Phụ nữ bị bệnh tiểu đường trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nam giới
Danh mục nội dung
1. Rất khó để nhận biết triệu chứng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Bệnh tim ở phụ nữ bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố trong đó có nội tiết tố nữ estrogen và thường phát triển sau khi mãn kinh (khi estrogen bị giảm). Do đó, ở phụ nữ, thời gian phát triển bệnh muộn hơn nam giới từ 5 – 10 năm.
Tại Hoa Kỳ, số người chết vì bệnh tim là nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Cụ thể mỗi năm có khoảng 500.000 phụ nữ tử vong vì bệnh tim. Trước tình hình này, Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã kêu gọi phụ nữ nên nâng cao nhận thức về sức khỏe của tim bằng cách thay đổi lối sống tích cực, lành mạnh hơn.
Ngoài ra, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã tiến hành nhiều hoạt động giáo dục bổ trợ các kiến thức liên quan đến bệnh tim. Giáo sư Stephanie Moore, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết phụ nữ có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim…
Đối với bệnh nhồi máu cơ tim, trong khi nam giới thường có các triệu chứng rõ ràng như đau ngực, thì phụ nữ lại có những dấu hiệu khó xác định bệnh hơn. Đôi khi chỉ xuất hiện các cơn đau ở lưng, cằm, răng, bụng hay bị nôn mửa, đột nhiên thấy khó thở, cảm thấy lạnh và ra mồ hôi… Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh tim ở phụ nữ thường bị chậm trễ.
Một nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 1,1 triệu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở Mỹ cho thấy có đến 42% phụ nữ phát bệnh tim mà chưa hề có dấu hiệu bị đau ngực trước đó. Giáo sư Moore khuyến cáo nếu có những triệu chứng bất thường gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày, bạn nên đến các cơ sở y tế tham khảo ý kiến của các bác sĩ để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Bệnh tim không thể phán đoán chỉ thông qua các triệu chứng đơn thuần, vì vậy những người mang yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim cần đến các cơ sở y tế khi bước sang tuổi trung niên, ngay cả không có dấu hiệu nào đặc biệt. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các chỉ số như cholesterol, huyết áp, chỉ số khối cơ thể (BMI), mức đường huyết lúc đói, thói quen tập thể dục và hoạt động thể chất, điện tâm đồ,… ít nhất 1 lần mỗi năm để phát hiện sớm bệnh tim và có phương pháp điều trị kịp thời.
2. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày
Nếu xuất hiện các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hoặc có thành viên trong gia đình từng mắc bệnh tim, bạn nên xem lại thói quen sinh hoạt của bản thân để có lối sống lành mạnh hơn. Ngay từ khi còn trẻ, tốt nhất nên tạo thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày hoặc đặt mục tiêu đi 10.000 bước mỗi ngày để tăng cường sức khỏe cho trái tim.
Để phòng ngừa bệnh tim, cần giữ một chế độ ăn uống cân bằng như ăn đủ rau và trái cây, bổ sung vitamin và khoáng chất, hạn chế ăn mỡ động vật và ăn nhiều cá. Nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt quá tiêu chuẩn, bạn cần phải thực hiện kế hoạch giảm cân bằng cách giảm tinh bột và tăng protein lành mạnh trong chế độ ăn uống hàng ngày.
3. Phụ nữ thường bị tăng huyết áp và cholesterol trong thời kỳ mãn kinh
Có nhiều phụ nữ bị huyết áp thấp từ khi còn nhỏ và luôn nghĩ rằng họ sẽ không mắc huyết áp cao, một số khác lại không quan tâm đến huyết áp của bản thân vì khi đi khám sức khỏe, các chỉ số đều bình thường. Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ mãn kinh, nguy cơ bị huyết áp cao sẽ tăng lên.
Nội tiết tố nữ estrogen có tác dụng làm giãn mạch máu. Khi estrogen bắt đầu giảm ở độ tuổi 40, chức năng của dây thần kinh tự chủ kiểm soát huyết áp bị rối loạn, khiến huyết áp tăng dần. Ở phụ nữ, cholesterol chỉ cao bằng một nửa so với nam giới khi còn trẻ, nhưng lại có thể tăng nhanh sau tuổi 50, điều này khiến nguy cơ mắc bệnh tim cùng với huyết áp cao và rối loạn lipid máu tăng cao. Do đó, cần phải kiểm tra sức khỏe và có biện pháp điều trị kịp thời nếu huyết áp và cholesterol tăng cao.
4. Bệnh tiểu đường cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh liên quan đến tim mạch
Nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não là những căn bệnh nghiêm trọng xuất hiện đột ngột và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tại Hoa Kỳ, gần 70% bệnh nhân tiểu đường chết vì bệnh tim chủ yếu là do nhồi máu cơ tim. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh này cao gấp 2 đến 3 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Khoảng một nửa trong số những người bị nhồi máu não và khoảng 1/3 trong số những người bị nhồi máu cơ tim mắc bệnh tiểu đường. Nếu duy trì việc điều trị bệnh tiểu đường, nguy cơ này có thể giảm xuống, do đó việc kiên trì điều trị là vô cùng quan trọng.
Video về “Phương pháp điều trị tiểu đường bằng vận động và những điểm cần lưu ý”
Khi tiến hành chụp động mạch vành để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, khác với nam giới thường bị hẹp động mạch vành do các mảng xơ vữa, phụ nữ lại bị hẹp ở nhiều vị trí khác nhau ở động mạch, vì thế có nhiều trường hợp, khi được phát hiện bệnh đã trở nên nghiêm trọng. Điều này có thể là do phụ nữ thường có sức chịu đựng các cơn đau cao hơn nam giới.
Tuy nhiên, việc chịu đựng bệnh tật mà không đến các cơ sở y tế để kiểm tra là vô cùng nguy hiểm, đồng thời có thể làm tăng các rủi ro. Do đó, khi có các triệu chứng bất thường, hãy đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều trị kịp thời.
Bạn đang xem bài viết: “Phụ nữ bị bệnh tiểu đường trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nam giới” tại Chuyên mục: “Sống cùng bệnh“.
⇒ Gợi ý – Tìm Hiểu Chi Tiết:
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)