tuần hoàn.
2. Kiểm soát đường huyết trước phẫu thuật sinh mổ
Trong trường hợp thai phụ kiểm soát đường huyết kém, nên nhập viện ở tuần 36~37 của thai kỳ và lên kế hoạch sinh mổ sau khi ổn định đường huyết bằng chế độ ăn uống và liệu pháp insulin.
Trong trường hợp phụ nữ mang thai bị rối loạn chuyển hóa glucose, mục tiêu kiểm soát đường huyết cụ thể là chỉ số đường huyết lúc đói vào buổi sáng là ≤95 mg/dL, chỉ số đường huyết trước khi ăn là ≤100 mg/dL và chỉ số đường huyết 2 giờ sau ăn là 120 mg/dL. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp thai phụ bị bệnh tiểu đường tuýp 1 thường rất khó duy trì mục tiêu này.
3. Kiểm soát đường huyết sau phẫu thuật sinh mổ
Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn nhất định liên quan đến kiểm soát đường huyết sau phẫu thuật sinh mổ ở thai phụ bị rối loạn chuyển hóa glucose. Nếu thai phụ thực hiện kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt trong giai đoạn phẫu thuật sinh mổ, việc hồi phục sau sinh sẽ tốt hơn.
Buchleitner AM đã tiến hành so sánh nhóm thai phụ bị tiểu đường tập trung kiểm soát đường huyết sau phẫu thuật và nhóm kiểm soát đường huyết thông thường, nhưng kết quả chỉ ra rằng không có sự khác biệt về sự hồi phục sau phẫu thuật giữa hai nhóm và cần phải có thêm bằng chứng khoa học.
Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng ở thai phụ bị rối loạn chuyển hóa glucose sau sinh đang điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt được thực hiện bởi The NICE-SUGAR Study Investigators đã chỉ ra rằng so với nhóm kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt với giá trị đường huyết mục tiêu ≤180mg/dL, tỷ lệ tử vong sau 90 ngày ở nhóm kiểm soát đường huyết với giá trị mục tiêu là từ 81~108 mg/dL thường thấp hơn. Ngoài ra, trong nhóm thực hiện kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt, tỷ lệ xuất hiện tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng tăng đáng kể. Do đó, sau khi có một báo cáo rằng kiểm soát đường huyết quá nghiêm ngặt (liệu pháp insulin tăng cường) sẽ làm cho sự hồi phục của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn, Hiệp hội Nội khoa Hoa Kỳ đã công bố hướng dẫn kiểm soát đường huyết ở thai phụ sau phẫu thuật sinh mổ là 140~200 mg/dL. Evans CH cũng chỉ ra rằng liệu pháp insulin tăng cường sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, phụ nữ bị rối loạn chuyển hóa glucose sau khi phẫu thuật sinh mổ nên kiểm soát đường huyết ở mức mục tiêu là 140~180 mg/dL.
Từ đó, điều quan trọng là phụ nữ sau khi phẫu thuật sinh mổ cần kiểm soát đường huyết dựa vào tình trạng của bản thân để không rơi vào trạng thái hạ đường huyết, tăng đường huyết và nhiễm toan ceton.
Có thể thấy rằng, hiện vẫn chưa có phương pháp quản lý thiết lập rõ ràng về kiểm soát giai đoạn phẫu thuật sinh mổ cho phụ nữ mang thai bị rối loạn chuyển hóa glucose. Trong trường hợp thai phụ kiểm soát đường huyết kém, để đạt được kiểm soát đường huyết ổn định trước khi sinh mổ, thai phụ nên tiếp nhận quản lý nhập viện ở tuần 36~37 của thai kỳ. Ngoài ra, thai phụ cũng cần phải chú ý rằng, sau khi sinh mổ tình trạng tăng đường huyết có khả năng xảy ra do sự ảnh hưởng của các hormone gây căng thẳng khác nhau. Và để không rơi vào tình trạng hạ đường huyết nặng và tình trạng tăng đường huyết, nhiễm toan ceton người mẹ nên kiểm soát bằng cách bổ sung glucose và insulin thích hợp.
Bạn đang xem bài viết: “Phương pháp kiểm soát đường huyết trước và sau khi sinh mổ” tại Chuyên mục: “Tiểu đường thai kỳ“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)