Bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng
Danh mục nội dung
- 1. Không bị đau răng nghĩa là không có vấn đề gì về sức khỏe răng miệng?
- 2. Mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và bệnh nha chu
- 3. Bệnh nha chu cũng là một bệnh có biến chứng đáng sợ
- 4. Nên làm gì để bảo vệ sức khỏe răng miệng
- 5. Khi được điều trị các bệnh về răng miệng
- 6. Vì chất lượng cuộc sống, để có thể ăn uống bằng răng của chính mình
1. Không bị đau răng nghĩa là không có vấn đề gì về sức khỏe răng miệng?
Nếu được hỏi “Sức khỏe răng miệng có tốt không?”, mọi người sẽ thường trả lời như thế nào? Nhiều câu trả lời được dự đoán như “Không bị đau răng miệng nên không có gì phải lo lắng”, “có đau răng nhẹ, nhưng vẫn có thể đến nha sĩ điều trị”. Nhưng có thực sự là “không bị đau nghĩa là không có vấn đề gì về sức khỏe răng miệng”? Trên thực tế, về mặt chuyên môn, người ta đã chỉ ra rằng khoảng 80% những người trên 35 tuổi mắc các bệnh về răng và nướu.
Sâu răng bắt đầu xuất hiện do các vi khuẩn bám trên bề mặt răng làm tan chảy men răng. Ban đầu, mọi người sẽ nhìn thấy những đốm đen xuất hiện trên răng, nhưng vi khuẩn sâu răng sẽ dần lan rộng bên trong răng. Cơn đau răng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu vi khuẩn sâu răng tấn công sâu vào tủy (một phần của dây thần kinh), cuối cùng chính tủy răng cũng sẽ bị chết do vi khuẩn sâu răng.
Triệu chứng ban đầu của bệnh nha chu là sưng nướu và chảy máu khi đánh răng. Trong khi đó, một túi gọi là túi nha chu được hình thành giữa răng và nướu. Sau đó, trong túi nha chu, mảng bám răng biến đổi trở nên cứng hơn và cao răng được hình thành, túi nha chu trở nên lớn hơn và dịch mủ sẽ chảy ra ở đó. Hơn nữa, khi nướu bị rút, tụt lại làm cho chân răng trông dài hơn bình thường và xương ổ răng giảm làm hình thành các khoảng trống giữa hai hàm răng.
Sâu răng và bệnh nha chu là bệnh viêm nhiễm mãn tính
Phần lớn các bệnh về răng miệng là sâu răng và bệnh nha chu. Cả hai tình trạng bệnh này đều xảy ra do các chất được gọi là mảng bám xuất hiện ở giữa các răng với nhau và giữa răng với nướu. Nhiều loại vi khuẩn sẽ phát triển trên những mảng bám này. Axit của vi khuẩn hòa tan trên bề mặt răng gây sâu răng và bệnh nha chu xảy ra là do độc tố vi khuẩn xâm nhập vào nướu và gây viêm. Nói cách khác, sâu răng và bệnh nha chu là tình trạng viêm nhiễm của vi khuẩn tiếp tục kéo dài được gọi là “bệnh viêm nhiễm mãn tính”.
Nếu không điều trị triệt để tình trạng sâu răng và bệnh nha chu, răng sẽ bị rụng hoặc bệnh nhân cần phải nhổ răng. Mọi người cần đặc biệt chú ý về tình trạng răng miệng vì bệnh nha chu thường tiến triển mà không có triệu chứng xuất hiện giống như răng sâu.
Bài viết hữu ích liên quan:
2. Mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và bệnh nha chu
2.1 Bệnh tiểu đường làm bệnh nha chu chuyển biến xấu hơn
Nếu bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường huyết kém thì sẽ dễ bị các bệnh viêm nhiễm khác nhau. Bệnh nha chu cũng là một bệnh viêm nhiễm nên bệnh sẽ dễ khởi phát và tiến triển hơn ở bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, tăng đường huyết trong bệnh tiểu đường cũng có liên quan đến tình trạng nước bọt giảm, khô miệng, hiệu quả tự làm sạch của răng giảm hay có nhiều hàm lượng đường trong dịch tiết và nước bọt từ nướu và khả năng phục hồi của tế bào giảm,…Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ khởi phát và làm chuyển biến xấu bệnh nha chu hơn gấp 2 lần.
2.2 Bệnh nha chu làm bệnh tiểu đường chuyển biến xấu hơn
Nếu một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường bị một bệnh viêm nhiễm như cảm lạnh, tác dụng của insulin tạm thời suy yếu (tính kháng insulin tăng) và lượng đường trong máu tăng lên. Bệnh nha chu cũng là một bệnh viêm nhiễm, vì vậy bệnh nha chu cũng sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Hơn nữa, không giống như các bệnh nhất thời như cảm lạnh, bệnh nha chu là một bệnh viêm nhiễm mãn tính, ảnh hưởng của bệnh sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian dài, làm xấu đi việc kiểm soát đường huyết.
2.3 Bệnh nha chu là bệnh lối sống
Hầu hết các nguyên nhân gây ra bệnh nha chu có liên quan đến lối sống như việc đánh răng không kỹ, hút thuốc lá, thói quen ăn uống nhiều đường, căng thẳng tinh thần,…Đây cũng là những thói quen lối sống dẫn đến bệnh tiểu đường.
2.4 Các triệu chứng của bệnh nha chu làm rối loạn kiểm soát đường huyết
Giống như nhiều bệnh về lối sống khác như bệnh tiểu đường, bệnh nha chu tiến triển trong thời gian dài mà không xuất hiện các triệu chứng. Đến khi bệnh nhân cảm thấy nướu bị đau hoặc răng lung lay thì bệnh nha chu đã tiến triển đến giai đoạn chỉ một thời gian nữa là răng bị rụng. Hơn nữa, trong tình trạng như vậy, lượng ăn uống sẽ giảm và mất cân bằng trong chế độ ăn uống, do đó bệnh nhân tiểu đường không thể thực hiện chế độ ăn uống và điều trị bằng thuốc một cách chính xác.
2.5 Điều trị kết hợp cả hai bệnh sẽ có hiệu quả tích cực
Như đã nêu ở trên, những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng khởi phát bệnh nha chu và điều trị bệnh tiểu đường có thể không thành công do bệnh nha chu. Ngược lại, nếu bệnh nhân tiểu đường kiểm soát cẩn thận lượng đường trong máu và điều trị thích hợp bệnh nha chu thì sẽ tạo ra một hiệu quả tích cực đến cả hai bệnh.
Giải đáp chi tiết:
3. Bệnh nha chu cũng là một bệnh có biến chứng đáng sợ
Bệnh tiểu đường có rất nhiều biến chứng và bệnh nha chu cũng là 1 bệnh có những biến chứng đáng sợ.
Ví dụ, vi khuẩn gây viêm nha chu đi từ miệng qua phế quản đến phổi, gây viêm phổi. Người ta cũng cho biết rằng vi khuẩn gây viêm nha chu trong máu gây ra bệnh tim gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Cũng có báo cáo chỉ ra rằng số trường hợp bị xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim/ nhồi máu não do bệnh nha chu đang tăng lên trong những năm gần đây và vi khuẩn bệnh nha chu có thể được tìm thấy từ tổn thương động mạch của mạch máu. Ngoài ra, phụ nữ mang thai thường dễ mắc bệnh nha chu và người ta đã phát hiện ra rằng tình trạng sinh non và sinh trẻ quá nhẹ cân cũng tăng lên khi người mẹ mắc bệnh nha chu.
Do đó bệnh nha chu không chỉ làm rụng răng mà còn có những ảnh hưởng xấu khác nhau đối với toàn bộ cơ thể. Hơn nữa, một vấn đề là phần lớn biến chứng của bệnh nha chu cũng là biến chứng của bệnh tiểu đường.
Điều này cũng có ý nghĩa là nếu điều trị bệnh nha chu tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Nói cách khác, mục đích của điều trị bệnh tiểu đường là “để ngăn chặn sự khởi phát và tiến triển của các biến chứng”, vì vậy bệnh nhân tiểu đường nên duy trì kiểm soát tốt lượng đường trong máu, nhưng điều trị bệnh nha chu không chỉ giúp đạt được mục tiêu thông qua việc cải thiện kiểm soát đường huyết mà còn có thể phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng trực tiếp hơn.
4. Nên làm gì để bảo vệ sức khỏe răng miệng
Bí quyết để giữ sức khỏe răng miệng tốt đó là “đánh răng kỹ” và “kiểm soát đường huyết tốt hơn”.
4.1 Điểm lưu ý về việc đánh răng
Phương pháp vật lý là hiệu quả nhất để loại bỏ mảng bám trên răng. Nước súc miệng dạng lỏng có tác dụng làm cho mảng bám dễ loại bỏ hơn, nhưng nếu chỉ súc miệng sẽ không thể loại bỏ tất cả mảng bám được. Do đó cần phải kết hợp súc miệng và đánh răng cẩn thận. Để đánh răng đúng cách và có thể loại bỏ tất cả mảng bám, nên đánh răng ít nhất 10 phút trong 1 lần. Nên làm sạch cả răng giả.
Tốt nhất là nên đánh răng càng sớm càng tốt sau mỗi lần ăn uống. Nếu không thể, hãy cố gắng đánh răng mỗi ngày một lần. Thời điểm đánh răng trong trường hợp này là trước khi đi ngủ vào buổi tối. Lượng nước bọt sẽ bị giảm đi trong khi ngủ, do đó cơ chế tự làm sạch sẽ biến mất và mảng bám răng xuất hiện nhiều hơn, vì vậy việc đánh răng trước khi đi ngủ có hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này.
4.2 Cách chọn bàn chải đánh răng
Bàn chải đánh răng nhỏ gọn với lông chải dài, có độ cứng và độ đàn hồi tốt sẽ hiệu quả để loại bỏ mảng bám. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường huyết kém, nếu lông chải quá cứng, người bệnh có thể bị nhiễm vi khuẩn khi nướu bị tổn thương, trong trường hợp này nên sử dụng bàn chải với lông chải mềm cho đến khi tình trạng kiểm soát đường huyết được cải thiện.
Hiện nay, bàn chải đánh răng điện đang ngày càng trở nên phổ biến, nhưng có rất nhiều người vẫn sử dụng dù đầu bàn chải đã bị cũ. Nên thay thế phần đầu bàn chải khi lông bàn chải bị tòe ra. Hơn nữa, bàn chải điện không thể giúp loại bỏ mảng bám ở kẽ nhỏ giữa các răng. Cần kết hợp sử dụng bàn chải đánh răng với bàn chải kẽ răng để vệ sinh răng miệng sạch hơn.
4.3 Phương pháp đánh răng đúng cách
Để có phương pháp đánh răng hiệu quả, mọi người có thể tham khảo ý kiến nha sĩ về phương pháp phù hợp với mình. Phần dưới đây sẽ giới thiệu một phương pháp đánh răng Scrubbing mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện và có hiệu quả làm sạch cao.
Phương pháp đánh răng Scrubbing cụ thể như sau: Dùng đầu lông bàn chải đánh phần bên ngoài răng theo góc thẳng đứng lên xuống, đánh mặt trong của răng theo đường chéo, di chuyển dần dần đầu bàn chải và đánh bóng mỗi lần 1~2 răng. Nên đảm bảo rằng một phần của bàn chải đánh răng luôn chạm vào kẽ giữa răng và nướu.
Cách sử dụng bàn chải kẽ răng: Đặt bàn chải kẽ răng ở góc vuông giữa các răng và cọ xát để loại bỏ mảng bám.
Đánh răng là “đánh sạch kẽ răng”
Mảng bám thường dễ được hình thành ở khoảng trống giữa các răng hoặc giữa răng và nướu. Do đó khi đánh răng, không nên chỉ chải phần bên ngoài bề mặt răng mà cần làm sạch phần kẽ răng để loại bỏ các mảng bám tích tụ trong những phần này. Nên thực hiện loại bỏ mảng bám răng mỗi ngày 1 lần bằng bàn chải kẽ răng hoặc chỉ nha khoa.
Không bị ảnh hưởng bởi cảm giác sảng khoái mà kem đánh răng đem lại
Khi sử dụng kem đánh răng để đánh răng, dù đánh chưa sạch nhưng người dùng vẫn có cảm giác sảng khoái. Vấn đề là người dùng thường bị đánh lừa bởi một cảm giác sảng khoái như vậy và nghĩ rằng có cảm giác như vậy chính là bởi răng đã được đánh sạch. Bên cạnh đó, kem đánh răng có tác dụng ngăn ngừa sự đổi màu của răng, nhưng nếu sử dụng quá nhiều sẽ làm mòn răng và làm tổn thương nướu. Mọi người có thể loại bỏ mảng bám răng bằng dụng cụ chuyên dụng mà không cần dùng kem đánh răng, vì vậy hãy chú ý không sử dụng quá nhiều kem đánh răng.
4.4 Nên kiểm tra nha khoa hơn 3~4 lần mỗi năm
Cho dù đánh răng đúng cách như thế nào, mảng bám cũng sẽ không hết hoàn toàn mà sẽ tích tụ từng chút một và từ đó cao răng có thể được hình thành mà mọi người không thể tự mình loại bỏ. Do đó mọi người hãy thường xuyên gặp nha sĩ để loại bỏ cao răng ở giai đoạn đầu. Mặc dù tần suất khám răng phụ thuộc vào tình trạng răng miệng của mỗi người nhưng trong “Hướng dẫn điều trị bệnh nha chu cho bệnh nhân tiểu đường” của Hiệp hội nha chu Nhật Bản có khuyên mọi người nên kiểm tra thường xuyên hơn 3~4 lần mỗi năm.
4.5 Hãy ngừng hút thuốc.
Những người hút thuốc lá đã được chỉ ra là dễ mắc bệnh nha chu hơn những người không hút thuốc. Thuốc lá có ảnh hưởng xấu đến việc điều trị bệnh tiểu đường, vì thế nên ngừng hút thuốc lá.
4.6 Ăn nhiều rau sống và hạn chế ăn đồ ngọt
Ăn rau sống giúp làm tăng hiệu quả tự làm sạch của răng và giúp làm sạch bên trong miệng. Rau cũng là một loại thực phẩm cần thiết trong chế độ ăn uống điều trị bệnh tiểu đường, vì vậy nên tích cực ăn rau. Ngược lại, những người ăn nhiều đường sẽ thúc đẩy sự tích tụ mảng bám, vì vậy nên hạn chế ăn đồ ngọt.
Cũng có những người ăn rau sống đầu tiên trong bữa để có cảm giác no bụng và hạn chế ăn nhiều, nhưng nếu suy nghĩ về hiệu quả tự làm sạch của răng, mọi người nên ăn rau cuối cùng.
Gợi ý – Tìm hiểu chi tiết:
5. Khi được điều trị các bệnh về răng miệng
Nên nói cho nha sĩ biết về bệnh tiểu đường của bản thân
Khi đến gặp nha sĩ, hãy nói với nha sĩ rằng bản thân đang bị tiểu đường. Chỉ số đường huyết cao dễ gây ra tình trạng nhiễm trùng khi điều trị, vì vậy đối với bệnh nhân tiểu đường, trong điều trị nha khoa dễ gây chảy máu, thuốc kháng sinh là cần thiết trước và sau khi điều trị. Nếu bệnh nhân tiểu đường đang ở trong tình trạng đường huyết tăng cao quá mức, cần phải cải thiện kiểm soát đường huyết tốt mới có thể tiến hành điều trị được.
Ngoài ra, những bệnh nhân tiểu đường đang điều trị bằng thuốc cũng nên nói với nha sĩ về loại, lượng thuốc uống và insulin đang sử dụng. Bởi vì trong trường hợp nhổ răng hoặc điều trị phẫu thuật nướu, bệnh nhân tiểu đường không thể ăn trong một thời gian sau khi điều trị nên cần phải chú ý đến tình trạng hạ đường huyết ở bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc.
6. Vì chất lượng cuộc sống, để có thể ăn uống bằng răng của chính mình
Mọi người dân Nhật chắc hẳn đều biết đến “Cuộc vận động 8020” với ý nghĩa là khi đến tuổi 80 nhưng vẫn còn 20 chiếc răng. Phong trào này giống như một hoạt động giáo dục cho người cao tuổi, nhưng trên thực tế, hoạt động cũng nhằm hướng đến thế hệ trẻ. Nó tương tự như thực tế bệnh tiểu đường là căn bệnh phổ biến đối với nhiều người cao tuổi do lối sống không lành mạnh từ khi còn trẻ, vì vậy việc phòng ngừa bệnh đòi hỏi phải cải thiện lối sống từ khi còn trẻ. Răng không tự rụng một cách đột ngột mà răng sẽ bị rụng nếu mọi người không chăm sóc răng một cách cẩn thận. Những người mắc bệnh nha chu gần như mất 50% toàn bộ răng khi đến khoảng 19 tuổi.
Nếu có hàm răng khỏe mạnh, mọi người có thể có những bữa ăn vui vẻ và cuộc trò chuyện thú vị. Việc nhai khi ăn uống cũng mang lại sự kích thích cho não và có tác động tích cực đến toàn cơ thể. Để có một cuộc sống trọn vẹn hơn, vai trò của răng không hề nhỏ.
Những người mắc bệnh tiểu đường cần phải chú ý hơn đến sức khỏe răng miệng nhưng thực tế, nếu bệnh nhân chăm sóc răng đúng cách, kiểm tra răng miệng thường xuyên và kiểm soát đường huyết tốt thì sẽ có thể bảo vệ răng suốt đời. Cần hiểu rõ tầm quan trọng của răng, mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng để có thể bảo vệ răng miệng một cách tốt nhất.
Bạn đang xem bài viết: Bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng tại Chuyên mục Biến chứng
https://kienthuctieuduong.vn/
(Nguồn: Viện nghiên cứu thông tin y tế và sức khoẻ Nhật Bản)